Nếu thương vụ bán nhà máy đường HAG thành công thì…
Những thảo luận liên quan đến thương vụ bán lại nhà máy đường của CTCP Hoàng Anh Gia Lai (HOSE: HAG) đang diễn ra sôi nổi trong các tuần gần đây. Nếu thương vụ này thành công thì bạn sẽ đầu tư vào cổ phiếu nào?
Vào SBT – BHS
Thương vụ mua lại ngành đường của HAG sẽ mang đến cho CTCP Mía đường Thành Thành Công Tây Ninh (HOSE: SBT) – CTCP Đường Biên Hòa (HOSE: BHS) nhiều lợi thế như:
(1) Giải quyết được bài toán khó về vùng nguyên liệu – một trong những nguyên nhân chính khiến giá thành sản xuất đường của Việt Nam luôn đứng ở mức cao. Đây là một điểm yếu dai dẳng mà các doanh nghiệp đường trong nước loay hoay xử lý.
(2) Một điều chắc chắn là nhà máy đường HAG sẽ có những đóng góp tốt vào kết quả kinh doanh của SBT- BHS khi hoạt động của nhà máy này vẫn đang diễn ra khả quan kể từ khi đi vào hoạt động năm 2013.
(3) Một yếu tố đáng chú ý khác đó là, SBT – BHS sẽ hưởng lợi từ những ưu đãi mà đường HAG có được từ hiệp định thương mại biên giới Việt – Lào với mức thuế suất nhập khẩu về Việt Nam có thể được áp dụng là 0%, cũng như hạn ngạch nhập khẩu cũng bị gỡ bỏ. Bên cạnh đó là việc hưởng lợi từ hiệp định Everything but arms (EBA) với EU, theo đó với mức thuế xuất khẩu sang EU là 0% và cũng không giới hạn hạn ngạch xuất khẩu.
Bên cạnh các yếu tố kể trên, trong ngắn hạn, SBT và BHS còn được hưởng lợi từ các yếu tố ngành khi nhu cầu đường của Việt Nam và Thế giới vẫn đang ở mức cao.
Cụ thể trong năm 2016 – 2017, nguồn cung đường được dự báo sẽ tiếp tục sụt giảm do ảnh hưởng kéo dài của hiện tượng El Nino. Trong khi đó, nhu cầu tiêu thụ đường vẫn tiếp tục tăng mạnh sẽ khiến cầu tiếp tục vượt cung và hàng tồn kho sẽ tiếp tục ở mức thấp. Điều này sẽ tiếp tục hỗ trợ cho sự tăng trưởng của giá đường trong thời gian tới.
Quan sát HAG - HNG
Rõ ràng việc bán nhà máy đường HAG là nhằm giải cứu tình trạng khó khăn hiện tại. Việc bán nhà máy này sẽ giúp:
(1) HAG - HNG có thêm khoản lợi nhuận được ghi trên báo cáo tài chính, một yếu tố có thể tạo sự đột biến.
(2) Giảm bớt nợ vay đang có, giải quyết áp lực dòng tiền.
Tuy nhiên, vẫn cần chú ý:
(i) HAG - HNG đang phải bán đi “cục thịt” mà mình có. Mía đường là ngành có đóng góp khá tốt trong kết quả kinh doanh của HAG kể từ thời điểm đi vào hoạt động. Như vậy, HAG sẽ mất đi một phần lợi nhuận do ngành đường mang lại.
(ii) Việc bán đi này chỉ đủ để HAG giảm bớt khó khăn nhưng rõ ràng khó có thể giúp HAG đảo chiều trở lại. Điều này thể hiện rõ khi HAG - HNG vẫn đang chờ đợi quyệt định giải cứu từ Chính phủ. Nếu không được giải cứu thì HAG sẽ tiếp tục phải bán thêm tài sản để trả nợ.
Hiện nợ vay của HAG là rất lớn lên tới 26,683 tỷ đồng (6T/2016); tỷ lệ nợ vay/ tổng tài sản là 52.2%, đó là chưa tính đến các khoản chi phí lãi vay trong các khoản phải trả ngắn hạn.
Như vậy, có thể thấy việc bán đi mảng mía đường giúp HAG giảm bớt khó khăn nhưng chưa đủ để giúp hoá giải toàn bộ khó khăn hiện tại. Việc bán đi này cũng đồng nghĩa với việc HAG mất đi một mảng hoạt động đem lại dòng tiền, và có thể sẽ phải bán thêm nữa nếu không được Chính phủ giải cứu. Nếu điều này xảy ra thì HAG nhiều khả năng sẽ dần phải thanh lý những mảng hoạt động tốt của mình (những mảng hấp dẫn những nhà đầu tư) và phải giữ lại những mảng hoạt động có tỷ suất sinh lời không cao.
Do đó, việc đầu tư HAG - HNG nếu có vẫn cần phải chờ đợi quyết định giải cứu từ Chính phủ
Xem xét vào các chủ nợ ngân hàng
Qua việc HAG - HNG bán đi mảng mía đường, cũng như các kế hoạch bán tài sản khác có thể thấy quyết tâm giải quyết nợ nần rốt ráo của mình.
Như vậy, những ngân hàng đang cho HAG - HNG vay nợ sẽ là những người vui nhất trong thương vụ này khi:
(1) Trước mắt, việc bán đi mảng đường sẽ giúp HAG - HNG giải quyết được một phần nợ xấu, và như vậy các ngân hàng cho vay sẽ hoàn nhập được khoản dự phòng đáng kể đã trích lập trước đây.
(2) Nếu HAG - HNG được Chính phủ giải cứu thì chắc chắn các khoản nợ của HAG và HNG sẽ được tái cơ cấu và như vậy thì các ngân hàng sẽ giảm bớt tỷ lệ nợ xấu, cũng như sẽ được hoàn nhập dự phòng. Nếu Chính phủ không cứu thì HAG - HNG cũng đã có kế hoạch thanh lý tài sản để trả nợ.
Nguồn: BCTC, Đơn vị tính: Tỷ đồng
|