Lãi suất thấp: Lợi hay hại cho người Mỹ?
Tăng hay không tăng lãi suất? Đó là câu hỏi được đặt ra suốt vài năm qua nếu bạn là thành viên có quyền bỏ phiếu của Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC) - “cánh tay” của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) - chuyên bỏ phiếu quyết định hướng đi của lãi suất.
Tạp chí Forbes cho biết thử thách ở đây là mặc dù kinh tế Mỹ đang bộc lộ dấu hiệu cải thiện mạnh, nhưng kinh tế toàn cầu lại đang đối mặt với nhiều yếu kém lẫn lãi suất cực thấp. Và vì kinh tế Mỹ hiện đang tương đối mạnh nên chuyện nâng lãi suất ở quốc gia này đã được nhắc tới nhắc lui nhiều trong những năm vừa qua? Vậy tại sao điều này lại quan trọng đối với người dân Mỹ?
Trong một thế giới mà các ngân hàng trung ương ở Nhật Bản và châu Âu đang hạ lãi suất (thậm chí là giữ ở mức âm) thì Fed hiện đang phải đối mặt với một loạt “sự đánh đổi”. Chẳng hạn, nếu Mỹ là nền kinh tế lớn duy nhất nâng lãi suất thì quốc gia này có thể hút được tiền từ nhà đầu tư nước ngoài đang tìm kiếm lợi nhuận. Nghe có vẻ hấp dẫn nhỉ? Tuy nhiên, mặt trái là khi điều này xảy ra, đồng USD sẽ tăng giá và khi điều này xảy ra, người tiêu dùng nước ngoài sẽ phải trả nhiều hơn khi mua hàng hóa của Mỹ. Điều đó khiến các nhà xuất khẩu của Mỹ bị ảnh hưởng nặng nề và cuối cùng sẽ khiến nền kinh tế suy yếu.
Với việc các nền kinh tế lớn như Đức và Nhật Bản đang áp dụng lãi suất âm cho trái phiếu kỳ hạn 10 năm, thì Fed phải thận trọng. Các quốc gia khác đang giữ lãi suất thấp nhằm kích thích nền kinh tế đang tăng trưởng chậm của họ. Và dù có thể kinh tế Mỹ trông có vẻ vẫn còn yếu trong mắt của hàng triệu người đang phải vật lộn với vấn đề tài chính, nhưng đây là một trong những nền kinh tế mạnh nhất thế giới. Vì thế Fed đang đối mặt áp lực phải nâng lãi suất thật sự để “hãm” nền kinh tế lại, giảm bớt nguy cơ lạm phát trong tương lai và lập lại cấu trúc lãi suất có kỳ hạn bình thường hơn.
Vậy điều này ảnh hưởng thế nào đến người dân Mỹ? Về cơ bản, nếu đó là một người đi vay thì họ thích lãi suất thấp hơn. Trừ nợ thẻ tín dụng (vốn dường như miễn nhiễm trước các tác động từ thị trường khiến lãi suất thấp hơn) ra, thì chi phí của hầu hết nợ tiêu dùng hiện đang đứng sát các mức thấp kỷ lục. Điều này được minh chứng ở những món vay với lãi suất 0% ở các cửa hiệu cung cấp dịch vụ sửa chữa nhà lớn hay những doanh nghiệp bán xe hơi muốn “tống” hàng đi. Và những người sở hữu nhà cũng đang được hưởng lợi từ mức lãi suất thế chấp cực thấp.
Nhưng nếu đó là một người gửi tiết kiệm, đặc biệt là người về hưu (hoặc sắp về hưu), lại là một nhà đầu tư bảo thủ, thì hành động của Fed đang tước mất khả năng kiếm được nhiều hơn so với mức lạm phát của họ. Kết quả không mong muốn của việc giữ lãi suất thấp của Fed là người tiết kiệm Mỹ sẽ bị “trừng phạt” và bị lợi nhuận âm (nghĩa là kiếm được ít hơn lạm phát và dẫn đến sức mua bị mất đi). Trong trường hợp này, nhằm kiếm được lợi nhuận thực dương, nhiều người gửi tiết kiệm sẽ chuyển sang các tài sản rủi ro hơn. Đến thời điểm hiện tại, nhà đầu tư vẫn chưa cảm nhận được tác động tiêu cực có thể có của các khoản đầu tư rủi ro hơn vì dân Mỹ vẫn đang tiếp tục “thưởng thức” một trong những thị trường giá lên dài nhất trong lịch sử thị trường chứng khoán (TTCK) Mỹ. Tuy nhiên, khi tiệc tan, và các cổ phiếu cũng như trái phiếu cho lợi tức cao ấy giảm, thì nhà đầu tư có thể bị thất vọng khi phát hiện ra những gì mà họ đang sở hữu trong các “quỹ thu nhập” ấy.
Trong môi trường lãi suất thấp này, nhà đầu tư có thể cảm thấy do dự và rõ ràng là họ có lý. Nếu Fed phát đi tín hiệu rằng họ đang nghiêm túc về chuyện tăng lãi suất, thì điều đó có thể khiến cho TTCK sợ rằng bữa tiệc sẽ kết thúc. Và bạn có thể đã nghe câu “tiệc càng lớn thì hôm sau càng bị nặng đầu”. Cho đến lúc này, không ai biết được tại sao – hay khi nào – bữa tiệc trên TTCK sẽ kết thúc. Nhưng một chỉ báo của điều đó rất có thể là khi Fed tăng lãi suất và đó là lý do vì sao rất nhiều con mắt đổ dồn vào Fed mỗi khi họ nhóm họp./.
|