Chuyển động dòng tiền tuần 19-23/09:
Dòng tiền chọn hàng cơ bản, đón đầu kết quả kinh doanh quý 3?
Sau một tuần bắt đáy hàng đầu cơ, dòng tiền đã tăng mạnh trở lại với nhóm cổ phiếu cơ bản đầu ngành trong tuần giao dịch 19-23/09. Phải chăng nhà đầu tư đang tìm kiếm cơ hội ở nhóm cổ phiếu này để đón đầu kết quả kinh doanh quý 3?
Trong tuần giao dịch qua, khối lượng khớp lệnh trung bình phiên trên sàn HOSE đạt 110.3 triệu đơn vị/phiên, giảm nhẹ 0.14% so với tuần giao dịch trước; sàn HNX đạt hơn 35 triệu cổ phiếu/phiên, giảm 12.21%.
Về điểm số, 5 phiên tăng liên tiếp đã giúp VN-Index có thêm 22.78 điểm, tăng 3.5% so với phiên cuối tuần trước. Thị trường diễn biến tích cực hơn khi đón nhận các thông tin tích cực với tâm lý nhà đầu tư như Fed giữ nguyên lãi suất, giá dầu tăng và đặc biệt là các thông tin liên quan đến quá trình thoái vốn Nhà nước khỏi các doanh nghiệp như Vinamilk (VNM), Sabeco hay Hodeco (HDC).
Do đó mà không có gì ngạc nhiên khi chính HDC là cổ phiếu có dòng tiền tăng mạnh nhất trong tuần qua. Khối lượng giao dịch trung bình tại HDC tăng từ 100,000 đơn vị để lên 723,000 đơn vị/phiên, tương ứng mức tăng hơn 600%. Giá cổ phiếu HDC tuần qua cũng nhích gần 6% lên 14,600 đồng/cp.
Hiệu ứng tích cực của HDC đến từ thông tin thoái vốn của Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC).Theo kế hoạch, trong vòng 1 tháng (đến 28/10/2016), SCIC sẽ bán toàn bộ 4,795,681 cp, tương đương 11.66% vốn của HDC, thông qua phương thức giao dịch thỏa thuận. Được biết SCIC đang có kế hoạch thoái vốn khỏi HDC với giá mục tiêu không thấp hơn giá trị sổ sách. Hiện tại thì giá trị sổ sách (4 quý gần nhất) của HDC đạt 16,493 đồng, cao hơn nhiều so với mức giá hiện tại là 14,600 đồng/cp.
Ngoài HDC, dòng tiền trên HOSE tăng mạnh đa phần ở nhóm cổ phiếu hàng cơ bản, đầu ngành như REE, GIL và VNS - đều có thanh khoản tăng hơn gấp đôi. Không có được mức tăng mạnh như vậy nhưng các cổ phiếu NLG, PAC, VHC, BFC, KBC cũng hút được dòng tiền tăng đáng kể.
Không thuộc Top thanh khoản nhảy vọt trên sàn HOSE nhưng cũng rất nhiều doanh nghiệp cơ bản khác được nhà đầu tư lựa chọn như GAS, BVH, TDH, GMD, CTI, SJS, FPT, KDH, MBB, BHS, CSV, SRC, MWG… Việc dòng tiền tăng trưởng ở nhóm cổ phiếu này cho thấy yếu tố tìm kiếm cơ hội lợi nhuận theo yếu tố mùa vụ, mà cụ thể ở đây là mùa báo cáo kết quả kinh doanh quý 3 đang cận kề. Dòng tiền đang tìm về nhóm cổ phiếu cơ bản với kỳ vọng hoạt động kinh doanh tốt và tăng trưởng.
Mã đầu cơ hút mạnh dòng tiền trong tuần qua là HHS và JVC. Trong đó ấn tượng nhất là HHS với khối lượng giao dịch bình quân tăng gần 100%, đạt 4.8 triệu cp/phiên và giá cổ phiếu HHS tăng gần 20%. Điều khiến HHS trở nên hấp dẫn là câu chuyện CTCP Đầu tư Dịch vụ Tài chính Hoàng Huy đăng ký mua thêm hơn 20 triệu cổ phiếu sau khi nâng tỷ lệ sở hữu tại HHS lên 30% trong thời gian qua.
Song, có thể thấy HHS hay JVC là các trường hợp hiếm hoi bởi rất nhiều cổ phiếu đầu cơ bị chốt lời và rút mạnh dòng tiền sau một tuần khởi sắc trước đó. Nổi bật là ITA với khối lượng giao dịch sụt giảm 65%, chỉ còn đạt gần 2.4 triệu đơn vị/phiên trong khi tuần trước đó thanh khoản tăng vọt 147%. Và rất nhiều trường hợp tương tự như NVT, HAG, LCG, BGM, IJC, ATA, FIT…
Top 20 mã có thanh khoản tăng/giảm cao nhất sàn HOSE
Tương tự trên sàn HNX, những mã đầu cơ SHB, ACM, DCS, KLF, ITQ được nhắc đến như là lựa chọn hàng đầu của nhà đầu tư đã không còn đủ hấp dẫn qua 1 tuần giao dịch khi lọt vào top giảm mạnh về dòng tiền. Và dẫn đầu danh sách đó là SHB với khối lượng giao dịch bình quân giảm hơn 53%, chỉ còn 3 triệu cp/phiên.
Ngược lại, DBC, FID và HHG là 3 mã có khối lượng giao dịch bình quân tăng trên 100% trên HNX. Trong đó DBC tăng đến 318% ngay sau khi CTCP Chứng khoán Sài Gòn (SSI) bán 748,100 cp DBC trong ngày 09/09 để giảm nắm giữ từ 11.94% (8,989,901 cp) xuống còn 10.95% (8,241,945 cp).
Còn với HHG, dòng tiền tăn mạnh có thể do hoạt động bắt đáy diễn ra bởi cổ phiếu này tuần qua đã giảm hơn 15%, dừng tại giá 7,800 đồng/cp, vùng giá thấp nhất trong gần 1 năm qua.
Top 20 mã có thanh khoản tăng/giảm mạnh nhất trên sàn HNX
Tuần qua, khối ngoại mua ròng trên HOSE với 402.6 tỷ đồng và mua ròng trên HNX với 16 tỷ đồng. Trên HOSE, lực mua ròng tập trung mạnh nhất là ở MSN với 445.4 tỷ đồng (chủ yếu thông qua giao dịch thỏa thuận); tiếp theo là SSI với 69 tỷ đồng, NT2 với 48.1 tỷ đồng, VCB với 41 tỷ đồng… Về phía bán ròng là các mã như VNM với gần 116.94 tỷ đồng, tiếp theo là CTD với 50.96 tỷ, PDR với 41.9 tỷ đồng... Trên sàn HNX, giá trị mua ròng mạnh của khối ngoại tập trung chủ yếu ở HUT với 21.86 tỷ đồng, PVS với 18.2 tỷ đồng và VND với 9 tỷ đồng; ngược lại bán ròng chủ yếu ở SCR và VCG với 21.6 tỷ và 9.72 tỷ đồng./.
|