Diễn biến mới vụ phá sản lớn nhất ngành vận tải biển thế giới
Giá cổ phiếu của công ty vận tải biển Hàn Quốc Hanjin đã giảm tới 30% trong phiên giao dịch sáng 5/9, trong bối cảnh hãng này chật vật kiểm soát những ảnh hưởng lan rộng từ sự sụp đổ của chính mình.
* “Đại gia” vận tải biển sụp đổ, thương mại toàn cầu xáo trộn
Logo của Hanjin trên những mô hình container hàng hóa tại trụ sở của hãng này ở Seoul, Hàn Quốc hôm 31/8 - Ảnh: Reuters.
|
Hãng tin Reuters cho biết, một phát ngôn viên của Hanjin sáng 5/9 cho biết hãng đã nộp đơn xin bảo hộ phá sản tại Mỹ theo chương 15 của luật phá sản Mỹ. Mục đích của động thái này là nhằm bảo vệ các tàu chở hàng của Hanjin khỏi bị các chủ nợ bắt giữ.
Trước đó, Hanjin, hãng vận tải biển lớn thứ 7 thế giới, đã nộp đơn xin tòa án thụ lý tài sản (court receivership) lên tòa án ở Seoul, Hàn Quốc vào hôm thứ Tư tuần trước, sau khi bị các ngân hàng từ chối tiếp tục giúp đỡ. Tòa án đã quyết định bắt đầu một quá trình hồi phục cho Hanjin tại Hàn Quốc.
Cổ phiếu của Hanjin đã bị ngừng giao dịch tại thị trường chứng khoán Seoul vào hôm 30/8. Sáng 5/9, khi giao dịch trở lại, giá cổ phiếu này có lúc giảm kịch sàn biên độ 30%, xuống mức thấp nhất kể từ tháng 12/2009.
Hanjin chỉ chiếm 2,9 % công suất vận tải container toàn cầu, nhưng sự sụp đổ của hãng này đã gây ra những xáo trộn lớn trong thương mại toàn cầu ngay giữa mùa sôi động của hoạt động vận tải nhằm chuẩn bị cho mùa mua sắm cuối năm.
Giá vận tải container toàn cầu đã tăng trong mấy ngày gần đây, trong khi tàu của Hanjin bị nhiều cảng từ chối tiếp nhận khiến hàng hóa bị mắc kẹt.
Theo tài liệu của tòa án, Hanjin là hãng vận tải biển lớn nhất của Hàn Quốc, vận hành khoảng 60 tuyến vận tải thường xuyên trên thế giới, với 140 tàu container. Mỗi năm, hãng này vận tải hơn 100 triệu tấn hàng hóa.
Vụ phá sản của Hanjin là vụ phá sản lớn nhất từ trước đến nay trong ngành vận tải biển thế giới. Kể từ khi hãng này liên lạc với luật sư phá sản, đã có 45 tàu của hãng bị các cảng từ chối tiếp nhận, cùng với đó là hơn nửa triệu container hàng./.
vneconomy
|