Vì sao giới start-up châu Âu sợ Brexit?
Một vài start-up công nghệ châu Âu có văn phòng hay thị trường ở Anh dường như rất lo lắng về cuộc trưng cầu dân ý sắp tới về việc rút khỏi EU (Brexit).
Cuộc trưng cầu dân ý của Anh về chuyện ra đi hay ở lại Liên minh châu Âu (EU) sẽ diễn ra vào ngày 23/6 tới và được cho là sẽ có kết quả rất sít sao. Trong số những lo lắng lớn nhất khiến giới quản lý start-up “đau đầu” là sự kiện này sẽ ảnh hưởng như thế nào đến khả năng tái định cư nhân viên và nước Anh sẽ còn giữ được vị trí “bàn đạp” từ châu Âu vào Mỹ hay không.
Dan Rogers, đồng sáng lập của công ty Peakon, có trụ sở tại Copenhagen nhưng lại có văn phòng ở Luân Đôn, cho CNBC biết ông lo lắng về chuyện Brexit sẽ ảnh hưởng đến sự tự do đi lại của nhân viên như thế nào.
Một đạo luật cơ bản của EU là hàng hóa, dịch vụ và con người được tự do di chuyển trong 28 quốc gia thành viên. Không rõ là nước Anh có giữ nguyên được điều này hay không nếu họ chọn giải pháp rời khỏi EU.
“Doanh nghiệp chúng tôi thật sự coi trọng việc cho phép các công dân EU có thể dễ dàng tái định cư tại Anh (và ngược lại), vì thế rõ ràng là chúng tôi có thể gặp rủi ro trong vấn đề này”, Roger viết trong email gửi cho CNBC.
“Nhiều start-up ở Luân Đôn và các doanh nghiệp khác có một lượng nhân viên lớn là công dân EU. Các nhân viên có quốc tịch Anh chiếm gần phân nửa số người trong doanh nghiệp trước của tôi”, ông cho biết thêm.
“Brexit không chỉ khiến các công ty Anh khó thuê nhân viên nước ngoài mà còn có thể dựng nên những rào cản đối với các công dân Anh đang mong muốn được làm việc tại châu Âu”, Patrik Arnesson, CEO và đồng sáng lập của Football Addicts, bày tỏ với CNBC.
“Tôi đã nghe nhiều cuộc nói chuyện về cách mà những người ủng hộ chiến dịch Brexit muốn bảo vệ việc làm của nước Anh không bị rơi vào tay công nhân nước ngoài sẵn sàng nhận lương thấp, nhưng chuyện đó ảnh hưởng đến cả hai phía – Brexit có thể hạn chế cơ hội việc làm cho những người Anh tài năng muốn làm việc cho các công ty có trụ sở bên ngoài nước Anh”, Arnesson nói.
Charlotte Morris, quản lý khu vực Bắc Âu của công ty Babbel có trụ sở ở Đức, cũng đồng ý với những lo ngại này.
“Để vận hành thành công một doanh nghiệp ở Anh, chúng tôi cần các tài năng người Anh tại công ty chúng tôi ở Berlin – việc hạn chế sự tự do di chuyển sẽ phá hỏng các cơ hội cho người Anh ra nước ngoài. Trong trường hợp Brexit, tình trạng pháp lý và quyền làm việc của các công dân Anh trong đội ngũ của chúng tôi ở Berlin sẽ trở nên không chắc chắn”, bà nói.
Đối với một số start-up, nước Anh như là một bệ phóng cho việc bắt đầu các hoạt động của họ ở Mỹ. Chẳng hạn như, công ty Acast của Thụy Điển đã mở rộng sang Anh vào năm 2014, và sau đó bắt đầu hoạt động ở Mỹ vào khoảng cuối năm 2015.
“Việc mở rộng của chúng tôi sang các thị trường quốc tế sẽ không thành công nếu không có nước Anh làm viên đá lót đường từ EU sang Mỹ, và Brexit có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến cơ hội của những start-up khác có trụ sở ở EU muốn đi theo mô hình này”, đồng sáng lập của Acast, Karl Rosander, cho biết trong email gửi CNBC.
“Tôi nghĩ thật công bằng khi nói rằng hầu hết các start-up lớn của châu Âu mà tôi có nói chuyện đều xem nước Anh như là bước đi hợp lý tiếp theo trong việc mở rộng ra quốc tế của họ, nhưng nếu Brexit xảy ra thì có thể sẽ có một tác động kìm hãm đối với những kế hoạch như thế”, ông cho biết thêm.
Trong khi đó, những công ty đã có trụ sở ở Anh có thể xem xét cắt giảm các hoạt động của họ.
“[Trong trường hợp xảy ra Brexit] chúng tôi chắc chắn vẫn sẽ có văn phòng ở Anh. Tuy nhiên, kích thước của văn phòng đó có thể bị giảm xuống nếu việc tái định cư các nhân viên EU ở Anh trở nên khó khăn cho chúng tôi”, Rogers cho biết./.
|