Xem xét dừng dự án nhà máy bột giấy Lee & Man
Ngay sau khi Bộ Công Thương đề xuất xem xét dừng dự án nhà máy bột giấy Lee & Man khi chưa kịp hoạt động, dư luận đang có phản ứng trái chiều.
* Nhà máy bột giấy Lee&Man có khả năng bị đóng cửa
* Ra quyết định thanh tra Nhà máy Giấy Lee & Man
Dự án nhà máy bột giấy tẩy trắng có công suất 330.000 tấn/năm
|
Trước đó, đại diện Bộ Công Thương khẳng định, dự án Nhà máy bột giấy được UBND tỉnh Hậu Giang cấp giấy chứng nhận đầu tư mà không có ý kiến của bộ chuyên ngành là không đúng quy định của Chính phủ.
Tiền hậu bất nhất?
Năm 2007, Cty TNHH Lee & Man Việt Nam được tỉnh Hậu Giang cấp giấy chứng nhận đầu tư Dự án Nhà máy bột giấy có sản lượng 330.000 tấn/năm và nhà máy giấy 420.000 tấn/năm. Theo đại diện Bộ Công Thương, khi được UBND tỉnh Hậu Giang lấy ý kiến, Bộ đã đồng ý về chủ trương xây dựng Nhà máy giấy 420.000 tấn/năm. Lý do là bởi sản phẩm làm ra là giấy bao bì và bao bì cao cấp, mà trong nước tại thời điểm đó mới đáp ứng được 40% nhu cầu. Vì thuyết minh của Lee & Man cũng như thông báo của tỉnh Hậu Giang trước đây về sản phẩm dự kiến của nhà máy là giấy bao bì và bao bì cao cấp cho rằng, nguyên liệu cho sản xuất giấy bao bì là giấy carton đã qua sử dụng, ít sử dụng hóa chất chứ không phải đi từ bột giấy được sản xuất từ gỗ rừng nên Bộ Công thương yêu cầu làm đánh giá tác động môi trường, nếu đảm bảo có thể tiến hành dự án.
Còn ở Dự án Nhà máy bột giấy 330.000 tấn/năm, Bộ Công Thương đã không nhận được đề nghị của UBND tỉnh Hậu Giang. Như vậy, ở dự án này UBND tỉnh Hậu Giang cấp giấy chứng nhận đầu tư mà không có ý kiến của Bộ chuyên ngành là không đúng theo quy định của Chính phủ. Hơn nữa, với địa hình như Khu vực Tây Nam bộ thấp, hệ thống sông ngòi dày và đan xen nhau không phù hợp với trồng cây nguyên liệu giấy và sản xuất bột giấy từ nguyên liệu gỗ.
Trao đổi với DĐDN, PGS.TS Phạm Quý Thọ – Chuyên gia chính sách công (Bộ KH- ĐT) cho rằng, việc xem xét dừng một dự án khi nó còn chưa chính thức đi vào hoạt động cần hết sức cẩn trọng. Cụ thể, trong trường hợp nhà máy bột giấy Lee & Man, cơ quan chức năng cần bám sát Luật pháp, không nên hành động cảm tính. Ông cho rằng khi cấp phép đầu tư một dự án, phía các cơ quan Trung ương sẽ thực hiện theo luật định, nhưng đôi khi về địa phương dự án có thể bị “biến tướng”, thậm chí là vội vàng, chỉ xem xét lợi ích trước mắt mà bỏ qua những hệ lụy lâu dài mà Formosa là một ví dụ nhãn tiền, gây ra những thảm hỏa mà không thể ngày một ngày hai có thể khắc phục được.
VCCI Cần Thơ kiến nghị rà soát minh bạch dự án
Ông Nguyễn Phương Lam, Phó giám đốc VCCI Cần Thơ lại cho rằng dư luận đang rất lo ngại về những xả thải độc hại ra môi trường của các dự án đầu tư… Vì vậy, việc giám sát chặt chẽ trong khâu thẩm định đầu tư với các dự án có nguy cơ xả thải ra môi trường là điều cần thiết. Theo đó, quan điểm của VCCI luôn đặt vấn đề môi trường là ưu tiên, cần có giám sát chặt chẽ bởi các cơ quan chức năng, minh bạch về thông tin, đồng thời cũng tạo điều kiện để nhà đầu tư yên tâm đầu tư nếu như thỏa mãn các điều kiện của Chính phủ và pháp luật quy định. “VCCI đề nghị UBND tỉnh Hậu Giang rà soát và cần tổ chức họp báo sớm cung cấp thông tin về dự án trước công luận. UBND tỉnh Hậu Giang đã thống nhất với đề nghị trên của VCCI Cần Thơ và đang chờ thông tin kết quả thanh tra để có thông tin chính thức”, ông Lam khẳng định.
Được biết, hiện Bộ TN-MT đã thành lập đoàn kiểm tra nhằm rà soát tổng thể dự án này./.
dđdn
|