Các ngân hàng trung ương đã đi sai đường?
Ngân hàng trung ương các nước Thụy Điển, Úc và New Zealand đã đương đầu với tình trạng lạm phát thấp bằng cách cắt giảm lãi suất mặc dù tăng trưởng của 3 quốc gia này tương đối khỏe mạnh, Business Insider vừa đưa tin.
Theo nghiên cứu mới của kinh tế gia James Pomeroy tại HSBC, đó có thể là biện pháp sai lầm.
Pomeroy cho rằng “việc gia tăng số lượng ‘công dân kỹ thuật số’ trên toàn cầu sẽ làm thay đổi cách thế giới tiêu thụ, dẫn tới áp lực giảm giá và điều này có thể có tác động rất lớn đến lạm phát, tăng trưởng và chính sách”.
Vậy ‘công dân kỹ thuật số’ là gì?
Pomeroy định nghĩa ‘công dân kỹ thuật số’ là “những người mà đã trải qua toàn bộ quãng đời trung học ở một quốc gia có tỷ lệ sử dụng internet trên 50%”.
Đó là nhóm người đại diện cho 9% dân số toàn cầu ở thời hiện tại, tương đương khoảng 430 triệu người, và có thể sẽ tăng lên 30% (2.3 tỷ người) vào năm 2030, và 50% (5.6 tỷ người) vào năm 2050.
Điều đó cho thấy sự thay đổi của cơ cấu dân số có thể làm thay đổi nền kinh tế.
Nhưng sự thay đổi đó đang diễn ra ở các quốc gia vùng Scandinavia, Úc và New Zealand, nơi mà “các công dân kỹ thuật số” hiện chiếm đến 25% hoặc hơn nữa trong tổng dân số ở độ tuổi trưởng thành. Sự thay đổi đó cũng đang diễn ra rất nhanh ở nhiều quốc gia phát triển đang bị “mắc kẹt” trong tình trạng lạm phát thấp.
Nguồn: Business Insider Australia
|
Nhờ tập trung vào Thụy Điển, Úc và New Zealand nên Pomeroy có thể đẩy nhanh phân tích của ông về những tác động hay hậu quả do các chính sách gây ra từ sự thay đổi các mô hình tiêu thụ, thay đổi về mặt công nghệ, và mức lạm phát thấp hơn ở nhưng quốc gia này, trong bối cảnh các ngân hàng trung ương đã cắt giảm lãi suất do lạm phát thấp.
Nhưng trước hết, chúng ta hãy nói về cách mà Pomeroy cho rằng tình trạng lạm phát thấp này đã xảy ra như thế nào.
Ông nhấn mạnh rằng tỷ lệ sử dụng công nghệ mới của các công dân kỹ thuật số đang tăng cao và điều này giúp họ có được nhiều thông tin hơn, dẫn tới áp lực giá cả phải thấp hơn. Điều đó sẽ xảy ra thông qua việc sử dụng công nghệ và các trang web so sánh, qua các chuỗi cung ứng ngày càng cải thiện, qua việc được tiếp cận với nhiều sản phẩm hơn hoặc các công nghệ mới có giá rẻ hơn, kết quả là dẫn đến lạm phát thấp hơn dù xét theo bất kỳ mức tăng trưởng nào.
Pomeroy cho rằng “nếu lạm phát giảm vì công nghệ cải thiện thì đó không phải là dấu hiệu đáng lo về mặt kinh tế (vì người tiêu dùng sẽ được hưởng lợi) và các đợt cắt giảm lãi suất có thể không phải là giải pháp”.
“GDP có còn là một thước đo công bằng về tốc độ phát triển công nghệ nhanh hay không? Liệu các ngân hàng trung ương có nên cắt giảm lãi suất vì lạm phát thấp, nếu sự cải thiện từ phía cung chứ không phải sự thiếu hụt nhu cầu là nguyên nhân?” ông tự hỏi.
Bạn có thể thấy những người đứng đầu các ngân hàng trung ương đang khá “đau đầu”, vì họ có thể đã nhận được tín hiệu sai lầm từ lạm phát và những gì mà tỷ lệ lạm phát ấy cho biết về đà tăng trưởng trong nền kinh tế cũng như các mức chênh lệch giữa sản lượng thực tế và sản lượng tiềm năng.
Và đó là điều mà sẽ mang chúng ta trở lại Thụy Điển, Úc và New Zealand.
Pomeroy cũng trích dẫn nghiên cứu của Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (BIS). “Nghiên cứu này cho rằng lạm phát thấp do nguồn cung gây ra có thể đòi hỏi một phản ứng khác với kịch bản lạm phát thấp do nhu cầu gây ra. Tuy nhiên các ngân hàng trung ương trên toàn cầu đã cắt giảm lãi suất mà không hề quan tâm gì tới nguyên nhân cơ bản dẫn đến lạm phát thấp”, ông nói.
“Trường hợp của ngân hàng Thụy Điển Riksbank là một ví dụ khá rõ ràng. Họ cắt giảm lãi suất xuống mức -0.5% dù nền kinh tế nước này đang tăng trưởng với tốc độ nhanh nhất trong gần một thập kỷ, trong khi Úc và New Zealand cũng đã cắt giảm lãi suất xuống mức thấp kỷ lục mặc dù các hoạt động kinh tế nội địa đang ở tình trạng tốt”, ông cho biết thêm.
Nguồn: Business Insider Australia
|
“Một thế giới như thế nghĩa là các ngân hàng trung ương có thể cần phải nghĩ đến việc áp dụng thêm nhiều biện pháp hơn và những nguyên nhân cơ bản của lạm phát thấp khi đưa ra chính sách”, ông đề nghị.
Hàm ý trong phân tích của ông về môi trường lãi suất cực thấp hiện tại là rất sâu rộng. Trên thực tế, Pomeroy muốn nói rằng lãi suất ở 3 quốc gia này có thể là quá thấp, và có thể là ở nhiều quốc gia phát triển khác nữa./.
|