Số lượng doanh nghiệp bất động sản tăng gấp đôi sau 9 tháng
Theo báo cáo Tình hình kinh tế - xã hội 9 tháng năm 2016 của Tổng cục Thống kê, số doanh nghiệp đăng ký thành lập ở hầu hết các ngành, lĩnh vực đều tăng so với cùng kỳ năm trước. Trong đó riêng ngành kinh doanh bất động sản tăng 99.1% về số doanh nghiệp và tăng 242.5% về vốn đăng ký.
Cụ thể, sau 9 tháng, cả nước có 81,451 doanh nghiệp thành lập mới với tổng vốn đăng ký là 629.1 nghìn tỷ đồng, tăng hơn 19% về số lượng và tăng 49.5% về số vốn đăng ký. Theo đó, số vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp đạt 7.7 tỷ đồng, tăng 25.4% so với cùng kỳ năm 2015. Về số lao động đăng ký của các doanh nghiệp thành lập mới, trong 9 tháng xấp xỉ 929 nghìn người, bằng 93% cùng kỳ năm 2015. Cùng với đó còn có 20,510 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng gần 60% so với con số tăng 8,2% năm 2015, nâng tổng số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong 9 tháng năm nay lên gần 102 nghìn doanh nghiệp. Điều này cho thấy khung khổ pháp lý mới cùng với các giải pháp của Chính phủ trong việc hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp phát triển đã phát huy hiệu quả, giúp doanh nghiệp tìm thấy hướng đi, cơ hội phát triển mới.
Đáng chú ý, số doanh nghiệp mới này tăng ở hầu hết các ngành, lĩnh vực, trong đó một số ngành tăng mạnh cả về số doanh nghiệp và số vốn đăng ký. Đáng chú ý có ngành kinh doanh bất động sản tăng hơn 99% về số doanh nghiệp và tăng 242.5% về vốn, ngoài ra còn có ngành thông tin và truyền thông tăng 14.5% và tăng 174%, ngành sản xuất, phân phối điện, nước, gas tăng 19.2% và tăng hơn 113%, … Trong khi đó, lĩnh vực nghệ thuật, vui chơi và giải trí, số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới trong 9 tháng giảm 32.6% so với cùng kỳ năm trước cùng với sự sụt giảm về số vốn đăng ký hơn 23%.
Ngược lại, số doanh nghiệp đăng ký giải thể, chấm dứt hoạt động trong 9 tháng đạt con số 8,365 doanh nghiệp, tương ứng tăng 20.2%, trong khi cùng kỳ năm 2015 giảm 0.9% so với năm 2014. Trong đó, chiếm đa số có 7,812 doanh nghiệp quy mô vốn dưới 10 tỷ đồng, chiếm hơn 93% và tăng 20%. Song song với đó, số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động trong 9 tháng năm nay là 45,097 doanh nghiệp, giảm 5.3% so với cùng kỳ năm trước, bao gồm 16,294 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng hoạt động có thời hạn, tăng 31% và 28,803 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động không đăng ký hoặc chờ giải thể, giảm hơn 18%.
Tính riêng tháng 9, cả nước có 8,047 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký là 76.2 nghìn tỷ đồng, giảm 13.3% về số doanh nghiệp và tăng 7.3% về số vốn đăng ký so với tháng trước. Đồng thời có 1,799 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, giảm 10.3% so với tháng trước và có 5,426 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động, tăng 6.6%.
Tình hình hoạt động kinh doanh khả quan
Kết quả điều tra về xu hướng kinh doanh của các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong quý 3/2016 cho thấy có hơn 80% số doanh nghiệp đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh khá ổn định và tốt hơn quý trước, trong khi 19.7% số doanh nghiệp đánh giá còn gặp khó khăn. Dự báo trong quý tiếp theo, tình hình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp khả quan hơn quý 3, nhất là đối với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và doanh nghiệp Nhà nước. Cụ thể, có 85.6% doanh nghiệp đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh quý 4sẽ ổn định và tốt lên, trong đó có 48.8% số doanh nghiệp cho đánh giá sẽ tốt lên, 36.8% số doanh nghiệp cho rằng tình hình sản xuất kinh doanh sẽ ổn định và 14.4% số doanh nghiệp dự báo khó khăn hơn.
Về khối lượng sản xuất, hơn 42% số doanh nghiệp đánh giá khối lượng sản xuất của doanh nghiệp quý 3 năm nay tăng so với quý trước,19.3% số doanh nghiệp đánh giá khối lượng sản xuất giảm và 38.5% số doanh nghiệp cho rằng ổn định. Đối với quý 4 năm nay, có 50.3% doanh nghiệp dự báo khối lượng sản xuất tăng lên so với quý trước đó, 13.7% số doanh nghiệp dự báo giảm và 36% số doanh nghiệp dự báo ổn định.
Về đơn đặt hàng, hơn 36% số doanh nghiệp có số đơn đặt hàng quý 3 năm nay cao hơn quý trước, 19.2% số doanh nghiệp có số đơn đặt hàng giảm và 44.6% số doanh nghiệp có số đơn đặt hàng ổn định. Xu hướng quý 4 so với quý 3 tiếp tục khả quan với 45.6% số doanh nghiệp dự kiến có số đơn đặt hàng cao hơn, 13.4% số doanh nghiệp dự kiến đơn hàng giảm và 41% số doanh nghiệp dự kiến có đơn hàng ổn định.
Về đơn đặt hàng xuất khẩu, có 30.8% số doanh nghiệp khẳng định số đơn hàng xuất khẩu quý 3 năm nay cao hơn quý trước, 19.9% số doanh nghiệp có đơn hàng xuất khẩu giảm và 49.3% số doanh nghiệp có đơn hàng xuất khẩu ổn định. Xu hướng quý 4so với quý 3, có 38.6% số doanh nghiệp dự kiến tăng đơn hàng xuất khẩu, 15.1% số doanh nghiệp dự kiến giảm và 46.3% số doanh nghiệp dự kiến ổn định.
Về chi phí sản xuất, có 24.1% số doanh nghiệp khẳng định chi phí sản xuất trên một đơn vị sản phẩm quý 3 năm nay tăng so với quý trước, 8.5% số doanh nghiệp cho biết chi phí giảm và 67.4% số doanh nghiệp cho rằng chi phí ổn định. Xu hướng trong quý 4/2016, có 18.5% số doanh nghiệp dự kiến chi phí sản xuất sẽ tăng so với quý 3, 9.7% doanh nghiệp cho rằng chi phí giảm và 71.8% số doanh nghiệp dự kiến chi phí sản xuất ổn định.
Về giá bán sản phẩm, quý 3 năm nay so với quý trước, có 15.4% số doanh nghiệp cho biết có giá bán sản phẩm tăng, 11% số doanh nghiệp có giá bán thấp hơn và 73.6% số doanh nghiệp có giá bán sản phẩm ổn định. Dự kiến giá bán sản phẩm quý 4 so với quý 3, có 16.2% số doanh nghiệp cho rằng giá bán sản phẩm sẽ cao hơn, 8.4% số doanh nghiệp dự báo giá bán sẽ thấp hơn và 75.4% số doanh nghiệp dự báo giá bán sản phẩm sẽ ổn định.
Về tình hình tồn kho sản phẩm, có 21.3% số doanh nghiệp có lượng tồn kho quý 3 năm nay tăng so với quý trước, 28.8% số doanh nghiệp có lượng tồn kho giảm và 50% số doanh nghiệp giữ ổn định. Xu hướng quý 4 so với quý 3, có 15.6% số doanh nghiệp dự báo lượng hàng tồn kho sẽ tăng, 30.4% số doanh nghiệp cho rằng lượng hàng tồn kho sẽ giảm và 54% số doanh nghiệp dự báo sẽ giữ ổn định.
Về tồn kho nguyên vật liệu, quý 3/2016 so với quý trước, có 19.1% số doanh nghiệp cho biết lượng tồn kho nguyên vật liệu tăng, 27.7% số doanh nghiệp cho là giảm và 53.2% số doanh nghiệp trả lời giữ nguyên. Dự kiến quý 4 so với quý 3, có 14.5% số doanh nghiệp dự báo lượng tồn kho nguyên vật liệu tăng, 28.7% doanh nghiệp dự báo lượng tồn kho giảm và 56.8% số doanh nghiệp cho rằng sẽ không có biến động về tồn kho nguyên vật liệu.
Về sử dụng lao động, quý 3 năm nay so với quý trước, có 17% số doanh nghiệp khẳng định quy mô lao động tăng, 12.6% số doanh nghiệp khẳng định giảm và 70.5% số doanh nghiệp cho biết giữ ổn định. Xu hướng sử dụng lao động có chiều hướng tăng lên trong quý 4 khi có tới 91.3% số doanh nghiệp dự kiến sẽ tăng hoặc giữ ổn định quy mô lao động so với quý 3, chỉ có 8.7% số doanh nghiệp dự báo giảm quy mô lao động./.
|