Quốc gia nghèo không ngăn nổi các công ty quốc doanh hoang phí
Ngân sách eo hẹp, nợ công đầm đìa, tỉnh nghèo, quốc gia cũng nghèo, vì sao chúng ta không ngăn nổi các công ty quốc doanh vung tiền hoang phí để rồi thua lỗ? Chẳng phải lo trách nhiệm cá nhân!
Nối tiếp Gang thép Thái Nguyên, Xơ sợi Đình Vũ, Vinalines, Vinashin..., việc bỏ 370 tỉ đồng xây khách sạn 4 sao để rồi mỗi tháng chịu lỗ nửa tỉ đồng, Công ty Xổ số kiến thiết Tiền Giang góp thêm một ví dụ vào danh mục dài dằng dặc các dự án đầu tư công đã thua lỗ hoặc mất trắng.
Ngân sách eo hẹp, nợ công đầm đìa, tỉnh nghèo, quốc gia cũng nghèo, vì sao chúng ta không ngăn nổi các công ty quốc doanh vung tiền hoang phí để rồi thua lỗ?
Ấy là vì cha chung chết không ai khóc. Công ty xổ số là doanh nghiệp nhà nước, thuộc sở hữu toàn dân, tức là của chung. Bỏ hàng trăm tỉ đồng đầu tư ngoài ngành đâu phải dễ, ban lãnh đạo công ty hẳn đã rào trước đón sau bằng vô số quyết định, nghị quyết của các sở ban ngành cho phép họ từ xổ số lấn sang dịch vụ khách sạn.
Vinalines, Vinashin trước kia cũng thế, tập đoàn đổ vỡ song chắc gì đã truy cứu được trách nhiệm cụ thể của những người đã quyết định vung tiền vào các dự án hoang đường. Như vậy, nguyên nhân sâu xa của các đổ vỡ và hoang phí kéo dài trong khu vực quốc doanh là chế độ sở hữu và trách nhiệm của người quản lý công sản chẳng mấy rõ ràng.
Của đau con xót, không ai lo cho đồng tiền của mình bằng chính những ông chủ tư nhân. Kinh doanh lữ hành và khách sạn là việc của tư nhân, chính quyền hầu như chẳng có lý do gì lấy của công đầu tư vào khách sạn 4 sao ở một tỉnh như Tiền Giang.
Hoang phí trong một đất nước nghèo là cái giá đắt đỏ mà dân tộc chúng ta đã và đang phải trả cho một tư duy công hữu phải là nền tảng, Nhà nước phải là trụ cột, Nhà nước phải là trung tâm và doanh nghiệp quốc doanh phải là chủ đạo.
Vụ thua lỗ ở Công ty Xổ số kiến thiết Tiền Giang chỉ là nhỏ nếu so sánh với mất mát, hoang phí ở những quy mô to lớn hơn rất nhiều khi một quốc gia không xem trọng một chế độ sở hữu rõ ràng. Sông có thể được kè đắp lấn xây thành đất dự án; biển, rừng, khoáng sản hết thảy đều có thể được phân lô khai thác vì lợi ích của các ông chủ tư nhân.
Dưới các phương thức hợp thời trang như BOT, đổi đất lấy công trình, đối tác công tư, của cải của quốc gia, nhất là công sản tích lũy từ nhiều đời nay, đang từng bước được tư hữu hóa trá hình, chuyển thành quyền tài sản tư của các nhóm có thế lực trong xã hội.
Để giảm bớt những hoang phí công sản, chí ít phải xác lập một chế độ sở hữu rõ ràng đối với công sản. Công ty xổ số là tài sản của chính quyền cấp tỉnh, cần tách bạch với sở hữu quốc gia.
Người dân Tiền Giang, thông qua các cơ quan đại diện, phải có quyền được biết, được bàn, được tham gia kiểm tra và quyết định khối công sản thuộc tỉnh mình. Cuối cùng thì hàng triệu người dân chính là cổ đông của các công ty quốc hữu.
Khi dân không biết quyền của mình, khi cơ quan dân cử lơ là, khi sở hữu của địa phương và trung ương không phân tách rõ, vắng chủ nhà gà vọc niêu tôm, những nhóm có thế lực thừa cơ thâu tóm công sản mà chẳng phải lo bị truy cứu trách nhiệm cá nhân. Ở đâu và thời nào chẳng thế.
Phạm Duy Nghĩa
Tuổi Trẻ
|