Bộ trưởng Công Thương: Xuất khẩu năm nay có thể thấp hơn kế hoạch
Mặc dù kim ngạch xuất khẩu 6 tháng tăng 5,9% so với cùng kỳ năm trước, nhưng tại buổi họp Chính phủ diễn ra chiều 1/7, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho rằng, mức tăng này vẫn thấp hơn nhiều so với mục tiêu Quốc hội đề ra là 10%.
Ảnh chỉ mang tính minh họa (Nguồn: TTXVN)
|
Theo Bộ trường, sự sụt giảm về giá xuất khẩu là nguyên nhân làm giảm tốc độ tăng trưởng, chỉ tính riêng giá nguyên nhiên liệu, dầu khí, than đá đã là sụt hơn 1,2 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu chung.
Đáng chú ý tăng trưởng của khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) chậm lại, nếu như 6 tháng đầu năm 2015 mức tăng là 20% thì kết thúc quý 2/2016, mức tăng của khối này chỉ còn 6,9%.
"Khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đang gặp nhiều khó khăn trong phát triển thị trường," Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nói.
Trong khi đó, dự báo những tháng tới, lãnh đạo Bộ Công Thương cũng không mấy khả quan khi tình hình kinh tế và thương mại thế giới dự báo còn rất khó khăn, chính điều này đã tác động không nhỏ tới cán cân thương mại của Việt Nam.
"Nếu chúng ta quyết liệt khai thác thị trường mới và thị trường tiềm năng cũng như thị trường truyền thống thì khả năng mức tăng trưởng xuất khẩu cả năm chỉ đạt 8%, đó là dự báo của Bộ Công Thương," Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nói.
Nói về những giải pháp trong thời gian tới, Bộ trưởng Bộ Công Thương cũng đề nghị các bộ ngành cần tập trung quyết liệt các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Về phần mình, Bộ Công Thương sẽ tăng cường các giải pháp về thị trường, đồng thời ban hành hành các chính sách nhằm thúc đẩy sản xuất qua đó nâng cao giá trị xuất khẩu.
Trước những khó khăn mà Bộ Công Thương nêu ra, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, xuất khẩu là kênh quan trọng nhất cho tăng trưởng, do vậy Chính phủ và các bộ, ngành cần tập trung chỉ đạo quyết liệt các địa phương trong việc hoàn thành các chỉ tiêu được giao.
Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương có chuyên đề riêng để xuất khẩu tăng trưởng hơn nữa trong những tháng cuối năm, trong đó đặc biệt lưu ý đến các ngành hàng thế mạnh của Việt Nam.
"Bộ Công Thương đang quản lý nhiều ngành hàng, lĩnh vực quan trọng, nếu không chấn chỉnh lại, phát triển mạnh mẽ thì rất khó đạt kế hoạch, nhất là lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo bị sụt giảm như vậy thì phải tính toán lại bài bản, hệ thống hơn, bộ máy phải rất giỏi để xốc lại," Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc lưu ý./.
Quảng - Dũng
Vietnam+
|