Mía đường gặp khó với biến đổi khí hậu
Không chỉ gặp khó khi cạnh tranh với đường nhập khẩu, ngành mía đường của VN cũng chịu thiệt hại rất lớn do những tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu.
Mức độ cơ giới hóa của ngành mía đường Việt Nam còn thấp nên giá thành sản xuất cao, khó cạnh tranh với đường ngoại nhập - Ảnh: HỮU KHOA
|
Niên vụ mía đường 2015-2016 kết thúc đánh dấu năm thứ hai liên tiếp sản lượng mía đường trong nước sụt giảm sau nhiều năm tăng trưởng, với nguyên nhân chính là hạn hán và xâm nhập mặn.
Sản lượng giảm
Thông tin từ Bộ NN&PTNT cho biết diện tích mía cả nước trong niên vụ 2015-2016 là 284.000ha, giảm 6,7%, với sản lượng 18,3 triệu tấn, giảm 8%. Tổng lượng mía mà các nhà máy đưa vào chế biến là 13 triệu tấn sản xuất ra 1,5 triệu tấn đường, giảm trên 180.000 tấn (tương đương giảm 10,4%) so với vụ trước và thấp hơn so với kế hoạch đầu năm là 1,56 triệu tấn đường.
Đây cũng là năm thứ hai liên tiếp sản lượng đường giảm và là lý do để Bộ Công thương đề xuất Chính phủ cho nhập khẩu 200.000 tấn đường trong năm 2016 để bổ sung nguồn cung trong nước.
Trong khi đó, theo Cục Chế biến, thương mại nông lâm thủy sản và nghề muối (Bộ NN&PTNT), không chỉ giảm sản lượng, chất lượng mía cũng giảm rõ rệt. Cụ thể, chữ đường bình quân của mía đưa vào nhà máy chế biến chỉ đạt 9,64 CCS, thấp hơn vụ trước gần 0,56 CCS.
Đặc biệt, do ảnh hưởng của hạn hán và xâm nhập mặn, sản lượng và chất lượng mía tại khu vực miền Trung - Tây nguyên và miền Nam bị ảnh hưởng nặng nề nhất.
Nhiều chuyên gia cũng dự báo niên vụ 2016-2017 diện tích mía chịu ảnh hưởng của hạn hán và xâm nhập mặn sẽ cao hơn, đặc biệt ở ĐBSCL gây ảnh hưởng lớn đến cả sản lượng và chất lượng mía.
Đây là một thách thức rất lớn đối với ngành mía đường của VN trong thời gian tới bởi trình độ sản xuất mía tại VN vẫn còn tương đối lạc hậu, phụ thuộc nhiều vào thiên nhiên, chưa ứng dụng cơ giới hóa trong canh tác và tưới tiêu.
Thay đổi để tồn tại
Theo Cục Trồng trọt, năng suất mía của VN hiện chỉ bằng 90% trung bình của thế giới, chưa nói đến các cường quốc mía đường như Brazil, Úc, Thái Lan, Ấn Độ... Năng suất đường của VN còn thấp hơn, chỉ đạt 5 tấn/ha so với trung bình của thế giới là 6,8 tấn/ha.
Trong khi đó, ngành đường VN đang đối mặt với nhiều khó khăn từ đường nhập khẩu, nhập lậu, chưa kể những tác động từ các hiệp định thương mại tự do (FTA) mà VN đã ký kết với các nước đang và sắp có hiệu lực.
Ông Nguyễn Hải, tổng thư ký Hiệp hội Đường VN, cảnh báo ngành đường trong nước chịu tác động trực tiếp từ các FTA đã ký với các nước... Chẳng hạn, thuế suất nhập khẩu đường từ sau năm 2010 chỉ còn 5%.
Ngoài ra, với hiệp định thương mại biên giới Việt - Lào, sản phẩm do Hoàng Anh Gia Lai sản xuất tại Lào nhập về VN được hưởng thuế ưu đãi đặc biệt: thuế nhập và VAT bằng 0%. “Khả năng cạnh tranh của đường trong nước sẽ chịu nhiều sức ép”, ông Hải khuyến cáo.
Để tăng khả năng cạnh tranh, ông Phạm Hồng Dương, chủ tịch ủy ban mía đường Tập đoàn TTC, cho rằng ngành mía đường VN phải đầu tư vào cơ giới hóa và ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất mía.
Theo ông Dương, nước tưới là yếu tố quyết định trong trồng mía nhưng ngoài khu vực ĐBSCL có nguồn nước tự nhiên thuận lợi, hầu hết các địa bàn còn lại không có điều kiện để tưới bổ sung, cây mía chủ yếu sống bằng nước trời.
Số liệu của Bộ NN&PTNT cũng cho biết diện tích mía được tưới bổ sung tại VN hiện nay chỉ có gần 17.000ha. Trong điều kiện thâm canh bình thường, nước tưới bổ sung sẽ giúp tăng năng suất khoảng 35-50% so với canh tác mía phụ thuộc hoàn toàn vào nước trời.
Do đó, việc ứng dụng các biện pháp tưới từ công nghệ cao như nhỏ giọt, tưới theo giàn đến tưới tràn sẽ là biện pháp tăng năng suất mía trong thời gian tới, ông Dương khẳng định.
Cũng theo ông Dương, việc áp dụng cơ giới hóa vào khâu làm đất sẽ giảm 25-33% chi phí, chưa kể mức độ cày sâu của đất tăng gấp đôi từ 25-30cm lên 50-60cm, giúp cây mía tăng trưởng nhanh, khỏe mạnh hơn.
Nếu đưa máy thu hoạch mía vào thay chặt bằng tay cũng giúp chi phí giảm một nửa, chưa kể máy sẽ chặt sát gốc hơn nên lượng mía thu được nhiều hơn, giảm thêm công băm lá.
“VN còn dư địa khá lớn để đầu tư vào cơ giới hóa ngành mía đường, nếu làm tốt sẽ có thể đối phó được với đường nhập, thậm chí còn có thể xuất khẩu” - ông Dương nói.
Theo thông tin từ Tập đoàn TTC, hội thảo quốc tế với chủ đề “Các mô hình canh tác mía hiệu quả ứng phó với biến đổi khí hậu” do tập đoàn này tổ chức có sự tham gia của các chuyên gia hàng đầu của ngành mía đường đến từ các quốc gia có nền sản xuất mía đường phát triển của thế giới như Úc, Brazil, Thái Lan, Ấn Độ...
Ngoài các nội dung liên quan đến việc ứng phó với biến đổi khí hậu, các diễn giả cũng sẽ giới thiệu những mô hình cơ giới hóa hiệu quả nhất đang được ứng dụng trong thực tế tại các quốc gia khác để VN có thể học hỏi và ứng dụng trong thời gian tới.
|
Trần Mạnh
tuổi trẻ
|