Chưa tận dụng hết những cơ hội từ hội nhập kinh tế quốc tế
Chiều nay (26/8), Phiên họp đánh giá công tác hội nhập kinh tế quốc tế đã diễn ra dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ - Trưởng ban Ban chỉ đạo liên ngành hội nhập quốc tế về kinh tế.
Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ chủ trì Phiên họp
|
Với trọng trách là Trưởng đoàn đàm phán của Chính phủ về kinh tế và thương mại quốc tế, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh chia sẻ: Hiện nay chúng ta đã hoàn thành đàm phán 12 hiệp định thương mại tự do, trong đó có 9 FTA và cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) đã được ký kết và 2 hiệp định chưa được phê chuẩn là TPP và EVFTA. Cùng với đó 4 hiệp định đang tiến hành đàm phán, bao gồm: Hiệp định đối tác toàn diện khu vực (RCEP); Hiệp định ASEAN - Hồng Kông; Hiệp định các nước EFTA (gồm 4 nước Thụy Sỹ, Na Uy, Iceland và Liechtenstein); Hiệp định song phương Việt Nam - Israel .
Tại Phiên họp, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Cẩm Tú - Tổng Thư ký Ban chỉ đạo liên ngành hội nhập quốc tế về kinh tế (BCĐLN) - đã báo cáo về tình hình hoạt động của BCĐ thời gian qua và định hướng triển khai công tác hội nhập kinh tế quốc tế thời gian tới. Thứ trưởng cho biết: Việt Nam đã tích cực tham gia vào hoạt động diễn đàn kinh tế quốc tế (KTQT) thông qua các FTA song phương và đa phương. Chúng ta đã tích cực chủ động hội nhập, tiếp tục tham gia các cuộc họp của các hội đồng, nhóm công tác, đồng thời tham gia đàm phán, thông qua đó đóng góp tích cực đảm bảo quyền lợi quốc gia.
Thời gian tới, tiến trình hội nhập KTQT của Việt Nam dự kiến sẽ có những chuyển biến mạnh mẽ hơn trước. Công tác hội nhập KTQT cần có những thay đổi để phù hợp với tình hình mới. Bên cạnh công tác hội nhập ngoài nước, các bộ, ngành cần tăng cường hơn nữa công tác tổ chức, triển khai thực thi hiệu quả các cam kết, đẩy mạnh cải cách thể chế, tiếp tục thực hiện quá trình tái cơ cấu kinh tế và đổi mới mô hình tăng trưởng.
|
Với các FTA đã ký kết, Việt Nam đã thiết lập được quan hệ với tất cả các đối tác kinh tế lớn, thuộc nhóm nước đi đầu trong khu vực và trên thế giới. Đây là cơ hội rất lớn cho kinh tế Việt Nam tăng trưởng. Trên thực tế, nhằm tận dụng cơ hội từ hội nhập, nhiều DN lớn của Việt Nam đã bắt đầu vươn ra thị trường nước ngoài như Vinamilk, TH True Milk, Viettel... Song, bên cạnh những kết quả tích cực, Việt Nam vẫn chưa tận dụng được hết những cơ hội từ hội nhập KTQT. Một số bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp chưa quan tâm đúng mức đến công tác hội nhập, thiếu chủ động trong việc rà soát nhu cầu hội nhập, phối hợp chưa sát sao trong thực hiện nhiệm vụ… Điều này thể hiện rất rõ qua số liệu thống kê liên quan đến hoạt động xuất nhập khẩu.
Theo Tổng cục Thống kê, 7 tháng đầu năm, tổng kim ngạch 2 chiều Việt Nam- ASEAN đạt 22,8 tỷ USD, giảm 8,3% so với cùng kỳ 2015. Trong đó, xuất khẩu đạt 9,582 tỷ USD, giảm 12,3% và nhập khẩu đạt 12,215 tỷ USD, giảm 5,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Về cân đối thương mại, 7 tháng đầu năm Việt Nam nhập siêu từ ASEAN hơn 3 tỷ USD, trong đó các đối tác nhập siêu lớn bao gồm: Thái Lan, Singapore… Đây là những số liệu mà theo Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, nếu không có những chiến lược thay đổi, Việt Nam đang đứng trước nguy cơ trở thành “vùng trũng” trong tiêu thụ hàng hóa của thị trường trên 600 triệu dân của AEC. Phó Thủ tướng chỉ đạo: Các bộ, ngành cần đánh giá sự chủ động hội nhập, nhất là những bất cập, yếu kém, tồn tại để từ đó định hướng hoạt động cho thời gian tới.
Phát biểu tại phiên họp, nhiều ý kiến của các bộ, ngành cũng thẳng thắn chỉ ra rằng, chúng ta rất thành công trên bàn đàm phán nên đã ký kết được các FTA với những đối tác lớn trên thế giới. Tuy nhiên, quá trình triển khai các hiệp định này chưa tương xứng với kết quả đàm phán. Hầu hết các doanh nghiệp nhỏ, nhất là doanh nghiệp tại địa phương, chưa thực sự quan tâm, chủ động hội nhập KTQT.
Để các hiệp định thương mại phát huy hiệu quả, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương cần tăng cường chủ động hội nhập KTQT, nhằm tận dụng những cơ hội và hạn chế thách thức từ các FTA mang lại. Theo đó, để tận dụng tốt nhất cơ hội, BCĐLN cần kiện toàn lại theo hướng chuyên nghiệp và quy mô hoàn thiện hơn. Ngoài việc bổ sung các thành viên từ các bộ, ngành, cần có một đội ngũ các chuyên gia hàng đầu về lĩnh vực hội nhập. Các chuyên gia này không chỉ đưa ra những kế hoạch triển khai các hoạt động tuyên truyền hội nhập mà còn làm công tác định hướng, tham mưu cho Chính phủ, lựa chọn những đối tác để đàm phán trong thời gian tới.
Nguyễn Hòa
Báo công thương điện tử
|