Hạ tầng TP.HCM: Dự án kẹt vốn, đường kẹt xe
“Kinh tế tăng trưởng 8 lần, dân số tăng gấp đôi nhưng hạ tầng vẫn ì ạch đang trở thành trở lực lớn của TP.HCM” - ông Trần Du Lịch, phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM nhận xét.
Kẹt xe, nỗi ám ảnh của người dân TP.HCM lâu nay - Ảnh: THANH TÙNG
|
Kinh tế TP.HCM tăng trưởng mạnh kéo theo sự phát triển dân số, tuy nhiên hạ tầng đang không theo kịp tiến trình này và trở thành trở lực lớn cho TP.HCM.
Đây là nhận định được các chuyên gia đưa ra tại hội thảo “Các giải pháp huy động vốn đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng TP.HCM trong giai đoạn 2016-2021”, do Công ty Đầu tư tài chính nhà nước TP.HCM (HFIC) và Sở Giao thông vận tải TP.HCM phối hợp tổ chức tại TP.HCM ngày 7-7.
Mở đầu hội thảo, ông Trần Du Lịch, phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM, cho biết: “Kinh tế tăng trưởng 8 lần, dân số tăng gấp đôi nhưng hạ tầng vẫn ì ạch. TP.HCM phát triển hệ thống cảng nhưng đường vào cảng kẹt cứng, đặc biệt đường vào cảng Cát Lái, từ xa lộ Hà Nội đến đường Đồng Văn Cống vào trưa chủ nhật kẹt xe khủng khiếp! Việc phát triển hạ tầng chậm hơn tốc độ phát triển kinh tế, dân số đang trở thành trở lực lớn của TP.HCM”.
Theo ông Trần Du Lịch, sự ách tắc trong việc tìm vốn để phát triển hạ tầng “là vòng kim cô” phải phá vỡ bằng các cơ chế tài chính và thể chế của Nhà nước.
|
Lợi thế của TP.HCM là một nền kinh tế đô thị, gắn với hệ thống cảng biển, tuy nhiên giao thông vào cảng đang kẹt nghiêm trọng.
Ngoài vấn đề ách tắc trong gọi vốn vào dự án hạ tầng thì có một số lý do khác, như chủ trương TP phát triển đa trung tâm vẫn chưa thực hiện được.
Các chuyên gia cho rằng bài toán đặt ra là chúng ta phải có giải pháp để huy động các nguồn vốn ngoài khu vực tư nhân vào hạ tầng.
"Phải rút kinh nghiệm trong chiến lược xã hội hóa đầu tư "
“Ngoài việc cân đối nguồn từ ngân sách thì phải rút kinh nghiệm trong chiến lược xã hội hóa đầu tư từ năm 1999, cái gì DN làm được thì Nhà nước chỉ sử dụng vốn mồi. Cần huy động nguồn lực từ quỹ đất đô thị thông qua chương trình đổi đất lấy hạ tầng để gia tăng vốn cho các dự án hạ tầng” - ông Trần Du Lịch đề xuất.
Một số chuyên gia cũng cho rằng phải tận dụng được nguồn vốn từ việc cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước. Hiện TP.HCM có các tổng công ty nhà nước nguồn vốn rất lớn, thông qua quá trình cổ phần hóa đang thực hiện để phát triển hạ tầng. Đây là nguồn lực lớn nhưng chủ trương cổ phần hóa và phân bổ ngân sách từ nguồn này chuyển vào hạ tầng chưa thống nhất và thiếu quyết liệt.
Hiện nay theo Luật ngân sách thì TP cũng như địa phương khác lồng ghép ngân sách địa phương với trung ương chứ không có quyền tự chủ. Nên rạch ròi cái nào địa phương, cái nào trung ương. Có ba cơ chế phân quyền cụ thể, không chung chung như hiện nay. TP phải có cơ chế để tạo nguồn thu và hội đồng nhân dân kiểm soát việc sử dụng nguồn vốn này.
Phát biểu tại hội nghị, chuyên gia kinh tế Huỳnh Thế Du cho rằng trong việc phát triển hạ tầng thì vốn ngân sách vẫn phải làm chủ đạo. “Hợp tác công tư không phải chiếc đũa thần và mô hình này dễ gây sự thất vọng trong tâm lý nhà đầu tư.
Nhiều nước hi vọng tư nhân hóa phát triển hạ tầng nhưng sau đó lại quay về quốc hữu hóa sau khi thất vọng, bởi hợp tác công tư không hiệu quả” - ông Du nói. Theo ông Du, giải pháp lớn cho TP.HCM hiện nay là sử dụng quỹ đất đô thị hiệu quả để tạo nguồn lực phát triển hạ tầng. Thứ hai là phải phát triển được các công ty phát triển đô thị có quy mô lớn vừa chịu sự giám sát chặt của Nhà nước, vừa có cơ chế phát triển của DN.
Theo tiến sĩ Nguyễn Thị Mỹ Linh - phó trưởng khoa tài chính ngân hàng (Đại học Công nghiệp TP.HCM), từ năm 2011-2020 mỗi năm TP.HCM có 30.000 tỉ đồng để phát triển hạ tầng. Nhưng theo Sở Kế hoạch - đầu tư TP.HCM thì vốn ngân sách chỉ đảm đương được 30% trong số đó.
Bà Linh cũng cho biết ODA hiện nay chia làm năm giai đoạn, 2011-2015 giải ngân được hơn 50%, hầu hết vốn này đầu tư vào hạ tầng. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) hiện có 19 ngành hấp thụ, trong đó có năm ngành hấp thụ nhiều nhất nhưng phát triển hạ tầng hấp thụ nguồn vốn này rất hạn chế.
Lý do bà Linh đưa ra là do năng lực tài chính của các chủ đầu tư yếu. “Nhiều nhà đầu tư Trung Quốc trúng thầu nhưng năm, bảy năm sau họ mới tìm nhà đầu tư khác liên kết mới triển khai. Ngoài ra, sự cản trở trong việc giải phóng hạ tầng chậm cũng gây cản trở nhà đầu tư tham gia. Hệ thống pháp lý còn thiếu đồng bộ” - bà Linh chỉ ra.
Theo khảo sát của Sở Tài chính TP.HCM, từ năm 2015 đến 2030 TP.HCM cần 1 triệu tỉ đồng (tương đương 44 tỉ USD) đầu tư cơ sở hạ tầng, nhưng hiện nay dù mở nhiều kênh thu hút vốn ngoài xã hội vào các dự án hạ tầng nhưng vẫn gặp rất nhiều khó khăn trong việc huy động nguồn vốn.
Đình Dân
tuổi trẻ
|