Trúng thầu bán gạo cho Phillipines nhưng giá lúa gạo vẫn giảm
Việc Việt Nam trúng thầu cung cấp 150.000 tấn gạo loại 25% tấm cho Philippines hôm 31-8 vừa qua đã không ngăn được đà sụt giảm của giá lúa gạo thị trường nội địa. Vì sao như vậy?
Giá lúa, gạo nội địa tiếp tục sụt giảm sau tin trúng thầu bán 150.000 tấn cho Philippines. Trong ảnh là nông dân Tiền Giang đang thu hoạch lúa thu đông sớm. Ảnh: Trung Chánh.
|
Theo tìm hiểu của TBKTSG Online, tại thời điểm mở phiên thầu cung cấp 250.000 tấn gạo cho Philippines hôm 31-8, trong đó, Việt Nam trúng thầu 150.000 tấn, giá gạo nguyên liệu trong nước ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) vẫn còn dao động quanh mức 6.200-6.300 đồng/kg, thì hiện tại giá bán chỉ còn 6.000-6.100 đồng/kg, tức đã giảm 200 đồng/kg so với mức giá hồi cuối tháng 8-2016.
Giá lúa IR 50404 tươi cũng nhanh chóng giảm xuống mức giá 4.200-4.300 đồng/kg so với mức giá vào ngày 31-8 là 4.400-4.500 đồng/kg.
Trao đổi với TBKTSG Online về nguyên nhân giá lúa, gạo giảm mạnh sau tin trúng thầu, ông Nguyễn Thanh Phong, Giám đốc doanh nghiệp Vạn Lợi (Tiền Giang), nói: “Lượng hợp đồng như vậy là không như kỳ vọng”.
Theo ông Phong, lượng gạo trúng thầu 150.000 tấn là quá ít, trong khi số gạo doanh nghiệp “ôm” vào trước đó là rất lớn. “Điều này có nghĩa lượng hàng cần bán ra lớn hơn nhiều so với lượng hàng sẽ giao trong tháng 9 và 10 tới đây của hợp đồng Philippines, do đó, giá phải giảm xuống”, ông cho biết.
Có cùng quan điểm, bà Ngô Ngọc Yến, Giám đốc doanh nghiệp Yến Ngọc (TPHCM), cho biết trong bối cảnh lượng hàng tồn kho lớn, đầu ra eo hẹp và lúa thu đông sớm ở khu vực ĐBSCL đã bắt đầu vào vụ ở một số nơi nên giá phải giảm do cung cao hơn cầu.
Trong khi đó, ông Phạm Thanh Thọ, Phó giám đốc ngành lương thực của Tập đoàn Lộc Trời, khi trao đổi trước đó với TBKTSG Online, cho rằng vốn từ ngân hàng cung cấp cho doanh nghiệp ngành gạo bị “siết lại”, cho nên, tình trạng đầu cơ trong bối cảnh đầu ra không “tươi sáng” đã khiến giá lúa gạo sụt giảm.
Theo một số doanh nghiệp trong ngành, yếu tố có tác động lớn đến khuynh hướng giá cả nội địa của phân khúc gạo trắng hạt dài Việt Nam là ở thị trường Trung Quốc - vốn chiếm khoảng 35% thị phần nhập khẩu Việt Nam - nhưng đã ngưng mua.
Cũng theo nhận định của giới buôn gạo, trong bối cảnh Philippines nhập khẩu quá ít gạo từ Việt Nam, chỉ 150.000 tấn theo thỏa thuận Chính phủ (G2G), Indonesia không mua trong năm 2016, còn Trung Quốc cũng tạm “ngưng ăn hàng” sẽ khiến việc tiêu thụ lúa, gạo thị trường nội địa những tháng còn lại của năm 2016 gặp nhiều khó khăn.
Về diễn biến tình hình xuất khẩu gạo, sau khi cập nhật kết quả xuất khẩu đến cuối tháng 7-2016, thì cho đến nay, Hiệp hội lương thực Việt Nam (VFA) vẫn chưa công bố số liệu mới về kết quả xuất khẩu của doanh nghiệp hội viên đơn vị này.
Tuy nhiên, một nguồn tin quốc tế thống kê, cho thấy tính đến ngày 23-8-2016, xuất khẩu gạo Việt Nam đạt 3,045 triệu tấn, giảm 22% so với cùng kỳ năm ngoái, tạm xếp thứ 3 sau Ấn Độ và Thái Lan (với khối lượng xuất khẩu đạt lần lượt là 6,491 và 6,102 triệu tấn)./.
tbktsg
|