9 nguyên tắc phân bổ vốn đầu tư NSNN
Mới đây, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng vừa có văn bản số 8836/BKHĐT-TH về việc dự kiến phân bổ Kế hoạch đầu tư vốn NSNN giai đoạn 2016 - 2020 và năm 2017.
Theo đó, về kế hoạch đầu tư vốn NSNN giai đoạn 2016 - 2020 cần tuân thủ các nguyên tắc chung bao gồm:
(1) Việc phân bổ vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách nhà nước phải phục vụ cho việc thực hiện các mục tiêu, định hướng phát triển tại Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2011-2020, Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020 của quốc gia, của các ngành, lĩnh vực, địa phương, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội và các quy hoạch ngành, lĩnh vực đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
(2) Việc phân bổ vốn tuân thủ các quy định của Luật Đầu tư công, Luật Ngân sách nhà nước, Nghị quyết số 1023/NQ-UBTVQH13 của Ủy ban thường vụ Quốc hội, Nghị quyết số 62/NQ-CP của Chính phủ, Quyết định số 40/2015/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn đầu tư phát triển nguồn NSNN giai đoạn 2016-2020 và các văn bản pháp luật có liên quan.
(3) Bảo đảm quản lý tập trung, thống nhất về mục tiêu, cơ chế, chính sách; thực hiện phân cấp trong quản lý đầu tư theo quy định của pháp luật, tạo quyền chủ động cho các bộ, ngành trung ương và các cấp chính quyền địa phương trong việc xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch. Phân bổ kế hoạch đầu tư trung hạn vốn NSNN giai đoạn 2016 - 2020 phải gắn chặt với quá trình tái cơ cấu đầu tư công.
(4) Phù hợp với khả năng cân đối vốn đầu tư từ nguồn ngân sách nhà nước và thu hút các nguồn vốn đầu tư của các thành phần kinh tế khác, của từng ngành, lĩnh vực và địa phương; bảo đảm các cân đối vĩ mô, ưu tiên an toàn nợ công.
(5) Bố trí vốn đầu tư tập trung, khắc phục tình trạng phân tán, dàn trải, bảo đảm hiệu quả sử dụng vốn đầu tư. Chỉ bố trí vốn cho các dự án đã đủ thủ tục đầu tư được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo đúng quy định của Luật Đầu tư công và các văn bản pháp luật có liên quan.
(6) Bố trí đủ vốn cho 2 chương trình mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới và Giảm nghèo bền vững đã được Quốc hội phê duyệt.
(7) Bảo đảm công khai, minh bạch trong việc phân bổ vốn đầu tư công, góp phần đẩy mạnh cải cách hành chính và tăng cường công tác phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
(8) Các bộ, ngành trung ương và địa phương phân bổ chi tiết 90% số vốn kế hoạch trung hạn nguồn NSNN giai đoạn 2016 - 2020 được thông báo; 10% dự phòng để xử lý các vấn đề phát sinh trong quá trình thực hiện kế hoạch đầu tư trung hạn, chủ động trong cân đối vốn trong trường hợp nguồn thu không đạt kế hoạch.
(9) Mức vốn bố trí cho từng dự án:
- Đối với các dự án hoàn thành đã bàn giao đi vào sử dụng, các dự án đã quyết toán bố trí đủ kế hoạch vốn cho từng dự án theo số đã quyết toán hoặc khối lượng hoàn thành đã nghiệm thu, nhưng không vượt quá tổng mức đầu tư đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo đúng quy định của pháp luật.
- Đối với các dự án dở dang và các dự án khởi công mới, Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành trung ương và địa phương, trong từng dự án thực hiện tiết kiệm 10% trên tổng mức đầu tư (Nghị quyết số 89/NQ-CP của Chính phủ ngày 10 tháng 10 năm 2016 về Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9 năm 2016); mức vốn kế hoạch bố trí cho từng dự án không vượt quá 90% tổng mức đầu tư đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Đặc biệt, về ưu tiên bố trí vốn, Bộ Kế hoạch và Đầu tư ưu tiên bố trí đủ vốn để thanh toán nợ đọng xây dựng cơ bản đến ngày 31 tháng 12 năm 2014, nhưng đến hết kế hoạch năm 2015 chưa bố trí nguồn để thanh toán; thu hồi các khoản ứng trước theo đúng Nghị quyết số 62/NQ-CP; bố trí đủ vốn đối ứng cho dự án sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài theo dự kiến kế hoạch trung hạn trình cấp có thẩm quyền phê duyệt; ưu tiên bố trí vốn đầu tư của Nhà nước tham gia thực hiện dự án theo hình thức hợp tác công tư (PPP). Bên cạnh đó, sẽ ưu tiên các dự án chuyển tiếp hoàn thành trong giai đoạn 2016-2020 và dự án chuyển tiếp hoàn thành sau giai đoạn 2016-2020.
Sau khi bố trí đủ vốn cho các dự án nêu trên, nếu còn vốn mới xem xét bố trí cho các dự án khởi công mới. Đối với bộ, ngành trung ương và địa phương bố trí kế hoạch đầu tư trung hạn giai đoạn 2016-2020 để thu hồi 50% các khoản ứng trước, không được phép khởi công mới dự án trong giai đoạn 2016-2020, trừ các dự án đã được Thủ tướng Chính phủ cho phép khởi công mới trong kế hoạch năm 2016.
Đối với dự án khởi công mới phải lựa chọn những dự án thật sự cấp thiết, giải quyết những vấn đề bức xúc của ngành, lĩnh vực và chương trình, bố trí đủ vốn kế hoạch đầu tư trung hạn theo ý kiến thẩm định của cấp có thẩm quyền về nguồn vốn và khả năng cân đối vốn để hoàn thành trong giai đoạn 2016-2020. Trường hợp, còn một số ít dự án thật sự cấp thiết, nhưng chưa cân đối đủ vốn để hoàn thành dự án trong giai đoạn 2016 - 2020, thì phải báo cáo cấp có thẩm quyền giãn thời gian thực hiện dự án sang giai đoạn sau./.
|