Chính sách hạn chế đô la hóa đang đi đúng hướng?
Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), huy động vốn đến ngày 29/7 tăng 9.94% so với đầu năm, trong đó VNĐ tăng 12.28% và ngoại tệ giảm 6.25% so với đầu năm. Trước đó một báo cáo từ NHNN cũng cho thấy dư nợ ngoại tệ đến 24/6 giảm 4.64% so với đầu năm. Phải chăng chính sách hạn chế đô la hóa đang đi đúng hướng khi hoạt động huy động và cho vay bằng ngoại tệ đang chuyển dịch dần sang mua bán đứt đoạn?
Nắm giữ ngoại tệ và gửi ngân hàng không còn hấp dẫn?
Thị trường ngoại hối tiếp tục ổn định, sự can thiệp kịp thời của NHNN mỗi khi tỷ giá biến động mạnh đã khiến sóng ngoại tệ giúp các nhà đầu tư kiếm chênh lệch giá gần như không còn, theo đó triệt tiêu tâm lý găm giữ ngoại tệ của người dân lẫn doanh nghiệp. Thậm chí trạng thái ngoại tệ tại các ngân hàng sau một thời gian duy trì trạng thái dương ở mức cao nay cũng đã giảm mạnh, cho thấy kỳ vọng đầu tư kiếm lời từ sự biến động của tỷ giá đã suy yếu. Tỷ giá trung tâm USD/VNĐ đến ngày 24/8 chỉ tăng rất nhẹ 0.05% so với đầu năm, thậm chí có những thời điểm còn thấp hơn so với đầu năm.
Trong khi đó, chênh lệch lãi suất giữa VNĐ và USD đang khá lớn, từ 5 – 7% theo từng loại kỳ hạn. Từ khi NHNN áp dụng trần lãi suất huy động USD còn 0% từ 18/12/2015, chênh lệch lãi suất tiền gửi giữa VNĐ và USD ngày càng mở rộng, nhất là khi gần đây các ngân hàng trong nước đang có động thái nâng lãi suất huy động vốn bằng VNĐ. Điều này càng thu hút và khuyến khích người dân chuyển sang nắm giữ VNĐ và gửi ngân hàng thay vì lựa chọn USD vốn không có sóng và không được trả lãi suất.
Trên thị trường quốc tế, việc tăng lãi suất của Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đang tiếp tục bị trì hoãn kể từ lần tăng gần đây nhất vào tháng 12/2015. Sự kiện Brexit gây ra nhiều bất ổn cho thị trường tài chính toàn cầu, Fed đang cân nhắc lại lộ trình tăng lãi suất và cho biết có thể sẽ trì hoãn số lần tăng cũng như tốc độ tăng sẽ chậm hơn so với dự tính ban đầu. Động thái này của Fed khiến đồng USD giảm đi mức độ hấp dẫn, chỉ số USD Index hiện tại đã giảm từ mức trên 97 trong tháng 7 về còn quanh 94.5.
Nhiều dự báo cho rằng Fed có thể tăng lãi suất trong cuộc họp sắp tới vào tháng 9, hoặc chậm nhất là vào tháng 12 trong năm nay. Tuy nhiên, dù Fed có điều chỉnh tăng lãi suất thì tỷ giá USD/VNĐ khó có thể đột biến tăng mạnh vào cao hơn mức chênh lệch lãi suất hiện tại giữa đồng USD và VNĐ. NHNN với số lượng ngoại tệ mua được thời gian gần đây giúp tăng dự trữ ngoại hối lên hơn 38 tỷ USD, đủ nguồn lực để can thiệp thị trường mỗi khi tỷ giá biến động mạnh ngoài tầm kiểm soát. Theo dự báo của Standard Chartered, tỷ giá từ nay đến cuối năm sẽ tiếp tục xu hướng ổn định, xoay quanh mức 22,400 đồng/USD vào cuối năm nay, tức mức tăng nếu có tối đa chỉ khoảng 2.4% so với tỷ giá trung tâm hiện tại.
Cho vay ngoại tệ suy yếu
Do nguồn vốn huy động ngoại tệ suy giảm, ngân hàng cũng hạn chế hoạt động cho vay ngoại tệ. Ngoài ra, do rủi ro chênh lệch kỳ hạn khi nguồn vốn ngoại tệ hiện tại hầu hết là tiền gửi không kỳ hạn sau khi trần lãi suất tiền gửi USD về còn 0%, trong khi nhu cầu vay vốn thường có kỳ hạn 6-9 tháng khiến ngân hàng có những hạn chế nhất định về các tỷ lệ an toàn khi muốn đẩy mạnh cho vay ngoại tệ.
Trong khi đó, chênh lệch lãi suất giữa VNĐ và USD đang khá lớn, từ 5 – 7% theo từng loại kỳ hạn. Từ khi NHNN áp dụng trần lãi suất huy động USD còn 0% từ 18/12/2015, chênh lệch lãi suất tiền gửi giữa VNĐ và USD ngày càng mở rộng, nhất là khi gần đây các ngân hàng trong nước đang có động thái nâng lãi suất huy động vốn VNĐ. Điều này càng thu hút và khuyến khích người dân chuyển sang nắm giữ VNĐ và gửi ngân hàng thay vì lựa chọn USD vốn không có sóng và không được trả lãi suất.
|
Đứng về phía doanh nghiệp, cầu vay vốn ngoại tệ cũng thấp do hoạt động kinh doanh suy yếu. Theo báo cáo từ Tổng cục thống kê, nhập khẩu 7 tháng qua giảm 0.63% so với cùng kỳ, trong khi xuất khẩu cũng chỉ tăng nhẹ 4.95%. Thông thường các nhà nhập khẩu là đối tượng có nhu cầu vay USD nhiều nhất, nhưng với kim ngạch nhập khẩu suy giảm cho thấy cho thấy hoạt động của các doanh nghiệp nhập khẩu cũng đang gặp nhiều khó khăn. Trong khi đó, các doanh nghiệp xuất khẩu lại có 2 tháng bị đứt quãng không tiếp cận được nguồn vốn vay ngoại tệ vào tháng 4 và tháng 5 năm nay, do ảnh hưởng từ Thông tư 24/2015/TT-NHNN.
Đối với các doanh nghiệp có nhu cầu vay thì chênh lệch lãi suất cho vay giữa VNĐ và ngoại tệ hiện tại cũng không còn quá cao như trước đây, do ngân hàng đang thừa thanh khoản khá lớn. Thậm chí một số ngân hàng còn triển khai các chương trình ưu đãi với mức lãi suất cho vay VNĐ gần như bằng với lãi suất ngoại tệ, với điều kiện doanh nghiệp phải bán lại ngoại tệ cho ngân hàng khi có nguồn thu về. Vì vậy, với những doanh nghiệp xuất khẩu có nhu cầu vay nhưng e ngại rủi ro tỷ giá có thể lựa chọn vay VNĐ thay vì ngoại tệ.
Thực tế thì mặc dù đồng USD ổn định trong nước, nhưng so với các đồng tiền khác trên thế giới lại biến động khá mạnh do ảnh hưởng từ nhiều sự kiện địa chính trị, điều này dẫn đến các ngoại tệ khác so với VNĐ cũng biến động mạnh theo, do các ngân hàng thường niêm yết tỷ giá các ngoại tệ khác so với VNĐ theo cách tính tỷ giá chéo. Vì vậy, rủi ro tỷ giá khi vay bằng các ngoại tệ khác là khá lớn, những thiệt hại nặng nề từ các doanh nghiệp vay đồng yên Nhật trong thời gian qua là một minh chứng cụ thể.
Tiếp tục duy trì chính sách hạn chế vay gửi USD
Nếu không có những bất ổn về địa chính trị, lạm phát được kiểm soát ở mức phù hợp thì người dân vẫn lựa chọn VNĐ cho kênh tiền gửi ngân hàng khi nhìn vào suất sinh lời giữa VNĐ và USD. Cầu vay ngoại tệ có thể tăng vào cuối năm nhưng khó có sự tăng đột biến trong bối cảnh nguồn vốn ngoại tệ của ngân hàng không phải quá dồi dào.
Đặc biệt, khả năng tỷ giá biến động là rất lớn trước dự báo tăng lãi suất của Fed trong quý 4 này. Tuy nhiên như đã phân tích thì kỳ vọng phá giá mạnh VNĐ là khó xảy ra khi NHNN đủ nguồn lực để can thiệp và ổn định thị trường, nhất là khi tâm lý đầu cơ ngoại tệ để lướt sóng kiếm lời nhanh gần đây đã triệt tiêu dần do thất bại trước sự can thiệp của nhà điều hành.
Về lâu dài, cần tiếp tục duy trì chính sách hạn chế vay gửi USD và tiến đến xóa bỏ hẳn cơ chế vay gửi USD và chuyển sang cơ chế mua bán đứt đoạn khi có nhu cầu, nhằm chấm dứt tình trạng đô la hóa nền kinh tế, vốn đã gây nhiều bất ổn cho hệ thống tài chính nói riêng và nền kinh tế nói chung trong thời gian qua. Và để làm được điều này thì việc nâng dần niềm tin vào VNĐ thông qua điều hành kinh tế vĩ mô ổn định, chính sách tài khóa minh bạch và hiệu quả là yếu tố cần thiết và quan trọng nhất./.
|