Xuất khẩu gạo tiếp tục bế tắc do thiếu thị trường
Theo thông tin từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, trong tháng Tám, xuất khẩu gạo tiếp tục gặp bế tắc do không có nhu cầu nhập khẩu gạo mới từ cả thị trường truyền thống và các thị trường khác.
Bốc xếp gạo xuất khẩu tại Đồng Tháp. (Ảnh: Đình Huệ/TTXVN)
|
Nhiều thị trường xuất khẩu gạo truyền thống đồng loạt giảm mạnh so với cùng kỳ năm ngoái như Philippines (giảm 66,4%), Malaysia (giảm 54,5%), Singapore (giảm 36,3%) và Hoa Kỳ (giảm 37,6%)…
Đối với thị trường Trung Quốc, nước tiêu thụ gạo Việt Nam nhiều nhất (với 36% thị phần xuất khẩu gạo) trong thời gian qua, tiếp tục quản lý chặt xuất khẩu gạo qua đường tiểu ngạch. Do đó, bảy tháng qua xuất khẩu gạo sang thị trường này giảm 21,6% về khối lượng và giảm 11,9% về giá trị so với cùng kỳ năm 2015.
Đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cũng cho biết, theo Chương trình giám sát trong Nghị định thư về gạo và cám của Trung Quốc, thì hiện chưa có công ty khử trùng, giám định gạo nào của Việt Nam được phía Trung Quốc công nhận. Điều này khiến việc xuất khẩu gạo gặp nhiều khó khăn.
Bên cạnh đó, Indonesia-thị trường nhập khẩu gạo lớn thứ hai của Việt Nam trong 7 tháng qua với 10,6% thị phần, song hiện Indonesia vẫn khẳng định không nhập khẩu gạo trong năm 2016 do lượng gạo tồn kho trong nước vẫn ở mức an toàn.
Trong khi đó, tại thị trường Philippines, tuần trước có thông báo kế hoạch nhập khẩu 250.000 tấn gạo song đến nay vẫn chưa có thông tin chính thức.
Theo đó, xuất khẩu gạo trong tháng Tám cũng như 8 tháng qua cũng có sự sụt giảm đáng kể. Cụ thể, so với cùng kỳ năm 2015, ngành hàng gạo giảm 16,6% về khối lượng và giảm 13,1% về giá trị. Với khối lượng xuất khẩu gạo 8 tháng qua ước đạt 3,37 triệu tấn và 1,51 tỷ USD.
Xuất khẩu gạo giảm ngoài yếu tố thị trường trầm lắng còn có nguyên nhân nguồn cung hạn chế do những thiệt hại trong đợt hạn hán và xâm nhập mặn vừa qua.
Giá lúa gạo tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long biến động thất thường trong tháng Tám. Cụ thể, tại An Giang giá lúa tươi dao động từ 4.400-4.700 đồng/kg; Bạc Liêu có giá lúa dao động từ 6.400-6.700 đồng/kg; Kiên Giang có giá dao động khoảng 5.500-5.700 đồng/kg./.
Thanh Tâm
Vietnam+
|