Sẽ có một nhu cầu vàng lớn chẳng ai ngờ đến?
Một làn sóng mới về về nhu cầu vàng có thể đến từ một nguồn không ai ngờ tới: Việc làm sáng tỏ một đạo luật được mong đợi đã khá lâu mang tên Sharia, cho phép 1.6 tỷ người Hồi giáo trên toàn thế giới đầu tư vào vàng.
Theo Business Insider, đạo luật Sharia, với những điều khoản hướng dẫn về cuộc sống cá nhân và tài chính của người Hồi giáo trên thế giới, có nguồn gốc từ Kinh Koran. Suốt nhiều thế kỷ qua, đạo luật Sharia đã phát triển dưới sự hướng dẫn của các học giả Hồi giáo, và đã góp phần vào việc phát triển các công cụ tài chính.
Theo đạo luật Sharia, việc trả lãi hay kiếm tiền lời được xem như là bóc lột và bị nghiêm cấm. Đạo luật này cho phép đầu tư vào cổ phiếu, miễn là doanh nghiệp ấy không dính dáng đến các hoạt động bị người Hồi giáo xem là vô đạo đức (chẳng hạn như bán rượu).
Sở hữu các khoản đầu tư vàng đang là một vấn đề gây tranh cãi, do những cách hiểu khác nhau về đạo luật Sharia. Để làm rõ vấn đề này, Hội đồng Vàng Thế giới (WGC) và Tổ chức Kiểm toán và Kế toán dành cho Các định chế Tài chính Hồi giáo (AAOIFI), cơ quan chuyên thiết lập các tiêu chuẩn theo đạo luật Sharia cho ngành tài chính Hồi giáo, đang phác thảo những tiêu chuẩn đối với việc đầu tư vàng cho phù hợp với đạo luật Sharia.
Những buổi giải trình công khai về đề xuất này sẽ được tổ chức trong năm nay ở Morocco và Dubai. (Hồi giữa tháng 4, Bloomberg đã trích lời một học giả Sharia đang làm công tác biên soạn, cho biết bản phác thảo đã sắp hoàn tất).
Theo đạo luật Sharia, vàng được xem như một “món đồ Ribawi”. Một món đồ Ribawi có thể được trao đổi chỉ căn cứ theo trọng lượng và kích thước, và việc trao đổi hàng hóa phải diễn ra ngay lập tức. Điều đó có nghĩa là không thể đổi món đồ ấy lấy một giá trị tương lai nào đó, hay để đầu cơ. Có 6 món đồ Ribawi – vàng, bạc, muối, lúa mạch, lúa mì và quả chà là.
Kết quả là, người Hồi giáo theo đạo luật Sharia được phép sở hữu vàng – chẳng hạn như, dùng để làm trang sức. Tuy nhiên, hiện có sự bất đồng trong thế giới Hồi giáo về việc vàng có thể được trao như một hàng hóa hay không – hay chỉ được dùng như một dạng tiền tệ.
Kết quả là, không có chính sách rõ ràng về việc đầu tư vào các công ty được hỗ trợ bởi vàng, hay nắm giữ các tài sản vàng (chẳng hạn như các ETF hay những phương tiện khác). Các hợp đồng vàng tương lai cũng bị xa lánh vì chúng không liên quan đến việc trao đổi hàng hóa ngay lập tức.
Một khía cạnh liên quan của đạo luật Sharia là sự cấm đoán đối với việc tính lãi. Đạo luật Sharia cấm việc thanh toán hay chấp nhận các loại lãi suất hoặc chi phí vay vốn. Để “né” điều này, các trái phiếu sukuk (là những trái phiếu phù hợp với đạo luật Sharia, có mang lại lợi suất cho nhà đầu tư mà không phạm luật Hồi giáo) hiện cung cấp một phần lợi nhuận trên các tài sản hữu hình.
Tiêu chuẩn vàng phù hợp với đạo luật Sharia được đề xuất ở trên (đang được WGC và AAOIFI phát triển) cho rằng các hình thức đầu tư vàng phải được đảm bảo bằng vàng vật chất. Các hợp đồng vàng tương lai, vốn không được hỗ trợ bởi vàng vật chất, sẽ không phù hợp. Tuy nhiên, bản phác thảo các tiêu chuẩn vàng có đưa ra một vài cách sử dụng vàng được chấp thuận, bao gồm các tài khoản đầu tư, hợp đồng phái sinh, trái phiếu Hồi giáo và các quỹ ETF.
Những thay đổi này sẽ đem lại nhiều sản phẩm vàng phù hợp với đạo luật Sharia hơn cho giới đầu tư Hồi giáo. Bất kỳ nhu cầu vàng bổ sung nào từ thế giới Hồi giáo, xuất phát từ một cách hiểu duy nhất về đạo luật Sharia, đều có thể tác động lớn đến nhu cầu vàng. Theo WGC, các tiêu chuẩn mới về vàng theo đạo luật Sharia có thể đẩy nhu cầu từ giới đầu tư Hồi giáo tăng “hàng trăm tấn”.
Ngoài tác động to lớn trong ngắn hạn đến nhu cầu vàng – xuất phát từ nhu cầu mới về vàng từ giới đầu tư Hồi giáo – những thay đổi này có thể dẫn đến sự gia tăng của nhu cầu vàng cơ bản. Tổng nhu cầu vàng thế giới trong quý 1/2016 đã đạt khoảng 1,290 tấn, tăng khoảng 180 tấn, hay 16%, so với quý 4/2015. Chẳng phải là sự trùng hợp ngẫu nhiên khi giá vàng đã tăng 17% trong quý 1 năm nay, cũng là mức tăng hàng quý lớn nhất kể từ năm 1986.
Chẳng bao lâu nữa, một phân khúc khá lớn người Hồi giáo trên thế giới, những người mà trong lịch sử không thể mua vàng như là một sự đầu tư, đã có thể tham gia thị trường. Nếu tiêu chuẩn vàng theo đạo luật Sharia trên có hiệu lực vào cuối năm nay – mà dường như là có thể - thì đợt tăng giá vàng hiện tại có thể là chỉ mới bắt đầu./.
|