Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam với Liên minh Kinh tế Á Âu sắp có hiệu lực
Theo đó, Bộ Công Thương đã ban hành Thông tư hướng dẫn thực hiện Hiệp định thương mại tự do giữa nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam với Liên minh Kinh tế Á Âu và các quốc gia thành viên Liên minh (FTA VN-EAEU) được ký tại Burabai (Kazakhstan) ngày 29/05/2015 và sẽ có hiệu lực từ ngày 05/10/2016.
Cụ thể, nhằm hướng dẫn việc thực hiện các cam kết trong khuôn khổ Hiệp định, Bộ Công Thương đã ban hành Thông tư số 21/2016/TT-BCT ngày 20/09/2016 hướng dẫn thực hiện Quy tắc xuất xứ hàng hóa trong Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh Kinh tế Á Âu. Thông tư ban hành kèm theo các Phụ lục về:
- Quy tắc xuất xứ
- Quy tắc cụ thể mặt hàng
- Danh sách quốc đảo
- Mẫu C/O và hướng dẫn kê khai C/O
- Danh sách Tổ chức cấp C/O.
Đáng chú ý, Hiệp định FTA VN-EAEU cho phép áp dụng nguyên tắc linh hoạt 15% tính theo giá FOB đối với đơn vị sản phẩm hoặc bộ sản phẩm. Ví dụ, một bộ sản phẩm gồm nhiều sản phẩm đơn lẻ vẫn được coi là có xuất xứ khi 15% trị giá tổng sản phẩm không đạt xuất xứ. Mức linh hoạt này là 15% tính theo giá xuất xưởng trong khuôn khổ GSP và 10% theo giá FOB tại các FTA Việt Nam đã tham gia.
Đồng thời, một điểm nữa khác với quy định về quy tắc chung và quy tắc riêng tại đa số FTA Việt Nam đã ký, quy tắc cụ thể mặt hàng ở đây được tích hợp tại một danh mục theo biểu thuế ở cấp độ HS 6 số. Tiêu chí xét xuất xứ đối với hàng hóa có xuất xứ không thuần túy bao gồm:
- Hàm lượng giá trị gia tăng VAC (Value Added Content)
- Chuyển đổi mã số hàng hóa CTC (Change in Tariff Classification)
- Công đoạn sản xuất cụ thể.
Trong đó, các dòng hàng áp dụng tiêu chí VAC chủ yếu ở mức 40% trị giá FOB, tương đương RVC40% trong các FTA Việt Nam ký cùng ASEAN. Riêng một số mặt hàng cần bảo hộ như máy móc, ô tô, VAC áp dụng là 50 - 60% FOB. Các dòng hàng áp dụng tiêu chí công đoạn sản xuất cụ thể gồm máy móc, phương tiện, sắt thép, dệt may, …
* Tài liệu đính kèm
Thong tu EAEU_21.2016.TT-BCT.pdf
|