Thứ Hai, 15/08/2016 11:32

Sân bay ế ẩm, xây nữa làm gì!

Nhiều sân bay tại ĐBSCL chưa khai thác hết công suất nhưng Bộ GTVT lại đề xuất xây thêm sân bay ở tỉnh An Giang với tổng vốn đầu tư hơn 3.400 tỉ đồng

Theo quy hoạch của Bộ Giao thông Vận tải (GTVT), sân bay An Giang sẽ được xây dựng là sân bay nội địa dùng cho mục đích bay taxi, bay hàng không chung, tìm kiếm cứu nạn... dùng cho cả bay dân sự và quân sự. Sân bay này dự kiến được đặt tại xã Cần Đăng, huyện Châu Thành, tỉnh An Giang.

Nhu cầu chưa cần thiết

Thiết kế của sân bay này khá quy mô, với tổng vốn đầu tư 3.417 tỉ đồng. Trong đó, phân kỳ đầu tư đến năm 2020 là 1.481 tỉ đồng, định hướng đến năm 2030 là 1.936 tỉ đồng.

Giai đoạn đến năm 2020, sân bay An Giang sẽ xây dựng đường băng kích thước 1.850 m x 45 m, bảo đảm khai thác máy bay ATR72 và tương đương. Ở giai đoạn sau, sân bay này sẽ nâng cấp bảo đảm khai thác máy bay A321. Dự kiến đến năm 2030, sân bay có thể vận chuyển khoảng 100.000 hành khách/năm.

Sân bay Cần Thơ chỉ mới khai thác được khoảng 10% công suấtẢnh: NGỌC TRINH

Ông Vương Bình Thạnh, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang, cho biết tỉnh từng có đến 3 sân bay nhưng chủ yếu phục vụ quân sự và hiện không còn khả năng mở rộng. Sau khi đưa sân bay mới vào khai thác sẽ đáp ứng được nhu cầu của các doanh nghiệp đến An Giang tìm cơ hội đầu tư, của du khách và người dân... Cùng với hệ thống đường bộ, đường thủy được đầu tư và nhất là khi có hệ thống đường hàng không hoàn chỉnh sẽ góp phần quan trọng thúc đẩy kinh tế An Giang phát triển bền vững.

“Quan điểm của An Giang là phát huy tổng hợp các nguồn lực xây dựng và phát triển ngành du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn bằng cách liên kết với du lịch quốc tế và các vùng khác trong nước. Nhờ lợi thế có nhiều địa danh nổi tiếng, nhiều lễ hội văn hóa cấp quốc gia với sự kết hợp đa dạng các loại hình du lịch nên từ lâu An Giang luôn là địa phương dẫn đầu khu vực ĐBSCL về lượng khách tham quan với hơn 5 triệu lượt người/năm. Nếu có sân bay, An Giang có thể thu hút du khách quốc tế đến trực tiếp, tăng lượng khách lưu trú ở tỉnh, phát triển các loại hình dịch vụ tại chỗ” - ông Thạnh kỳ vọng.

Trái với ý kiến trên, ông Trần Hữu Hiệp, Vụ trưởng Vụ Kinh tế - Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ, cho rằng phải cân nhắc kỹ việc xây sân bay An Giang vì dự án này chiếm hơn 60% tổng mức đầu tư vào lĩnh vực hàng không. Trong khi đó, cách An Giang chỉ khoảng 60 km đã có sân bay quốc tế Cần Thơ, xa hơn chút nữa có sân bay Cà Mau, Phú Quốc.

“Có luồng ý kiến cho rằng quy hoạch sân bay An Giang gần biên giới cũng cần phải cân nhắc lại” - ông Hiệp góp ý. Theo ông, thay vì đầu tư ở lĩnh vực chưa bức xúc, cần dành khoản tiền lớn đó cho những dự án đang đầu tư dở dang hoặc xây dựng đường sá vì còn 60 xã ở 9 tỉnh, thành chưa có đường ô tô vào tận nơi.

Nhiều sân bay đìu hiu

Đầu năm 2011, sân bay Cần Thơ được xây dựng trở thành sân bay quốc tế, có thể phục vụ từ 3-5 triệu lượt khách/năm, lượng hàng hóa thông qua khoảng 5.000 tấn/năm. Quy mô như thế nhưng năng lực vận chuyển hành khách hằng năm của sân bay này chỉ bằng 10% công suất thiết kế.

Đến nay, ngoài Vietnam Airlines và Vietjet Air khai khác các đường bay nội địa: Hà Nội - Cần Thơ, TP HCM - Cần Thơ, Cần Thơ - Côn Đảo/ Đà Nẵng/ Phú Quốc thì dịp Tết có thêm các chuyến bay Đài Loan - Cần Thơ và ngược lại. Năm 2015, Vietravel phối hợp với UBND TP Cần Thơ mở các đường bay mới: Cần Thơ - Đà Lạt/Khánh Hòa/Bangkok nhằm thu hút khách du lịch đến ĐBSCL. Tuy nhiên, ông Nguyễn Khánh Tùng, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư thương mại du lịch Cần Thơ, cho biết cả 3 đường bay này đã tạm ngưng hoạt động do quá ít khách.

Bi đát hơn, sân bay Cà Mau được khai thác từ năm 2003 nhưng đến nay cũng chỉ có 1 chuyến/ngày TP HCM - Cà Mau và ngược lại, với máy bay ATR72 chở được 72-74 hành khách. Mỗi ngày, sau khi kết thúc các thủ tục cho chuyến bay Cà Mau - TP HCM lúc 7 giờ 25 phút thì sân bay này đóng cửa, toàn bộ khu vực trước và trong sân bay vắng vẻ, không người qua lại. Cả sân bay đầu tư bao nhiêu là tiền nhưng chỉ sử dụng 2 giờ mỗi ngày, phục vụ cho một chuyến bay với vài chục hành khách là một sự lãng phí quá lớn.

Cạnh tranh không nổi với... xe khách

Một lãnh đạo ngành giao thông vận tải tỉnh Cà Mau nhận định: Sân bay Cà Mau cạnh tranh không nổi với xe khách. Giá vé máy bay Cà Mau - TP HCM hơn 1,5 triệu đồng (chưa bao gồm thuế và các loại phụ phí). Hành trình chỉ mất 45 phút nhưng làm thủ tục mất hơn 1 giờ, chưa kể tại sân bay Tân Sơn Nhất luôn kẹt xe nên hành khách phải làm thủ tục trước 2 giờ.

Như vậy, chuyến bay này mất 3-4 giờ, trong khi đi xe khách giường nằm Cà Mau - TP HCM giá vé chỉ 185.000 đồng, mất khoảng 6-7 giờ, có xe trung chuyển đến tận nhà, hoạt động liên tục trong ngày.


Thốt Nốt - Ca Linh - Duy Nhân

Người lao động

Các tin tức khác

>   TPHCM sắp rút phép dự án 3,5 tỉ đô la của Berjaya? (15/08/2016)

>   Petro Vietnam có thể bù lỗ tới 2.500 tỷ/năm cho lọc dầu Nghi Sơn (14/08/2016)

>   Kinh doanh chuỗi: Thương hiệu Việt trỗi dậy (14/08/2016)

>   Tái cơ cấu EVN phải đáp ứng yêu cầu thị trường bán điện cạnh tranh (14/08/2016)

>   Kiến nghị nối dài metro từ TPHCM đến Vũng Tàu (14/08/2016)

>   Đường băng sân bay Nội Bài và Tân Sơn Nhất bị lún (14/08/2016)

>   Cổ phiếu ngành Thép: 6 tháng cuối năm, các yếu tố đột biến sẽ không còn? (17/08/2016)

>   Thế Giới Di Động bị phạt 6 triệu đồng do dùng xe bán tải chở PG đứng trong lồng kính (13/08/2016)

>   Nâng đường bao nhiêu thì... ngừng? (13/08/2016)

>   Công bố sản phẩm nuôi trồng thủy sản trái phép (13/08/2016)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật