Hé mở nguồn tiền dùng tái cơ cấu ngân hàng
Một nguồn tiền dự kiến được dùng để tái cơ cấu ngân hàng bắt đầu hé mở, theo kế hoạch của Chính phủ...
Như VnEconomy đề cập ở bản tin trước, một loạt mục tiêu và kế hoạch lớn đặt ra cho ngành ngân hàng trong dự thảo đề án kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016-2020 của Chính phủ vừa công bố, trong đó đã hé mở một nguồn tiền để tham gia tái cơ cấu.
Theo thông tin từ DIV, hơn 99% vốn tạm thời nhàn rỗi của họ được đầu tư vào trái phiếu Chính phủ.
|
Cụ thể, trong định hướng chính sách đến năm 2020 của dự thảo có nêu rõ: “Sửa đổi Luật Bảo hiểm Tiền gửi (Luật số 06/2012/QH2013), Luật các tổ chức tín dụng (Luật số 47/2020/QH12) để trao cho Ngân hàng Nhà nước và Bảo hiểm Tiền gửi Việt Nam (DIV) để cho phép sử dụng phí bảo hiểm tiền gửi do các ngân hàng nộp cho DIV để tái cơ cấu lĩnh vực ngân hàng”.
Như vậy, sau giai đoạn 1 (2011-2015) thực hiện tái cơ cấu hệ thống ngân hàng và xử lý nợ xấu với quan điểm không sử dụng nguồn vốn từ ngân sách nhà nước, đến nay, bước sang giai đoạn 2 (2016-2020), yếu tố nguồn tiền bước đầu được nêu rõ ở trên là “cho phép sử dụng phí bảo hiểm tiền gửi”.
Hiện thông tin gợi mở trên đang ở dạng dự thảo, chưa xác định chi tiết, cũng như nếu được thông qua và ban hành dự kiến sẽ có quy định cụ thể về việc sử dụng nguồn tiền nói trên.
Còn theo số liệu đưa ra tại buổi làm việc của Phó thủ tướng Vương Đình Huệ với DIV ngày 10/8 vừa qua, tính đến cuối tháng 5/2016, tổng nguồn vốn của tổ chức này đạt 30.680 tỷ đồng (trong đó vốn điều lệ là 5.000 tỷ đồng).
Phí bảo hiểm tiền gửi là nguồn thu chủ yếu của DIV, phục vụ quỹ dự phòng nghiệp vụ chi trả cho người gửi tiền khi phát sinh nghĩa vụ chi trả. Đến cuối tháng 5/2015, quỹ dự phòng nghiệp vụ này ở mức 23.437 tỷ đồng.
Đáng chú ý, theo thông tin từ DIV, hơn 99% vốn tạm thời nhàn rỗi của họ được đầu tư vào trái phiếu Chính phủ.
Nhật Nam
vneconomy
|