Các thị trường mới nổi vẫn hấp dẫn bất chấp lo ngại về Trung Quốc
Cuộc săn lùng lợi suất đang thu hút nhà đầu tư quay trở lại với các thị trường mới nổi, nhưng bức tranh lần này lại có một số khác biệt rất lớn, CNBC cho biết.
Cổ phiếu của các thị trường mới nổi, được phản ánh qua chỉ số MSCI Emerging Markets Index, hiện đã tăng 30% so với mức thấp xác lập vào cuối tháng 1, và đã phục hồi 13% so với thời điểm xảy ra đợt bán tháo sau cuộc trưng cầu dân ý về việc rút khỏi Liên minh châu Âu (EU) của Anh (Brexit).
Thêm vào đó, trong 5 tuần vừa qua, một lượng tiền kỷ lục đã đổ vào nợ của các thị trường mới nổi, số liệu của Bank of America Merrill Lynch cho thấy.
Những tài sản này thường được xem là rủi ro hơn so với các thị trường phát triển hơn. Dù vậy, với môi trường lãi suất thấp, thậm chí là âm, tại các quốc gia phương Tây phát triển, và thanh khoản dồi dào trên thị trường, nhà đầu tư đang tìm kiếm các kênh trú ẩn an toàn bên ngoài.
Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều biến cố bất ngờ có thể châm ngòi cho một đợt bán tháo khác, chẳng hạn như việc nâng lãi suất sớm hơn dự báo của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) hoặc làn sóng bán tháo trái phiếu tại các thị trường phát triển.
“Chúng tôi nhận thấy các thị trường vẫn còn khả năng tăng tiếp trong ngắn hạn”, các nhà chiến lược tại UBS cho biết trong một báo cáo nghiên cứu. Tuy nhiên, vẫn có rất nhiều sự khác biệt giữa các kênh tài sản – và nhóm 4 quốc gia Brazil, Nga, Ấn Độ và Trung Quốc không phải lúc nào cũng là trung tâm của sự chú ý.
Bất chấp sự quan tâm trở lại đối với các thị trường mới nổi, sự hấp dẫn của các tài sản Trung Quốc dường như đã suy giảm trước mối lo ngại kéo dài về sức khỏe của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Theo EPFR Global, nhà đầu tư đã giảm nắm giữ các tài sản của Trung Quốc nhiều hơn bất kỳ nền kinh tế mới nổi nào khác trong tháng 6 vừa qua. Nghiên cứu của Capital Economics cho thấy khoảng 25 tỷ USD đã bị rút khỏi Trung Quốc mỗi tháng.
Bên cạnh đó, dòng vốn cũng đang rút khỏi Ấn Độ, mặc dù nước này vẫn là một trong những nước hấp dẫn nhất về các quỹ đầu tư thị trường mới nổi.
Trong số các nền kinh tế mới nổi nhỏ hơn, Indonesia đang hút dòng vốn. “Họ đã có thể hạ thấp lãi suất, giảm thuế cũng như áp dụng các chính sách có lợi hơn, và các bạn có thể nhận thấy môi trường trong nước đang cải thiện”, nhận định của ông Will Ballard, người đứng đầu thị trường mới nổi và cổ phiếu châu Á – Thái Bình Dương tại Aviva Investors nhận định với CNBC./.
|