Việt Nam đạt 2.000 km cao tốc Bắc - Nam trong 4 năm tới
“Mục tiêu phải tạo ra bước đột phá về hạ tầng giao thông đô thị, trong đó đẩy mạnh phát triển hệ thống đường bộ cao tốc Việt Nam, tập trung đến năm 2020 hoàn thành cơ bản tuyến đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông để đến năm 2020 đạt và vượt 2.000 km cao tốc đã đề ra”.
Một tuyến đường cao tốc đã đưa vào khai thác.
|
Đó là chỉ đạo của Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng tại cuộc họp về đề án đầu tư tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam đến năm 2020, chiều 7/7.
Báo cáo tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Trương Quang Nghĩa cho biết, tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông dài 1.814 km đi theo hướng quốc lộ 1 với điểm đầu tại Pháp Vân (Hà Nội), điểm cuối tại Cần Thơ, trong đó, đoạn Hà Nội - Tp.HCM dài 1.624 km.
Hiện tại, đã có một số đoạn ngắn đã được đưa vào khai thác, dài khoảng 170 km, gồm: Pháp Vân - Cầu Giẽ; Cầu Giẽ - Ninh Bình; Tp.HCM - Trung Lương; Tp.HCM - Long Thành - Dầu Giây.
Một số đoạn đang triển khai thi công, gồm: La Sơn - Túy Loan, Đà Nẵng - Quảng Ngãi, Bến Lức - Long Thành, Trung Lương - Mỹ Thuận...
Dự kiến, những đoạn cao tốc này sẽ được kết nối với nhau tạo thành tuyến cao tốc Bắc - Nam hoàn chỉnh.
Theo Bộ trưởng Nghĩa, để hoàn thành được tuyến cao tốc này cần khoảng gần 236.000 tỷ đồng. Trong đó dự kiến vốn nhà đầu tư huy động khoảng gần 116.500 tỷ đồng (chiếm 49,34%), vốn nhà nước hỗ trợ đầu tư dự án hơn 119.500 tỷ đồng (chiếm 50,66%). Phần vốn nhà nước dự kiến sử dụng nguồn từ trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2016 - 2020 là 75.384 tỷ đồng và vốn ODA là 44.138 tỷ đồng.
Sau khi nghe báo cáo, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhất trí với sự cần thiết của công trình này và nhận định rằng, công trình này không thể trì hoãn bởi nó có vai trò bảo đảm cho nền tảng phát triển của đất nước theo hướng công nghiệp hóa - hiện đại hóa, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.
Theo Phó thủ tướng, nếu hoàn thành cơ bản được tuyến cao tốc phía Đông sẽ là tiền đề để xây dựng các tuyến đường cao tốc khác, hiện thực được mục tiêu năm 2020 đạt và vượt 2.000 km cao tốc đã đề ra.
Về nguồn vốn cho dự án, Phó thủ tướng cho rằng, thời gian tới ngân sách nhà nước cần bố trí thỏa đáng để tạo “vốn mồi” thu hút các nguồn lực xã hội đầu tư cho phát triển tuyến đường cao tốc này theo hình thức PPP, trong đó bảo đảm nguồn vốn từ xã hội phải lớn hơn vốn ngân sách.
Phó thủ tướng yêu cầu Bộ Giao thông Vận tải phối hợp với Bộ Tài chính tính toán để đề xuất cơ chế hỗ trợ vốn của nhà nước, bảo đảm thời gian thu phí, mức phí hợp lý, đồng thời bảo đảm sự hấp dẫn để thu hút các đầu tư trong nước và đặc biệt là nhà đầu tư nước ngoài.
Nguyễn Hà
vneconomy
|