Tiền của các “ông lớn” trên Phố Wall đang chảy vào đâu?
Các “ông lớn” trên Phố Wall đang đặt cược vào du lịch với hy vọng sẽ kiếm được lợi nhuận kha khá.
Tập đoàn Carlyle, với tổng giá trị tài sản là 178 tỷ USD, gần đây đã đầu tư vào công ty đường sắt Inca Rail, đơn vị đang cung cấp những chuyến thưởng ngoạn tuyệt vời bằng xe lửa cho du khách muốn đến thánh địa Machu Picchu của Peru.
Apollo Global Management thì vừa công bố thương vụ mua lại khu nghỉ dưỡng Diamond Resorts trị giá 2.2 tỷ USD, còn KKR sẽ khai trương một khách sạn mới ở bãi biển Waikiki với các đối tác CoastWood Capital Group và Chartres Lodging Group
Theo số liệu của Dealogic, tính đến thời điểm này trong năm nay, giá trị của những thương vụ góp vốn tư nhân trên toàn cầu trong lĩnh vực ăn uống và nghỉ dưỡng đã đạt 4.6 tỷ USD, vượt qua con số 4.4 tỷ USD của cả năm 2015.
“Du lịch toàn cầu tiếp tục là một lĩnh vực đầu tư hấp dẫn. Khách hàng đang ngày càng thay đổi việc chi tiêu của họ, từ chỗ mua sắm những thứ cụ thể đã chuyển sang dành cho trải nghiệm. Du lịch cũng sẽ được hưởng lợi từ các khoản thu nhập khả dụng thực tế ngày càng cao ở nhiều thị trường mới nổi”, Sandra Horbach, đồng quản lý đội ngũ “thôn tính” của Tập đoàn Carlyle, nói với Business Insider.
Suốt 5 năm qua, ngành du lịch đã có sự tăng trưởng vững chắc, nhờ vào sự bùng nổ của tầng lớp trung lưu toàn cầu và tỷ lệ thất nghiệp thấp hơn trên toàn thế giới. Ở những nền kinh tế mới nổi như châu Á và Nam Mỹ, số lượng các chuyến du lịch đến và đi đang tăng cao một cách đặc biệt. Và theo công ty nghiên cứu IBISWorld, mức chi tiêu dành cho du lịch ở các nơi này đã vượt cả những nền kinh tế phát triển.
Thế hệ Y “thèm” phiêu lưu và sẵn sàng chi tiền cho những trải nghiệm trên các món hàng cụ thể cũng góp phần thúc đẩy tăng trưởng.
Các thị trường mới nổi
Đối với Tập đoàn Carlyle, sự đặt cược của họ vào du lịch và giải trí ở Mỹ Latinh đã mang lại kết quả tốt.
Cuối năm 2009, tập đoàn này đã mua vào một lượng lớn cổ phần ở công ty CVC Brasil Operadora e Agencia de Viagens, hãng lữ hành lớn nhất của Brazil tính theo doanh thu. CVC cho rằng thị trường du lịch của đất nước này sẽ được hưởng lợi từ việc tổ chức Thế vận hội 2016.
Trong quý 2 năm nay, công ty này đã đạt doanh số 43.8 triệu USD, tăng gần 3 triệu USD so với con số 40.9 triệu của năm ngoái. Cổ phiếu của họ đã tăng khoảng 40% kể từ khi chính thức chào bán vào năm 2013.
“Đó là một mô hình ít đầu tư vào cơ sở hạ tầng mà chúng tôi rất thích, và là một cơ hội cho chúng tôi được hưởng lợi từ các xu hướng đời thường được ưa chuộng ở Mỹ Latinh. Mặc dù các thị trường mới nổi đang tăng trưởng chậm lại nhưng CVC đã tăng trưởng rất tốt vì mọi người vẫn muốn du lịch và khám phá những nơi mới mẻ”, Horbach nói.
Cú huých trực tuyến
KKR, với giá trị tài sản đang quản lý là 131 tỷ USD, cũng lạc quan về sự bùng nổ của lĩnh vực du lịch kỹ thuật số. Stephen Shanley, người phụ trách đội ngũ công nghệ, truyền thông và viễn thông của công ty, hiện đang nhìn thấy cơ hội này trong các tour du lịch và những nền tảng phục vụ cho việc đặt trước các hoạt động trong suốt chuyến nghỉ ngơi ấy. Ông cho rằng mảng này hiện đang được “xâm nhập” rất ít so với các khách sạn và chuyến bay.
“Tỷ lệ đặt khách sạn và chuyến bay trực tuyến là trên 40% ở hầu hết các quốc gia Tây Âu và Bắc Mỹ”, ông cho Business Insider biết.
Điều đó đã thôi thúc đội ngũ của Shanley tìm hiểu về GetYourGuide, một startup có trụ sở ở Berlin, với mục tiêu trở thành một doanh nghiệp cung cấp đa dịch vụ cho những du khách muốn tìm kiếm và đặt trước các hoạt động trực tuyến. Vào tháng 11 vừa qua, KKR đã dẫn đầu một vụ đầu tư trị giá 50 triệu USD vào startup này, cùng với Kees Koolen, cựu CEO của Booking.com và Fritz Demopoulos, người sáng lập Qunar.com.
Theo thống kê của GetYourGuide, công ty này hiện có hơn 27,800 hoạt động ở hơn 2,500 điểm đến trên khắp thế giới.
“Chúng tôi nhận thấy một nhu cầu lớn (dành cho GetYourGuide) ở châu Âu, vốn là thị trường cốt lõi của công ty, và chúng tôi cũng đang nhận thấy nhu cầu ngày càng cao ở những thị trường mới hơn như châu Á, Bắc Mỹ và Nam Mỹ. Đó là nhóm khách hàng rất đa dạng”, Shanley nói.
Vụ đầu tư của Tập đoàn Carlyle vào hãng lữ hành cao cấp Bonotel Exclusive Travel là một ví dụ khác.
“Một số vụ đầu tư của chúng tôi là dành cho việc phát hiện ra những nơi mà có thể giúp chúng tôi biến những điểm mạnh của Tập đoàn Carlyle thành lợi thế so với những doanh nghiệp du lịch khác”, Adam Glucksman, Giám đốc điều hành quỹ EOF của Carlyle, chia sẻ với Business Insider.
“Điều đó cũng giúp cho các công ty tiếp cận được những vùng khác, nơi mà Carlyle hiện đang có mặt, hoặc cung cấp những mối liên lạc ở các khách sạn hay những ngành khác liên quan đến du lịch để giúp cho hình thức đầu tư này được tăng trưởng”, ông cho biết thêm./.
|