Nhà đầu tư và cơ quan quản lý cần gì ở kiểm toán trong tương lai?
Trong tương lai, nhà đầu tư kỳ vọng một báo cáo kiểm toán cần có được những thông tin đánh giá tốt về rủi ro hơn và các nhà quản lý thì cần sự đồng đều trong chất lượng của các đơn vị kiểm toán.
Hội thảo “Tương lai ngành Kiểm toán”
|
Đó là những ý kiến mà các chuyên gia đã chia sẻ tại hội thảo “Tương lai ngành Kiểm toán” diễn ra sáng ngày 26/09/2016.
Trình bày tại hội thảo, ông Andrew Gambler, Giám đốc kiểm toán, ACCA cho biết tổng hợp kết quả các hội nghị tại 7 quốc gia chỉ ra rằng kỳ vọng của nhà đầu tư đối với báo cáo kiểm toán đang thay đổi.
Thứ nhất, ngày nay, tại nhiều quốc gia, các nhà đầu tư thích các báo cáo kiểm toán "đôi", tức là trong đó các công ty kiểm toán hoặc cam kết đưa ra ý kiến "chấp nhận toàn phần" hay " không chấp nhận toàn phần".
Thứ hai, nhà đầu tư mong muốn báo cáo kiểm toán phải cung cấp thông tin theo bối cảnh nhiều hơn để giải thích quá trình các kiểm toán viên đưa ra ý kiến và những thách thức họ phải đối mặt, giải quyết trong quá trình kiểm toán. Nhà đầu tư cần một báo cáo kiểm toán sâu rộng và nhanh chóng hơn, có được những thông tin đánh giá về rủi ro tốt hơn hoặc tối đa lợi nhuận
Cuối cùng, nhà đầu tư muốn các công ty công bố thông tin nhiều hơn, đặc biệt là các thông tin phi tài chính, chẳng hạn như về tính bền vững và các thông tin được mong đợi khác. Và tất nhiên, họ cũng muốn thông tin được công bố đảm bảo trung thực và chính xác.
Những thay đổi trong kỳ vọng này đòi hỏi nhiều về chất lượng kiểm toán và bản thân các kiểm toán viên phải tự mình thay đổi. Kiểm toán viên phải cập nhập các kỹ năng để đáp ứng được yêu cầu cao của nghề nghiệp. Trong đó, kiểm toán cũng cần phải thích ứng với thời đại kỹ thuật số. Chẳng hạn như, kiểm toán viên cần nhanh nhạy hơn về cách kiểm toán và sử dụng công nghệ để các báo cáo kiểm toán giảm độ phức tạp, cho phép nhà đầu tư dễ dàng truy cập các thông cần thiết.
Ở góc nhìn của cơ quan quản lý, bà Trần Anh Đào, Phó Tổng giám đốc Sở giao dịch chứng khoán TPHCM (HOSE) chia sẻ một tín hiệu mừng là tỷ lệ báo cáo dạng ngoại trừ, nhấn mạnh hay không đồng ý đối với báo cáo tài chính của các doanh nghiệp niêm yết hiện nay đã giảm mạnh. Điều đó thể hiện được sự minh bạch thông tin đang dần được cải thiện.
Tuy nhiên, những trường hợp có dấu hiệu vi phạm và nhà đầu tư thiệt hại vì thông tin kiểm toán vẫn diễn ra. Những trường hợp như vậy có thể là doanh nghiệp cố tình gian dối, kiểm toán không phát hiện ra hoặc cả hai có sự thông đồng với nhau. Trong chuẩn mực, kiểm toán không có trách nhiệm đi tìm sai phạm nhưng trong quá trình kiểm toán kiểm toán viên nếu phát hiện sai phạm thì phải cảnh báo. Bản thân cơ quan quản lý mong muốn là chất lượng kiểm toán phải đồng đều, hiện nay mức độ chi tiết trong báo cáo, hiểu doanh nghiệp giữa các công ty kiểm toán không đồng đều. Nhiều báo cáo, cơ quan quản lý chỉ cần đọc qua đã hiểu rõ và đưa ra quyết định nên cảnh báo nhà đầu tư ra sao, mặt khác cũng rất nhiều báo cáo phải yêu cầu giải trình nhiều lần. Do đó, chất lượng kiểm toán tốt, chi tiết sẽ giúp Sở sớm đưa ra quyết định như cảnh báo, đưa vào diện kiểm soát hay tạm dừng giao dịch để bảo vệ nhà đầu tư kịp thời.
Bà Lê Thị Tuyết Nhung, Phó Vụ trưởng Vụ chế độ Kế toán và Kiểm toán, Bộ Tài chính cho biết nhà đầu tư nước ngoài rất quan tâm khi nào doanh nghiệp Việt Nam thực hiện báo cáo tài chính theo chuẩn mực kế toán quốc tế và các doanh nghiệp kiểm toán Việt Nam có đáp ứng được thực hiện theo chuẩn mực mới không. Đặc biệt là Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) rất muốn biết làm sao để đọc được BCTC ngân hàng của Việt Nam./.
|