Grant Thornton: Giá phòng khách sạn cao cấp bình quân sụt giảm
Tại cuộc họp báo ngày 06/07/2016, Grant Thornton đã báo cáo về ngành dịch vụ khách sạn từ 4 sao và 5 sao tại Việt Nam năm 2015.
Theo đó, tổng doanh thu ngành dịch vụ khách sạn Việt Nam năm 2015 đạt khoảng 338 tỷ đồng, tương đương 15 tỷ USD, cao hơn 10.75 tỷ USD so với năm 2014, mặc dù lượng khách du lịch quốc tế năm nay không đạt mức dự kiến với tốc độ tăng trưởng giảm 4%. Lý do cho sự cải thiện doanh thu năm 2015 là nhờ số lượng khách trong nước tăng 48%, đạt tới 57 triệu lượt khách. Cụ thể, doanh thu bộ phận phòng luôn chiếm tỉ trọng lớn nhất, năm 2015 chiếm 59%, tăng 2.5% so với năm 2014. Một xu hướng ổn định tại bộ phận nhà hàng với tỷ trọng doanh thu dao động từ 32% đến 32.4% trong ba năm qua. Ngoài ra, doanh thu từ hoạt động khác tăng nhẹ khoảng 2.1%, đóng góp 9.1% vào tổng doanh thu năm 2015.
Về giá phòng, trong năm 2015 giá phòng bình quân phân khúc khách sạn 4 sao đã giảm 17.1%, từ 87.2 USD xuống còn 72.3 USD. Trong khi đó, giá phòng bình quân của khách sạn 5 tăng 1.2% lên 111.4 USD, tuy nhiên mức này vẫn còn thấp hơn so với giá phòng bình quân năm 2013. Nhìn chung, trung bình giá phòng hàng năm của các khách sạn cao cấp giảm đáng kể 11.3%, trong đó khu vực phía Bắc giảm thấp nhất với 6%, khu vực miền Trung & Tây Nguyên và miền Nam giảm lần lượt là 14.4% và 12.6%.
Giá phòng bình quân theo vùng miền (Đô la Mỹ)
|
Về công suất, so với năm 2014 thì công suất bình quân năm nay tăng nhẹ 1.2%, từ 60.7% đến 61.9%, đây là con số khá ổn định trong 3 năm vừa qua. Công suất là 61.5% và 62.7% lần lượt cho khách sạn 4 sao và 5 sao, cao hơn 1.2% và 1.6% so với năm trước.
Công suất phòng trung bình (%) theo xếp hạng sao (2013 – 2015)
|
Được biết, khách quốc tế là nguồn khách lớn nhất trong vòng 3 năm qua, chiếm khoảng 80% đến 83% tổng số khách du lịch. Năm 2015, tỷ trọng khách quốc tế giảm nhẹ khoảng 2% xuống còn 81%, tương ứng với mức tăng của tỷ trọng khách nội địa. Trong đó, tỷ trọng khách Việt ở khách sạn cao cấp thuộc khu vực phía Nam và phía Bắc tăng lên lần lượt 5.2% và 8.3% nhưng lại giảm 6.4% ở khu vực Miền Trung và Tây Nguyên.
Ngoài ra, xét về mục đích lưu trú, khách du lịch cá nhân, khách theo đoàn và khách thương nhân vẫn tiếp tục là những phân khúc nổi bật, ba thành phần này chiếm hơn 78% tổng số khách lưu trú tại các khách sạn cao cấp năm 2015. Đồng thời, khách theo đoàn và khách thương nhân đóng góp lần lượt 80% và 75% tổng lượng khách du lịch của khách sạn 4 sao và 5 sao.
Mục đích lưu trú (2013 - 2015)
|
Theo Grant Thornton, năm 2015, Thái Lan, Malaysia và Singapore là ba quốc gia chào đón số lượt khách du lịch lớn nhất trong khu vực, lần lượt là 30 triệu, 26 triệu và 15 triệu lượt khách. Mặt khác Lào và Campuchia đã có những tiến bộ đáng kể về số lượt khách quốc tế, với con số lần lượt là 737 nghìn và khoảng 466 nghìn năm 2010, đến năm 2015, Lào và Campuchia đã đạt mức 4.7 triệu và 4.8 triệu.
Đặc biệt, năm 2015 được xem là năm thành công với ngành du lịch tại Thái Lan với khoảng 30 triệu lượt khách quốc tế và Philippines khi là lần đầu tiên đạt 5 triệu lượt khách quốc tế. Cụ thể, lượng khách Trung Quốc đến Thái Lan tăng khoảng 3 triệu lượt, trong đó có 7.9 triệu lượt khách Trung, chiếm khoảng 26.5% tổng số khách quốc tế.
So sánh về giá giữa ba quốc gia, cho thấy Philippines có giá cho thuê phòng khách sạn hạng sang cao nhất, khoảng 84.7 đô la cho phòng 4 sao và 158.9 đô la cho phòng 5 sao, trong khi tại Việt Nam và Thái Lan xấp xỉ nhau, khoảng 72 đô la cho phòng 4 sao và 110 đô la cho phòng 5 sao. Bên cạnh đó, Thái Lan và Philippines có công suất gần bằng nhau, từ 73% đến 77%, Việt Nam xếp thấp nhất trong ba quốc gia về chỉ số này, khoảng 61.5% cho phòng 4 sao và 62.7% cho phòng 5 sao./.
|