Chuyên gia kinh tế: Cần cẩn trọng với rủi ro lạm phát vào cuối năm
Các cơ quan hoạch định chính sách cần thận trọng trong việc điều chỉnh chính sách tiền tệ, chú trọng đến tốc độ tăng trưởng. Đặc biệt, cần linh động điều chỉnh kế hoạch tăng trưởng tín dụng trong quý IV và đầu năm 2017.
Ảnh minh họa
|
Đây là nhận định của ông Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR, Trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội) tại buổi tọa đàm Báo cáo kinh tế vĩ mô Việt Nam 2016 do VEPR tổ chức ngày 11/10.
Theo ông Thành, kinh tế thế giới có những yếu tố biến động như: Cục Dự trữ liên bang Mỹ tiếp tục để ngỏ khả năng tăng lãi suất, Nhật Bản rơi vào trạng thái giảm phát, trong khi đó Anh và Liên minh châu Âu vẫn chưa có quyết định gì về cách thức tiến hành Brexit.
Đồng thời, trong quý III cũng chứng kiến sự thay đổi ngược chiều về giá của các loại hàng hóa cơ bản trong khi giá các loại ngũ cốc chính giảm nhẹ, giá năng lượng vẫn đang trên đà phục hồi vững chắc. Những yếu tố bất trắc này có thể khiến cho việc dự báo ảnh hưởng của kinh tế thế giới tới Việt Nam trong ngắn hạn trở nên khó khăn hơn.
Ông Thành đánh giá, kinh tế trong nước phục hồi nhẹ so với nửa đầu năm nhờ những yếu tố tích cực đến từ khu vực công nghiệp chế biến chế tạo. Tuy nhiên, sự hồi phục này không đủ bù đắp suy giảm của ngành nông nghiệp và công nghiệp khai khoáng.
Lãnh đạo VEPR cũng có cùng quan điểm với Chính phủ về việc duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, thay vì quá chú trọng vào mục tiêu tăng trưởng.
Ông Thành nhận định, lạm phát tiếp tục tăng trong những tháng cuối năm là không thể tránh khỏi, khi giá dịch vụ y tế mới được điều chỉnh tại 16 tỉnh, thành phố trong quý IV. Giá năng lượng hồi phục, trong khi giá lương thực thế giới vẫn là một ẩn số, có thể tạo áp lực lên mặt bằng giá trong nước. Trong khi đó, cung tiền vẫn đang được điều chỉnh tăng nhanh hơn so với cùng kỳ năm 2015. Những yếu tố này khiến lạm phát hoàn toàn có khả năng chạm mức mục tiêu 5% mà Quốc hội đã đặt ra.
Do vậy, VEPR vẫn giữ vững quan điểm cho rằng, các cơ quan hoạch định chính sách cần thận trọng trong việc điều chỉnh chính sách tiền tệ. Đặc biệt, cần linh động trong điều chỉnh kế hoạch tăng trưởng tín dụng trong quý IV và đầu năm 2017, trong trường hợp có thể gây rủi ro lạm phát.
Hơn nữa, chi ngân sách đang có xu hướng gia tăng trong những tháng cuối năm và không kịp điều chỉnh xuống tương ứng với mức tăng trưởng kinh tế trên thực tế, trong khi thu ngân sách, đặc biệt là ngân sách Trung ương, lại gặp nhiều khó khăn vì phản ánh đúng thực tế tăng trưởng chậm hơn so với dự báo từ đầu năm. Việc thực hiện mục tiêu duy trì bội chi ngân sách dưới 5% GDP trong năm 2016 sẽ gặp nhiều khó khăn.
“Cần có một chiến lược tổng thể và hữu hiệu cắt giảm bộ máy hành chính và chi thường xuyên trong cả nhiệm kỳ. Ngoài ra, những biện pháp mang tính kỹ thuật khác như thoái vốn dứt khoát tại các doanh nghiệp (DN) Nhà nước như đã đề cập trong báo cáo trước cũng cần được xem xét”, ông Nguyễn Đức Thành nhận định...
http://baochinhphu.vn/Kinh-te/Chuyen-gia-kinh-te-Can-can-trong-voi-rui-ro-lam-phat-vao-cuoi-nam/288720.vgp
|