Thứ Hai, 01/08/2016 09:52

Hà Nội dự kiến chi 1,2 triệu tỷ đồng cho giao thông

Phó thủ tướng chỉ đạo không để quy hoạch giao thông của Hà Nội trở thành quy hoạch treo...

Ngày 30/7, UBND thành phố Hà Nội đã tổ chức công bố Quy hoạch giao thông vận tải Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 với tổng vốn đầu tư dự kiến lên tới hơn 1,2 triệu tỷ đồng.

Thành phố sẽ xây dựng mạng lưới đường bộ đối ngoại của Thủ đô với các tuyến đường cao tốc từ 4 - 8 làn xe, song hành với các quốc lộ có lưu lượng lớn.

Theo đó, thời gian tới, Hà Nội sẽ tập trung lập và triển khai đồng bộ quy hoạch xây dựng đô thị, trong đó bảo đảm tỷ lệ diện tích đất giao thông trên diện tích đất xây dựng đô thị đạt 20-26% cho đô thị trung tâm, đạt 18 - 23% cho các đô thị vệ tinh và đạt 16 - 20% cho các thị trấn.

Thành phố sẽ xây dựng mạng lưới đường bộ đối ngoại của Thủ đô với các tuyến đường cao tốc từ 4 - 8 làn xe, song hành với các quốc lộ có lưu lượng lớn, theo các hướng: Hà Nội - Lạng Sơn, Hà Nội - Tp.HCM, Hà Nội - Lào Cai, Hà Nội - Thái Nguyên, Hà Nội - Hải Phòng, Nội Bài - Hạ Long, Hà Nội - Hòa Bình, cao tốc Tây Bắc - quốc lộ 5 - đường Hồ Chí Minh.

Riêng đại lộ Thăng Long và cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ sẽ được quy hoạch là đường cao tốc đô thị. Cùng với đó, các quốc lộ hướng tâm hiện tại được mở rộng thành đường có 4 - 6 làn xe cơ giới.

Ngoài các đường vành đai hiện có, thành phố sẽ xây dựng mới đường vành đai 4, dài khoảng 148km; vành đai 5, dài khoảng 375km, quy mô tối thiểu 4 làn xe, đi qua các tỉnh: Hòa Bình, Hà Nam, Thái Bình, Hải Dương, Bắc Giang, Thái Nguyên, Vĩnh Phúc.

Các trục nối đô thị trung tâm với đô thị vệ tinh được xây dựng mới, gồm: Tây Thăng Long, trục Hồ Tây - Ba Vì,  trục Hà Đông - Xuân Mai, trục Ngọc Hồi - Phú Xuyên.

Trong đô thị trung tâm, ngoài hệ thống đường vành đai 3 trên cao đang được xây dựng và khớp nối tới Nam Thăng Long, thành phố sẽ xây dựng các tuyến đường trên cao và kết nối thành mạng thuộc phạm vi từ đường vành đai 2 trở ra, trên các trục có lưu lượng xe lớn nhưng khó có khả năng mở rộng chỉ giới. Tùy tình hình thực tế của từng giai đoạn, tuyến đường trên cao tiếp tục được bổ sung.

Từ nay đến năm 2030, Hà Nội cũng xây dựng 18 cây cầu vượt sông Hồng, sông Đuống, sông Đáy và Sông Đà, 5 cầu đường sắt đô thị qua sông Hồng... Mạng lưới giao thông tại khu vực đô thị trung tâm sẽ gồm 8 tuyến đường sắt đô thị (các tuyến tàu điện một ray), 8 tuyến xe buýt nhanh (BRT). Giao thông đường thuỷ cũng được quy hoạch với hệ thống cảng chính, cảng chuyên dụng, cảng khách...

Để thực hiện trọn vẹn quy hoạch này, Hà Nội dự kiến sẽ phải chi 1.235.380 tỷ đồng, trong đó đường sắt dự kiến cần vốn nhiều nhất với 646.525 tỷ đồng. Tiếp đến là đường bộ với 523.777 tỷ đồng, đường thuỷ cần 19.750 tỷ đồng, đầu tư cho hàng không khoảng 45.000 tỷ đồng.

Tổng vốn này dự kiến được huy động từ các nguồn khác nhau như ODA, ngân sách, vốn vay thương mại, các hình thức hợp tác BT, BOT, PPP

Phát biểu tại buổi công bố quy hoạch, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng khẳng định, Chính phủ luôn ủng hộ thành phố Hà Nội trong việc tổ chức thực hiện quy hoạch, sẽ tạo mọi điều kiện về cơ chế chính sách trên cơ sở bảo đảm phù hợp với Hiến pháp, pháp luật để hỗ trợ Hà Nội phát triển một cách nhanh và hiệu quả nhất.

Lãnh đạo Chính phủ cho rằng, đây mới chỉ là kết quả bước đầu, vấn đề quan trọng là phải triển khai, quản lý và thực hiện quy hoạch theo lộ trình, kế hoạch cụ thể, đi liền với đó là cơ chế chính sách cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thủ tục hành chính, tạo mọi điều kiện thuận lợi để huy động các nguồn lực, đưa được các dự án cụ thể vào hiện thực hóa quy hoạch.

Đặc biệt, Phó thủ tướng lưu ý: “Không để quy hoạch giao thông vận tải của thành phố trở thành quy hoạch treo”.

Bảo Quyên

vneconomy

Các tin tức khác

>   Yêu cầu báo cáo vụ “không khởi tố lãnh đạo Vinaconex” (01/08/2016)

>   Xóa nợ, khoanh nợ và giảm thuế cho doanh nghiệp nhỏ (31/07/2016)

>   Xem xét dừng dự án nhà máy bột giấy Lee & Man (31/07/2016)

>   Phát hiện 200 tấn bùn thải trong KCN Formosa Đồng Nai (30/07/2016)

>   “Tố” giá vé máy bay rẻ, ACV đòi tăng giá hàng loạt dịch vụ (30/07/2016)

>   Xuất khoáng sản đến 5 tỷ USD mà Hải quan không biết? (30/07/2016)

>   Tỷ trọng vốn đầu tư bình quân của khu vực Nhà nước 2011-2015 giảm mạnh (30/07/2016)

>   Formosa đã bồi thường 250 triệu USD (29/07/2016)

>   Cử đại diện vốn Nhà nước khi cổ phần hóa Công ty TNHH MTV Hồ Tây (29/07/2016)

>   Vốn đầu tư nước ngoài 7 tháng đầu năm đạt 12.94 tỷ USD, tăng 47% (29/07/2016)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật