Thứ Ba, 11/10/2016 16:15

“Tăng trưởng GDP cả năm 2016 đạt 6% đã là thành công với kinh tế Việt Nam”

Mặc dù, tăng trưởng GDP quý 3/2016 đã có cải thiện đáng kể so với 2 quý trước, tuy nhiên dựa theo những dữ liệu lịch sử và công cụ phân tích, Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) dự báo GDP của cả năm 2016 sẽ chỉ tăng ở mức 6%.

Sáng ngày 11/10, trong buổi Tọa đàm Công bố Báo cáo Kinh tế Vĩ mô quý 3/2016, TS Nguyễn Đức Thành, cùng các chuyên gia khác có mặt tại buổi tọa đàm là nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại Trương Đình Tuyển và chuyên gia kinh tế TS Vũ Đình Ánh đã có những trao đổi về tình hình kinh tế Việt Nam trong 9 tháng đầu năm và những dự báo, nhận định về quý cuối cùng của năm 2016.

Tọa đàm Công bố Báo cáo Kinh tế Vĩ mô quý 3/2016 diễn ra sáng ngày 11/10

Theo thông tin đưa ra trong báo cáo, kinh tế Việt Nam quý 3 đã có những cải thiện đáng kể so với nửa đầu năm dù vẫn thấp hơn so với cùng kỳ năm trước. GDP trong kỳ đạt mức tăng 6.4%, tăng trưởng 9 tháng đầu năm 2016 đạt 5.93%. Mặc dù nền kinh tế có mức tăng trưởng không cao nhưng đang có khuynh hướng đi lên nhẹ nhờ những tín hiệu tích cực đến từ khu vực công nghiệp chế biến chế tạo. Tuy nhiên, ngành nông nghiệp và khai khoáng lại có sự suy giảm nhẹ.

Khu vực nông nghiệp, chiếm 11-13% GDP, ước tính chỉ tăng 0.05% trong 9 tháng đầu năm và chỉ đóng góp được 0.01% vào tăng trưởng GDP. Trong khi đó, lâm nghiệp và thủy sản cũng giảm nhẹ so với cùng kỳ năm trước. Cộng dồn 9 tháng đầu năm, khu vực nông, lâm ngư nghiệp chỉ tăng 0.65%, thấp nhất trong 6 năm trở lại đây.

Theo ông Trương Đình Tuyển, hiện nay ngành nông nghiệp suy giảm, một phần nguyên nhân khách quan và tất yếu là do biến đổi khí hậu, vì vậy cần phải chấp nhận thực trạng và tiến hành tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng bền vững nếu muốn tăng trưởng ổn định trong tương lai.

Ông Tuyển cũng đưa lý do tương tự đối với sự suy giảm ngành khai khoáng. Bởi vì khai thác luôn đi đôi với việc tài nguyên sẽ dần bị cạn kiệt và trong bối cảnh giá sản phẩm ngành này thấp như hiện này thì không nên tận khai tài nguyên thiên nhiên. Theo đó, cần phải xem việc suy giảm trong ngành khai khoáng là điều tất yếu để có những chính sách cho phù hợp.

Bên cạnh đó, ông Tuyển cũng đề cập đến tình trạng kinh tế Việt Nam chịu ảnh hưởng bởi ngành công nghiệp chế biến chế tạo, nhất là từ các doanh nghiệp FDI như Samsung. Tuy nhiên, hiện tại Samsung đang gặp những khó khăn do hiện tượng Galaxy Note 7, do đó nhiều khả năng chúng ta sẽ phải chịu những ảnh hưởng của việc doanh nghiệp này ngừng sản xuất sản phẩm.

Liên quan đến vấn đề ngành công nghiệp chế biến chế tạo và trực tiếp đến vấn đề của doanh nghiệp Samsung, TS Vũ Đình Ánh cũng cho biết trong 3 năm gần đây, kinh tế Việt Nam, đặc biệt là xuất khẩu Việt Nam có sự ảnh hưởng lớn từ Samsung. Và những thiệt hại của Samsung trong vụ việc ngừng sản xuất lượng lớn sản phẩm Galaxy Note 7 có thể sẽ có tác động tới Việt Nam. 

Tính tới thời điểm hiện tại, theo ông Trương Đình Tuyển, để có thể đạt được chỉ tiêu tăng trưởng GDP phấn đấu ở mức 6.3-6.5% của Chính Phủ, GDP trong quý 4 sẽ phải tăng từ 7.4-8%, đây là việc khó có thể thực hiện được.  

Theo dự báo của VEPR, kinh tế Việt Nam cả năm 2016 sẽ tăng trưởng ở mức khoảng 6%, còn theo ý kiến của ông Trương Đình Tuyển con số này có thể ở mức 6-6.2% nếu xét cả trên mức gia tốc tăng GDP qua các quý. Khác với những nhận định của VEPR và ông Tuyển, TS Vũ Đình Ánh có cái nhìn khá lạc quan về tăng trưởng kinh tế, ông cho rằng mức tăng gia tốc của GDP trong các quý trước có thể cho ta kỳ vọng về việc GDP có thể đạt được mục tiêu tăng trưởng 6.3% cả năm. 

Dựa trên những dữ liệu lịch sử cùng với những kinh nghiệm tăng trưởng trong các năm trước, TS Nguyễn Đức Thành cho rằng, tăng trưởng GDP quý 4 sẽ không thể vượt quá 1 điểm phần trăm so với quý 3. Lần duy nhất đạt được điều này là năm 2009 khi gói kích cầu quy mô lớn được tung ra. Tuy nhiên trong tình hình kinh tế hiện tại, việc đưa ra gói kích cầu chỉ để đạt được mục tiêu tăng trưởng là điều không khả thi vì điều này sẽ gây những ảnh hưởng tiêu cực các lĩnh vực khác. 

Chia sẻ bên lề buổi tọa đàm, TS Nguyễn Đức Thành cho rằng: “Tăng trưởng GDP cả năm 2016 có thể đạt 6% đã là thành công với kinh tế Việt Nam”.

Về hoạt động doanh nghiệp, quý 3 tiếp tục có nhiều khởi sắc, dù giảm nhẹ so với quý 2. Số lượng doanh nghiệp đăng ký hoạt động mới cũng như số vốn đăng ký trung bı̀nh tăng mạnh. Tuy nhiên, lượng lao động sử dụng trong các doanh nghiệp mới lại giảm so với cùng kỳ năm trước, chủ yếu do cắt giảm lao động trong khu vực công nghiệp khai khoáng. Hoạt động xuất nhập khẩu hồi phục cả về lượng và giá trị, với mức tăng 8.3% kim ngạch xuất khẩu và 5% kim ngạch nhập khẩu. Xuất khẩu tăng trưởng nhanh hơn giúp cán cân thương mại đạt thặng dư nhẹ trong quý 3.

Dự trữ ngoại hối tăng liên tục và có khả năng vượt mức 37 tỷ USD vào cuối năm. Mặt bằng lãi suất ổn định khi nguồn huy động dồi dào kết hợp với nhu cầu tín dụng tăng vừa phải. Cả lãi suất huy động và lãi suất liên ngân hàng đều giảm, không còn hiện tượng chạy đua lãi suất như những quý trước. Thị trường BĐS tăng trưởng ổn định trong quý 3, khối lượng căn hộ giao dịch tăng lên dù nguồn cung mới có giảm nhẹ so với quý trước.

Liên quan đến vấn đề Ngân sách Nhà Nước, TS Thành cũng đề cập đến việc Ngân sách Nhà nước thấp hơn so với những năm trước. Mục tiêu duy trì bội chi ngân sách dưới 5% GDP trong năm 2016 khả năng sẽ bị phá vỡ. Nguyên nhân theo tiến sĩ là do việc dự báo và lập kế hoạch từ đầu năm thiếu chính xác, tạo ra khoảng chênh lệch thu chi ngân sách so với thực tế. Bên cạnh đó, chỉ số lạm phát cả năm dự kiến có thể chạm mức 5% mà Quốc hội đặt ra, khi mà vẫn còn ít nhất ba lần điều chỉnh dịch vụ y tế tại các địa phương còn lại trong quý 4.

Cũng đứng trên góc nhìn về ngân sách, tuy nhiên TS Vũ Đình Ánh cho rằng việc thu chi ngân sách năm 2016 sẽ không bị ảnh hưởng nhiều bởi dự tính tăng trưởng GDP, mà chủ yếu sẽ ảnh hưởng bởi lạm phát./.

Các tin tức khác

>   10 triệu tỷ đồng tài sản công: Quản thế nào? (11/10/2016)

>   HSBC hạ dự báo tăng trưởng GDP Việt Nam xuống còn 6.2% (11/10/2016)

>   Xác định rõ mô hình tăng trưởng cần phấn đấu xây dựng (10/10/2016)

>   Căn cứ nào để GDP năm 2017 tăng 6,7%? (07/10/2016)

>   Nợ xấu, nợ công và tăng trưởng: vấn đề là ở niềm tin (07/10/2016)

>   WB hạ dự báo tăng trưởng Việt Nam xuống 6,0% trong năm (05/10/2016)

>   Thủ tướng: chất lượng tăng trưởng quan trọng hơn tỷ lệ (05/10/2016)

>   Để GDP cả năm đạt 6.5% thì quý 4 phải tăng 7.7% (04/10/2016)

>   GDP năm 2017 dự kiến tăng 6.7% (03/10/2016)

>   Đổi mới kinh tế vẫn theo kiểu “dò đá qua sông” (01/10/2016)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật