Thứ Sáu, 03/06/2016 14:19

Từ vụ xúc xích Vietfoods: Cần hành xử sòng phẳng, đúng luật

Từ vụ quản lý thị trường Hà Nội “việt vị” trong việc tạm giữ lô hàng xúc xích của cơ sở Vietfoods đã nảy sinh các vấn đề pháp lý cần được mổ xẻ, làm rõ.

* Nguy cơ phá sản: Vietfoods không sai nhưng vẫn phải chờ

Từ cách làm việc vội vàng, trái luật của quản lý thị trường Hà Nội dẫn đến hậu quả hàng của Vietfoods bị các đại lý trả về - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Theo các chuyên gia pháp luật, trong vụ việc liên quan đến Vietfoods, có ba vấn đề cần đặt ra, đó là: trường hợp nào cơ quan chức năng được tạm giữ hàng hóa, thời điểm công bố thông tin trên các phương tiện truyền thông và quyền lợi của doanh nghiệp (DN) sẽ được bảo vệ ra sao khi bị xâm phạm.

Hậu quả nặng nề

Theo bà Lý Kim Chi (chủ tịch Hội Lương thực - thực phẩm TP.HCM), việc các cơ quan chức năng tiến hành kiểm tra tại DN là một việc làm bình thường.

Tuy nhiên, nếu cho rằng DN vi phạm trong lĩnh vực vệ sinh an toàn thực phẩm thì ngoài việc lập biên bản, cơ quan chức năng phải cùng DN đến cơ quan kiểm nghiệm để kiểm tra sản phẩm vừa bị lập biên bản.

Đằng này trong vụ việc của Vietfoods, quản lý thị trường công bố kết luận ngay tại hiện trường là “sản phẩm xúc xích của Vietfoods có chứa chất cấm, chất gây ung thư”...

Kết quả kiểm nghiệm đi kèm cho lời tuyên bố “chắc nịch” đó thì chẳng thấy đâu, trong khi Vietfoods là DN có đăng ký kinh doanh, có thương hiệu, tiêu chuẩn sản xuất thì lại bị cơ quan kiểm tra bỏ qua.

Đồng quan điểm với bà Chi, ông Văn Đức Mười (tổng giám đốc Công ty Vissan) cho hay vụ việc này đã ảnh hưởng rất lớn đến môi trường kinh doanh lĩnh vực thực phẩm chế biến trong nước lẫn nước ngoài.

“Mọi quy định của Nhà nước về gia vị phụ liệu đã được các DN nghiêm túc thực hiện. Nhưng chỉ cần cơ quan quản lý nhà nước với cách làm vội vàng, thiếu thận trọng thì chúng tôi khó tránh những tai vạ kiểu trên trời rơi xuống” - ông Mười ngậm ngùi nói.

Để tránh xảy ra sự việc tương tự, theo ông Mười, môi trường pháp lý liên quan đến điều kiện sản xuất, kinh doanh của DN cần phải được Nhà nước thay đổi cho phù hợp để DN còn động lực tập trung sản xuất, phát triển.

Trường hợp nào được tạm giữ tang vật?

Theo luật sư Phạm Tấn Thuấn (Đoàn luật sư TP.HCM), pháp luật quy định rõ về các biện pháp ngăn chặn và đảm bảo xử lý vi phạm hành chính.

Cụ thể, tại khoản 3 điều 119 Luật xử lý vi phạm hành chính quy định trong trường hợp cần ngăn chặn kịp thời vi phạm hành chính hoặc để bảo đảm việc xử lý vi phạm hành chính, người có thẩm quyền có thể áp dụng các biện pháp tạm giữ người, tang vật, phương tiện vi phạm hành chính...

Ngoài ra, điều 125 luật trên còn quy định được phép tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính trong một số trường hợp thật cần thiết để có điều kiện xác minh nhằm có căn cứ ra quyết định xử phạt hoặc ngăn chặn ngay hành vi vi phạm.

Trong trường hợp có căn cứ để cho rằng nếu không tạm giữ ngay thì tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tẩu tán, tiêu hủy thì cơ quan chức năng phải tạm giữ ngay.

Trong thời hạn 24 giờ, kể từ khi lập biên bản thì người có thẩm quyền xem xét ra quyết định tạm giữ. Trong trường hợp không ra quyết định tạm giữ thì phải trả lại ngay tang vật, phương tiện đã bị tạm giữ.

Bao giờ thông báo công khai?

Tiến sĩ Thái Thị Tuyết Dung (giảng viên Đại học Luật TP.HCM) cho biết Luật xử lý vi phạm hành chính quy định rõ thời điểm “công bố công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng việc xử phạt đối với cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính” (điều 72).

Theo đó, các “trường hợp vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm, chất lượng sản phẩm, hàng hóa...” mà gây hậu quả lớn hoặc gây ảnh hưởng xấu về dư luận xã hội thì cơ quan có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính có trách nhiệm công bố công khai về việc xử phạt.

Điều đó cho thấy luật đã có quy định rõ về thời điểm, phạm vi, nội dung được công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng về vi phạm hành chính.

Nhà làm luật đã dự liệu thời điểm thích hợp để công bố là “khi đã ra quyết định xử phạt” mà hành vi đó “gây hậu quả lớn hoặc gây ảnh hưởng xấu về dư luận xã hội”.

Nếu cơ quan có thẩm quyền chỉ mới lập biên bản vì cho rằng DN có dấu hiệu vi phạm mà đưa thông tin cho phương tiện truyền thông thì sẽ gây thiệt hại cho DN.

Còn luật sư Nguyễn Thanh Ba (Đoàn luật sư TP.HCM) cho rằng việc kiểm tra chấp hành pháp luật tại các DN là hoạt động bình thường thuộc chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của quản lý thị trường.

Tuy nhiên khi chưa có kết quả kiểm định đã vội vàng trả lời và cung cấp thông tin cho báo chí rằng sản phẩm có chứa chất cấm, chất gây ung thư là vi phạm quy định về cung cấp thông tin theo Luật báo chí.

Kiện đòi bồi thường thiệt hại

Theo luật sư Võ Xuân Trung (Đoàn luật sư TP.HCM), cơ quan nào vi phạm các quy định về việc tạm giữ hàng hóa phải có trách nhiệm xin lỗi và bồi thường cho DN.

Nếu các bên không thể thỏa thuận được mức bồi thường, thì DN có quyền gửi đơn khiếu nại đến cơ quan nhà nước yêu cầu giải quyết.

Trong trường hợp không giải quyết hoặc giải quyết không thỏa đáng thì DN có quyền khởi kiện và yêu cầu tòa án buộc cơ quan nhà nước phải bồi thường thiệt hại đã gây ra cho DN được quy định trong Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước.

Tương tự, tiến sĩ Thái Thị Tuyết Dung cho rằng DN cũng có thể yêu cầu cơ quan nhà nước bồi thường đối với hành vi đưa thông tin không chính xác đến các phương tiện truyền thông của người thi hành công vụ.

Trong vụ Vietfoods, tuy chưa có kết luận từ cơ quan kiểm định, quản lý thị trường đã phát ngôn với báo chí về việc có chất cấm chất sodium nitrate đưa vào chế biến có thể sinh ra chất gây ung thư.

Thông tin này đã gây ra tâm lý hoang mang, lo sợ, ảnh hưởng đến uy tín, sản xuất kinh doanh của DN.

Mặc dù người phát ngôn không khẳng định xúc xích của Vietfoods chứa chất có thể gây ung thư nhưng đặt trong bối cảnh quản lý thị trường đang lập biên bản với lô hàng từ cơ sở của Vietfoods, cùng với việc thông tin như vậy và được báo chí dẫn lại thì dư luận sẽ bị hướng theo thông tin sản phẩm của Vietfoods là “nguy hiểm, độc hại”.

Thông tin trên chắc chắn gây thiệt hại nặng nề cho DN trong khi chưa có kết luận có cơ sở vững chắc trên cơ sở khoa học, pháp luật của cơ quan chức năng.

Ngày 26-4, Chi cục Quản lý thị trường TP Hà Nội lập biên bản vi phạm hành chính Công ty Hùng Anh với lỗi “sản xuất, bán ra thị trường thực phẩm không phù hợp an toàn thực phẩm...”, đồng thời tạm giữ 2,2 tấn xúc xích của cơ sở Vietfoods.

Ngày 23-5, Bộ Y tế có công văn gửi Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội khẳng định các sản phẩm của Vietfoods an toàn cho người sử dụng.

Chiều cùng ngày, Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội ra quyết định trả lại tang vật cho DN với lý do “không có hành vi vi phạm hành chính”.


Tháng 5-2013, Phòng cảnh sát môi trường Công an tỉnh Hải Dương tạm giữ lô hàng 2 tấn bạch tuộc của bà con ngư dân Cần Giờ, TP.HCM (đang trên đường chở đi tiêu thụ) với lý do ban đầu là không có giấy chứng nhận kiểm dịch, không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Do không được bảo quản theo đúng quy trình nên toàn bộ số hàng trên bị hư hỏng hoàn toàn. Công an Hải Dương sau đó đã thừa nhận sai sót và bồi thường 650 triệu đồng cho các chủ hàng.


ÁI NHÂN - T.V.NGHI - L.SƠN

tuổi trẻ

Các tin tức khác

>   Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận có thể lùi đến 2027 (03/06/2016)

>   Bí thư Thăng yêu cầu ổn định tình hình ĐH Hoa Sen (03/06/2016)

>   Doanh nghiệp EU "ngại" các "ông lớn" Nhà nước ở Việt Nam (03/06/2016)

>   Xây dựng Trung tâm kinh doanh hóa chất ở ngoại ô TP.HCM (03/06/2016)

>   Chủ tịch UBND TP.HCM ban hành quyết định trái pháp luật (03/06/2016)

>   Muốn được miễn giảm thuế xuất nhập khẩu vẫn chưa dễ (03/06/2016)

>   VASEP lên tiếng về chất lượng hải sản xuất khẩu của Việt Nam (03/06/2016)

>   “Công bố nguyên nhân cá chết trong tháng 6” (02/06/2016)

>   TPHCM: 300 triệu đô la Mỹ cho giao thông “thông minh” (02/06/2016)

>   Chưa công nhận HĐQT trường ĐH Hoa Sen (02/06/2016)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật