Thứ Sáu, 10/06/2016 14:47

Vì sao Paris chuẩn bị trải thảm đón các ngân hàng đến từ London?

Paris đang chuẩn bị một cuộc chào đón nồng hậu dành cho các ông chủ ngân hàng đến từ Luân Đôn mà họ cho là sẽ phải chuyển vào bên trong châu lục này nếu nước Anh chọn giải pháp rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) vào tháng tới.

 

“Chúng tôi sẽ trải thảm đỏ đón họ”, Jean-Louis Missika, Phó thị trưởng Paris, cho biết như thế tại buổi ra mắt chiến dịch thu hút giới tài chính đến với thành phố này trong trường hợp có Brexit hôm thứ Tư vừa qua.

Một động thái như thế có thể là không bình thường đối với một quốc gia hiện có khuynh hướng “vừa yêu vừa ghét” đối với nền tài chính cấp cao. Vào năm 2012, Tổng thống Pháp François Hollande từng tuyên bố nó là “kẻ thù” của nền kinh tế khi đề xuất đánh thuế giới giàu có tới... 75%.

Tuy nhiên, sự thù địch ấy dường như đã bị quên lãng từ lâu trong sự kiện hôm thứ Tư vừa qua, khi những nhân vật ưu tú trong giới chính trị và tài chính nước Pháp đưa ra một khẩu hiệu nhằm thu hút giới ngân hàng đến với thành phố này: “Chào mừng các bạn đến với châu Âu”.

Gérard Mestrallet, Chủ tịch của Paris Europlace, một tổ chức được thành lập để quảng bá ngành tài chính Pháp, cho biết ông không muốn nước Anh rời khỏi EU, nhưng nếu họ làm thế thì Paris sẽ dang tay “chào đón” bất kỳ ngân hàng nào.

Cuộc chiến thu hút việc làm trong ngành tài chính này tiêu biểu cho sự tiếp diễn của một cuộc chiến dai dẳng giữa Paris với Luân Đôn. Nhưng nó cũng là cuộc tranh giành với những thành phố Eurozone khác, đặc biệt là Frankfurt, để trở thành trung tâm giao dịch euro trong khối tiền tệ chung này.

Vị thế trung tâm tài chính nổi trội ở châu Âu của Luân Đôn từ lâu đã là một điều “gây khó chịu” trên khắp châu lục này. Khoảng 1/3 lượng giao dịch bằng Euro hiện đang diễn ra ở thành phố này, dù rằng nước Anh trước giờ vẫn quyết tâm không nằm trong Eurozone.

Nhiều người tin rằng điều đó sẽ phải thay đổi nếu có Brexit, và các ngân hàng sẽ buộc phải chuyển việc làm hay thậm chí là trụ sở chính từ Luân Đôn đến Eurozone để việc giao dịch không bị cản trở.

Đầu năm nay, HSBC cho biết họ sẽ chuyển khoảng 20% lực lượng lao động ở Luân Đôn (khoảng 1,000 việc làm) sang Paris trong trường hợp Brexit xảy ra. Những việc ấy chủ yếu là ở phòng giao dịch và ngân hàng đầu tư.

Hôm thứ Tư vừa qua, các quan chức Pháp tranh luận rằng Paris có vị trí tốt nhất để chào đón bất kỳ ngân hàng nào rời khỏi Luân Đôn, với nhiều điều dành cho người mới đến hơn so với các đối thủ như Dublin, Amsterdam hay Frankfurt.

Họ tự hào nói về cơ sở hạ tầng tài chính hiện có ở Paris, nơi đang là “nhà” của 4 trong 10 ngân hàng lớn nhất châu Âu nếu tính theo tài sản. Paris hiện đã có 800,000 nhân viên tài chính.

Theo những người quảng bá, thành phố này cũng có giá văn phòng rẻ hơn Luân Đôn, cũng như có một hệ thống giáo dục tốt với trọng tâm là toán học và có liên kết giao thông với phần còn lại của châu Âu.

“Chúng tôi có nhân lực và cơ sở hạ tầng của một trung tâm tài chính toàn cầu. Tất cả đã ở đây”, Olivier Klein, CEO của Ngân hàng hợp tác BRED Banque Populaire, tuyên bố.

Ngoài ra, còn có những lợi thế về lối sống khi chuyển tới Paris, một trong những thành phố tuyệt vời của thế giới, với vô số nơi biểu diễn opera, nhà hát và nhà hàng.

“Có một không khí khác ở Frankfurt”, Marie-Anne Barbat-Layani, người đứng đầu Liên đoàn Ngân hàng Pháp, nói.

Valérie Pécresse, cựu Bộ trưởng ngân sách và Chủ tịch vùng Île-de-France, nói thêm: “Chúng tôi có chất lượng sống không thể nào so sánh được ở châu Âu. Chúng tôi nằm ở vị trí tốt để chào đón nhiều người nước ngoài và công ty”.

Tuy nhiên, giới lãnh đạo ngân hàng đã thừa nhận một số hạn chế ở Paris, mà đáng chú ý là thuế cao. “Thuế đánh vào tuyển dụng là quá cao”, Frédéric Oudéa, CEO của Société Générale, phát biểu.

Theo Liên đoàn Ngân hàng Pháp, mức lương 300,000 Euro ở Anh chỉ khiến cho ngân hàng tốn 352,740 Euro/năm sau khi tính tất cả các yếu tố. Ở Pháp, ngân hàng sẽ phải trả 471,799 Euro cho cùng một mức lương này.

“Chính phủ cần gửi đi những thông điệp phù hợp. Hạ thấp một số phí xã hội sẽ là bước khởi đầu”, bà Barbat-Layani bày tỏ.

Dù trước đây Tổng thống Hollande có những phát biểu “hơi quá” nhưng Chính phủ Pháp đã bắt đầu thay đổi thái độ của mình đối với nền tài chính cấp cao như là một phần trong động thái lớn hơn đối với các sách thân thiện với kinh doanh hơn mà họ đang dựa vào để vực dậy nền kinh tế ì ạch của mình. Năm ngoái Bộ trưởng Tài chính Barbat-Layani đã nói: “Bạn tôi là tài chính, nhưng là tài chính tốt”.

Hôm thứ Tư vừa qua, bà Pécresse cũng nói kẻ thù của bà “không phải là tài chính, mà là thất nghiệp”. Bà cũng tranh luận rằng nguồn bất ổn chính trị thật sự cho các doanh nghiệp không phải là Pháp, mà là Anh.

Bà cho rằng dù nước Anh có chọn cách ở lại thì việc cho phép tiến hành trưng cầu dân ý về chuyện tư cách thành viên của họ trong EU cũng sẽ là một điều đáng lo ngại. “Sự lựa chọn khôn ngoan [cho các doanh nghiệp] không phải là ở lại một vùng đất có thể rời khỏi châu Âu vào một ngày nào đó, mà là chọn lựa đầu tư dài hạn ở một nơi sẽ luôn thuộc về châu Âu”./.

Các tin tức khác

>   Nghi ngờ gây quỹ đen, trụ sở Lotte bị đột kích (10/06/2016)

>   Chiến tranh khiến thế giới tiêu tốn 13.600 tỷ USD năm 2015 (10/06/2016)

>   Vàng lên cao nhất từ giữa tháng 5/2016 (10/06/2016)

>   Dầu dứt 3 phiên leo dốc liên tiếp, khí thiên nhiên vọt 6% (10/06/2016)

>   Vì sao giới start-up châu Âu sợ Brexit? (09/06/2016)

>   Sẽ có một nhu cầu vàng lớn chẳng ai ngờ đến? (09/06/2016)

>   Nghị viện châu Âu lập ủy ban điều tra Hồ sơ Panama (09/06/2016)

>   Malaysia phê chuẩn công ước quốc tế về mức lương tối thiểu (09/06/2016)

>   Ẩn số Euro 2016: Tiền ơi, chào mi (09/06/2016)

>   Thiếu tiền, Saudi Arabia muốn đánh thuế người nước ngoài (09/06/2016)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật