Xử phạt 36 doanh nghiệp bán hàng đa cấp với tổng số tiền gần 6.5 tỷ đồng
Ngày 19/09/2016, Bộ Công Thương tổ chức sơ kết 6 tháng thực hiện Chỉ thị số 02/CT-BCT về tăng cường công tác kiểm tra, giám sát xử lý vi phạm pháp luật trong hoạt động bán hàng đa cấp (BHĐC) dưới sự chủ trì của Bộ trưởng Trần Tuấn Anh.
Về việc triển khai thực hiện Chỉ thị 02, thông báo tại Hội nghị kết quả đạt được, Phó Cục trưởng Cục Quản lý cạnh tranh, Bộ Công Thương Trịnh Anh Tuấn cho biết, 6 tháng vừa qua, Cục đã điều tra, xử phạt 36 doanh nghiệp với số tiền xử phạt gần 6.5 tỷ đồng, thu hồi giấy chứng nhận đăng ký hoạt động BHĐC đối với 9 doanh nghiệp. Cục cũng tiếp nhận và xử lý 123 khiếu nại của người tham gia BHĐC.
Theo đánh giá của Phó Cục trưởng Cục Quản lý cạnh tranh, sự ra đời của Chỉ thị 02 tạo bước ngoặt trong công tác quản lý hoạt động BHĐC tại Việt Nam. Số lượng doanh nghiệp BHĐC tính đến tháng 9/2016 đã giảm từ 67 xuống còn 50 doanh nghiệp đang hoạt động. Số lượng người tham gia BHĐC hiện có 500,000 người, giảm 57% so với gần 1.2 triệu người của cùng kỳ năm 2015. Trong 6 tháng đầu năm, các công ty BHĐC đạt tổng doanh thu 4,000 tỷ đồng, đóng thuế cho Nhà nước 452 tỷ đồng. Trong đó, doanh thu của khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài khoảng 1,800 tỷ đồng (chiếm 45% thị phần), doanh thu của khối doanh nghiệp trong nước khoảng 2,200 tỷ đồng (chiếm 55% thị phần).
Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh hoan nghênh sự tham dự của các đơn vị, đặc biệt là lãnh đạo nhiều Sở Công Thương, các cơ quan thông tấn, truyền thông. Bộ trưởng hy vọng, tại Hội nghị, các đại biểu sẽ thẳng thắn đánh giá tình hình thực hiện Chỉ thị 02 cũng như chia sẻ những khó khăn, tồn tại trong công tác quản lý BHĐC tại địa phương, từ đó đề xuất những kiến nghị mang tính thực tế sửa đổi Nghị định số 42/2014/NĐ-CP nhằm hoàn thiện khung khổ pháp lý quản lý hoạt động BHĐC để trình Chính phủ thông qua vào cuối năm 2016.
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh phát biểu tại Hội nghị
|
Phản hồi những chia sẽ của lãnh đạo Sở Công Thương các tỉnh, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh khẳng định, BHĐC hiện đang biến tướng khó lường, khó quản lý song không phải vì thế mà loại bỏ, bởi đây là một loại hình kinh doanh hiện đại, không thể phủ nhận trong tổng thể hoạt động thương mại của một quốc gia đang phát triển, hội nhập sâu rộng như Việt Nam.
Bộ trưởng chỉ đạo Cục Quản lý cạnh tranh không nên tập trung tổng kết những con số mà cần có những đánh giá toàn diện về tình hình thực tiễn của BHĐC, đặc biệt là sự ảnh hưởng đến địa phương, đến đời sống của người dân. Theo Bộ trưởng, Cục Quản lý cạnh tranh cần tính toán phương án hạn chế cấp phép mới cho các doanh nghiệp BHĐC trong bối cảnh đang sửa đổi, hoàn thiện Nghị định số 42/2014/NĐ-CP cũng như khung khổ pháp lý quản lý BHĐC.
Liên quan đến yêu cầu sửa đổi, hoàn thiện Nghị định số 42/2014/NĐ-CP, Vụ trưởng Vụ Pháp chế - Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân cho biết, hiện Vụ Pháp chế và các đơn vị hữu quan đang xem xét 24 mảng, vấn đề cần sửa đổi. Trong đó, minh bạch thông tin là yếu tố đầu tiên, quan trọng nhất, sau đó là các vấn đề liên quan đến địa bàn hoạt động (quy định nếu doanh nghiệp hoạt động ở đâu thì phải có báo cáo hoặc có văn phòng đại diện, chi nhánh ở đó), vấn đề phân cấp, phân quyền (tăng cường phân quyền quản lý cho địa phương),... ./.
|