Thứ Tư, 24/08/2016 11:31

Lãi suất huy động vốn tăng vì lý do... kỹ thuật?

Mặc dù Thông tư 06/2016/TT-NHNN sửa đổi Thông tư 36/2015/TT-NHNN vẫn giữ nguyên tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn ở mức 60% đến hết ngày 31-12-2016 nhưng các thành tố cấu thành nên chỉ số này đã có sự thay đổi đáng kể. Việc thay đổi cách tính đã khiến tỷ lệ này tại một số ngân hàng tăng đột biến và dẫn tới áp lực phải tăng nguồn vốn huy động đầu vào.

Theo cách tính mới của Thông tư 06 thì các khoản cho vay được tính là trung, dài hạn sẽ có thể giảm xuống, tuy nhiên mức giảm sẽ không lớn. Ảnh: TL

Theo Thông tư 36/2015/TT-NHNN thì tỷ lệ nguồn vốn ngắn hạn được sử dụng để cho vay trung, dài hạn sẽ được tính bằng cách lấy tổng dư nợ cho vay trung, dài hạn trừ đi tổng nguồn vốn trung, dài hạn và sau đó chia cho nguồn vốn ngắn hạn. Để xét tính chất ngắn hạn hay trung, dài hạn của khoản vay hoặc nguồn vốn thì đều phải tính theo kỳ hạn còn lại chứ không phải theo kỳ hạn danh nghĩa trên hợp đồng.

Thay đổi cách tính dư nợ cho vay trung, dài hạn đẩy tỷ lệ này tự động tăng lên

Theo Thông tư 36/2015/TT-NHNN, các khoản cho vay được xem là trung, dài hạn khi có thời hạn còn lại từ 12 tháng trở lên, trong khi theo Thông tư 06/2016/TT-NHNN thì phải có thời hạn còn lại trên một năm. Theo cách tính mới của Thông tư 06 thì các khoản cho vay được tính là trung, dài hạn sẽ có thể giảm xuống, tuy nhiên mức giảm sẽ không lớn vì hiện tại các khoản cho vay trung, dài hạn tại các ngân hàng thường có kỳ hạn khá dài từ 3-5 năm hoặc nhiều hơn. Cho nên, nếu tính theo quy định cũ hoặc mới thì thực tế giá trị dư nợ trung, dài hạn ít có sự thay đổi lớn.

Thông tư 06/2016/TT-NHNN đã có sự thay đổi đáng kể về cách tính các thông số đầu vào cấu thành nên tỷ lệ nguồn vốn ngắn hạn được sử dụng để cho vay trung, dài hạn, mặc dù tỷ lệ quy định vẫn được giữ nguyên ở mức 60% đến hết năm nay.

Điểm thay đổi tác động khá lớn đến cách tính tỷ lệ này chính là ở cách tính các khoản quá hạn bị liệt vào dư nợ trung, dài hạn. Trước đây, Thông tư 36 xác định các khoản cho vay trung, dài hạn bao gồm dư nợ cho vay, dư nợ cho thuê tài chính, số dư mua, đầu tư giấy tờ có giá (GTCG) trung dài hạn bị quá hạn và dư nợ cho vay, số dư mua, đầu tư GTCG ngắn hạn bị quá hạn, mà thời hạn cho vay, thời hạn đầu tư vào GTCG cộng với thời gian quá hạn từ 12 tháng trở lên.

Nhưng nay, theo Thông tư 06, chỉ cần các khoản cho vay, cho thuê tài chính, số dư mua, đầu tư GTCG quá hạn là đã bị tính vào dư nợ trung, dài hạn.Ví dụ, các khoản vay ngắn hạn dù chỉ có kỳ hạn một tháng, ba tháng  hay sáu tháng nhưng nếu quá hạn thì sẽ bị tính ngay vào dư nợ cho vay trung, dài hạn.

Như vậy, theo quy định mới, các ngân hàng đang có các khoản cho vay ngắn hạn nhưng bị quá hạn nhiều sẽ khiến tổng dư nợ cho vay trung, dài hạn tăng mạnh, từ đó đẩy tỷ lệ nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn lên cao gần với ngưỡng quy định, do đó buộc phải tăng cường huy động vốn để đưa tỷ lệ này xuống ngưỡng quy định. 

Cách tính nguồn vốn cũng có sự thay đổi làm giảm nguồn vốn trung, dài hạn

Tương tự như cách tính dư nợ cho vay trung, dài hạn, cách tính nguồn vốn trung, dài hạn cũng có sự thay đổi tương ứng. Theo Thông tư 36, nguồn vốn trung, dài hạn ngoài lợi nhuận giữ lại, vốn điều lệ, các quỹ dự trữ, thặng dư vốn thì còn bao gồm các khoản tiền gửi, tiền vay, phát hành GTCG có thời hạn còn lại từ 12 tháng trở lên, trong khi theo Thông tư 06 thì phải có thời hạn còn lại trên một năm.

Với cách tính mới như vậy thì nguồn vốn trung, dài hạn sẽ có xu hướng giảm xuống, vì hầu hết nguồn tiền gửi trung, dài hạn tại các ngân hàng chủ yếu có kỳ hạn chỉ từ 12-13 tháng, do đó chỉ cần qua tháng sau là sẽ rớt xuống ngay thành nguồn vốn ngắn hạn. Ví dụ một khoản tiền gửi có kỳ hạn còn lại 12 tháng thì theo Thông tư 36, sẽ được tính vào nguồn vốn trung, dài hạn. Tuy nhiên, theo cách tính của Thông tư 06 thì chỉ được xem là nguồn vốn ngắn hạn.

Giả sử một ngân hàng đang có tổng dư nợ cho vay trung, dài hạn là 100 đồng, nguồn vốn trung, dài hạn là 50 đồng và nguồn vốn ngắn hạn là 150 đồng, thì tỷ lệ nguồn vốn ngắn hạn sử dụng cho vay trung, dài hạn của ngân hàng theo cách tính cũ sẽ ở mức 33,33% (bằng 100 - 50 rồi chia cho 150). Tuy nhiên, nếu trong 50 đồng nguồn vốn trung, dài hạn có 10 đồng là tiền gửi ở kỳ hạn 12 tháng, thì theo cách tính mới, nguồn vốn trung dài hạn chỉ còn 40 đồng, 10 đồng tiền gửi ở kỳ hạn 12 tháng nói trên được tính là nguồn vốn ngắn hạn. Lúc này tỷ lệ trên của ngân hàng sẽ tự động tăng lên mức 37,5% (bằng 100 - 40 rồi chia cho 160).

Rõ ràng tổng nguồn vốn của ngân hàng không thay đổi, nhưng việc xem tiền gửi ở kỳ hạn 12 tháng là nguồn vốn trung, dài hạn hay nguồn vốn ngắn hạn sẽ làm thay đổi đáng kể tỷ lệ trên, khi đó dĩ nhiên sẽ gây áp lực lên hoạt động huy động vốn của ngân hàng. Theo ví dụ trên, để vẫn duy trì tỷ lệ ở 33,33% theo cách tính mới thì ngân hàng buộc phải huy động thêm 20 đồng tiền gửi ngắn hạn hoặc 3,33 đồng tiền gửi trung, dài hạn có kỳ hạn trên 12 tháng.

Theo dữ liệu thống kê của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tỷ lệ nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn của toàn hệ thống vào cuối tháng 5-2016 là 31,42%, trong đó nhóm ngân hàng thương mại nhà nước là 34,83% và của nhóm ngân hàng thương mại cổ phần là 36,12%. Mặc dù còn cách khá xa tỷ lệ theo quy định là 60%, nhưng không phải ngân hàng nào cũng có thể đảm bảo được tỷ lệ này, nhất là đối với những ngân hàng đã tăng mạnh dư nợ cho vay trung, dài hạn trong thời gian qua, hoặc có kế hoạch phát triển tín dụng trung, dài hạn trong thời gian tới. Cũng theo dữ liệu của NHNN thì mức tăng trưởng tín dụng trung, dài hạn trong bảy tháng qua cao hơn mức tăng trưởng tín dụng chung, cụ thể tăng hơn 10% tính đến 20-7-2016, trong đó cho vay kinh doanh bất động sản tăng 9%.

Hồ Lê

TBKTSG

Các tin tức khác

>   Ngân hàng Nhà nước tăng điều tiết nguồn tiền (24/08/2016)

>   26 tỷ đồng trong tài khoản biến mất, ngân hàng thoái thác trách nhiệm (24/08/2016)

>   Giá vàng trong nước xập xình quanh ngưỡng 36.5 triệu đồng/lượng (24/08/2016)

>   Ngân hàng Xây dựng kiến nghị thu hồi 5.490 tỉ đồng (24/08/2016)

>   Hé mở nguồn tiền dùng tái cơ cấu ngân hàng (24/08/2016)

>   Xét xử vụ án 9.000 tỉ: Bị cáo Quyết tố cáo bà Bích (23/08/2016)

>   Ngân hàng nhờ TP.HCM nhắc doanh nghiệp cổ phần hóa trả nợ (23/08/2016)

>   Giám sát các tổ chức, cá nhân không phải là TCTD nhưng có hoạt động ngân hàng (23/08/2016)

>   Hà Nội: Dư nợ cho vay tháng 8 tăng 10.3% so với đầu năm (23/08/2016)

>   Vietcombank đề xuất đầu tư 2,000-3,000 tỷ đồng trái phiếu đô thị Tp.HCM (24/08/2016)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật