Đồng Nai muốn vay ngân hàng để giải tỏa mặt bằng sân bay Long Thành
Để nhanh chóng giải phóng mặt bằng dự án sân bay Long Thành, tỉnh Đồng Nai kiến nghị Chính phủ sớm ứng vốn để thực hiện. Trong trường hợp chưa bố trí được vốn hoặc bố trí chưa đủ thì cho phép tỉnh vay vốn ngân hàng thương mại để thực hiện, vốn vay và lãi vay được đưa vào tổng mức đầu tư của dự án.
* Đề nghị thẩm định cơ chế đặc thù dự án Sân bay quốc tế Long Thành
* Đúng trình tự, tháng 4-2021 mới khởi công sân bay Long Thành
Vị trí nằm trong diện tích giải tỏa để xây dựng dự án sân bay Long Thành - Ảnh: Lê Anh
|
Đây là kiến nghị của tỉnh Đồng Nai tại buổi làm việc với Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng cùng đoàn công tác Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) hôm nay 9-7, về việc chuẩn bị xây dựng sân bay quốc tế Long Thành tại huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai.
Báo cáo về công tác chuẩn bị giải phóng mặt bằng, ông Trần Văn Vĩnh, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai, cho biết tỉnh đã xây dựng xong các cơ chế, chính sách đặc thù để bồi thường giải phóng mặt bằng và tái định cư mà pháp luật hiện hành chưa quy định.
Do vậy, đề nghị Chính phủ sớm cho phép tách nội dung bồi thường tái định cư thành tiểu dự án riêng để thực hiện độc lập và cho phép tỉnh Đồng Nai lập thủ tục thu hồi đất ngay trong năm 2016 để xây dựng hai khu tái định cư. Theo tính toán của tỉnh Đồng Nai, nguồn vốn xây dựng hai khu tái định cư và bồi thường di dời nghĩa trang 50 héc ta tại huyện Long Thành là 5.440 tỉ đồng.
Để sớm xây khu tái định cư, tỉnh Đồng Nai kiến nghị Chính phủ hai phương án. Phương án 1, Chính phủ ứng vốn giải phóng mặt bằng và tái định cư, trong đó được sử dụng nguồn kinh phí thặng dư của Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIS) khoảng 1.000 tỉ đồng. Phương án 2, nếu chưa bố trí được vốn hoặc bố trí chưa đủ để giải phóng mặt bằng thì cho phép tỉnhi vay vốn ngân hàng thương mại để thực hiện. Vốn vay và lãi vay được đưa vào tổng mức đầu tư của dự án.
Tỉnh Đồng Nai cho rằng, đây là giải pháp đẩy nhanh tiến độ đền bù giải phóng mặt bằng để bàn giao đất sạch cho chủ đầu tư khởi công dự án vào cuối năm 2018 hoặc đầu năm 2019.
Về phía Bộ GTVT, Thứ trưởng Nguyễn Nhật cho biết thêm, cơ chế đặc thù về giải phóng mặt bằng của dự án hiện đang được điều chỉnh theo sự góp ý của các bộ. Dự kiến, trong tuần sau Bộ GTVT sẽ trình Thủ tướng Chính phủ xem xét và cho ý kiến về cơ chế đặc thù này.
Kết luận tại cuộc họp, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho biết những kiến nghị của tỉnh Đồng Nai và các bộ ngành liên quan sẽ được báo cáo Thủ tướng cho ý kiến để sớm tháo gỡ. Phó thủ tướng cũng yêu cầu các bộ, ngành và tỉnh Đồng Nai khẩn trương chuẩn bị, chậm nhất đến năm 2019 phải khởi công dự án.
Vào tuần trước, Tổng công ty cảng Hàng không Việt Nam (ACV) đã báo cáo với Bộ GTVT về tiến độ chuẩn bị xây dựng sân bay Long Thành. Theo ACV, nếu làm đúng trình tự, thủ tục hiện hành và mọi kế hoạch được triển khai suôn sẻ thì dự kiến ngày 1-4-2021, dự án mới khởi công, giai đoạn 1.
Vì vậy, để rút ngắn tiến độ và sớm khởi công dự án, ACV kiến nghị Bộ GTVT cho áp dụng chỉ định thầu thiết kế kỹ thuật song song với lập báo cáo nghiên cứu khả thi.
Dự án sân bay Long Thành được xây dựng tại huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai (cách TPHCM khoảng 40 km). Giai đoạn 1, sẽ đầu tư một đường băng và 1 nhà ga hành khách với công suất 25 triệu hành khách/năm; 1,2 triệu tấn hàng hóa/năm. Giai đoạn này có tổng mức đầu tư là 114.450 tỉ đồng (tương đương 5,45 tỉ đô la Mỹ). Giai đoạn 1, dự kiến hoàn thành vào năm 2023 hoặc năm 2024.Giai đoạn 2 và 3 sẽ được xây dựng sau tùy thuộc vào lượng hành khách đi lại bằng đường hàng không.
Theo quy hoạch sân bay Long Thành đạt công suất 100 triệu hành khách/năm và 5 triệu tấn hàng hóa/năm. Tổng mức đầu tư khái toán cho toàn bộ 3 giai đoạn là 336.600 tỉ đồng (tương đương 16,03 tỉ đô la Mỹ, áp dụng đơn giá của năm 2014)./.
|
tbktsg
|