Thứ Năm, 23/06/2016 08:27

Từ 1.7, tăng thuế môi trường, ngành than kêu khó

Tập đoàn Công nghiệp Than- Khoáng sản Việt Nam (TKV) cho biết, sản xuất kinh doanh của TKV từ đầu năm đến nay gặp rất nhiều khó khăn do giá tăng chậm, lượng tiêu thụ trong nước thấp hơn dự báo cùng với việc tồn kho than đang ở mức cao. Từ 1.7 tới, thuế môi trường được áp dụng với hoạt động khoáng sản, tăng thêm từ 3-5% sẽ khiến ngành than đứng trước những khó khăn chồng chất.

Thuế môi trường từ 1.7 sẽ khiến ngành than tăng thêm chi phí khoảng 1.500 tỉ đồng/năm.

Ông Nguyễn Văn Biên - Phó Tổng giám đốc TKV cho biết, tính đến hết tháng 5, doanh thu và tình hình tiêu thụ than của TKV đều thấp hơn nhiều so với kế hoạch. Cụ thể, doanh thu toàn tập đoàn ước đạt 40.386 tỉ đồng, chỉ bằng 37% so với kế hoạch năm và thấp hơn 4% so với cùng kỳ năm ngoái. Lượng than sạch tiêu thụ ước đạt 14,709 triệu tấn, bằng 40% kế hoạch năm và mức thấp hơn 7% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tiêu thụ than trong nước từ đầu năm đến nay cũng giảm do các hộ tiêu dùng lớn trong nước như nhiệt điện, xi măng, phân bón đều thấp. Riêng với xi măng, các DN ximăng do tăng cường việc xuất khẩu clinke kết hợp nhập khẩu than để sử dụng, ảnh hưởng đến tiêu thụ của TKV khoảng 500.000 - 1.000.000 tấn. Về giá xuất khẩu than trên thị trường thế giới hiện phục hồi chậm hơn so với giá dầu. 5 tháng đầu năm nay, TKV chỉ xuất khẩu 125 nghìn tấn, trong khi nhập khẩu than cho các nhu cầu trong nước tới 630 nghìn tấn.

Từ 1.7 tới, thuế tài nguyên sẽ tăng với than lộ thiên tăng từ 9% lên 12%, than hầm lò tăng từ 7% lên 10%. Ông Nguyễn Văn Biên cho biết, ngành than sẽ chồng chất khó khăn vì cùng với tăng thuế, tổng số chi phí của TKV sẽ tăng 1.300 - 1.500 tỉ đồng/năm. Đây là thách thức không nhỏ làm tăng chi phí sản xuất kinh doanh than, cân đối tài chính của ngành đã khó khăn càng khó khăn hơn.

Ông cho biết: “Hiện Australia thuế tài nguyên với than lộ thiên chỉ là 7%, trong khi VN chúng ta là 12%; tương tự thuế tài nguyên than hầm lò của Autralia là 5%, thì VN đang cao gấp đôi. Điều này sẽ tác động không nhỏ đến giá thành, sức cạnh tranh của các nguồn than trong nước khi cùng điều kiện khai thác, chất lượng như nhau, nhưng thuế suất khác nhau khiến khó lòng cạnh tranh khi XK.

Trước tình hình này, TKV đã báo cáo các cơ quan hữu trách để tìm cách tháo gỡ khó khăn, giúp DN vượt qua”, ông Biên nói. Bên cạnh đó, TKV cũng đã và đang áp dụng các biện pháp tái cơ cấu, cơ giới hoá, nâng cao năng suất, tiết kiệm tối đa chi phí sản xuất, mong Nhà nước có chính sách giảm thuế môi trường phù hợp với mặt bằng các nước đang áp dụng.

Năm 2016, TKV phấn đấu vẫn sẽ có lãi, nhưng phải điều hành sản xuất không đạt mức kế hoạch, vì thuế cao thì một số khu vực khó khai thác sẽ phải xem xét lùi lại để giá cả thị trường lên chịu đựng được mới khai thác tiếp. Dù khẳng định đây là bài toán chung của ngành khoáng sản thế giới, cân đối lựa chọn mô hình khai thác, nhưng đại diện TKV cũng cho rằng nếu cứ tăng mãi thuế thì cũng sẽ ảnh hưởng đến việc khai thác tài nguyên một cách hiệu quả theo nghĩa tận dụng tối đa tài nguyên. Thuế quá cao sẽ hạn chế việc tận thu các khu vực điều kiện khai thác khó khăn.

Đại diện Tập đoàn này cho biết, từ nay đến cuối năm vẫn phải chuẩn bị các giải pháp để duy trì sự ổn định, việc làm cho công nhân cũng như an toàn về tài chính, nhưng ở mức tối thiểu. Với thực tế lợi nhuận không còn nhiều, nguồn lực đầu tư cho dài hạn sẽ bị ảnh hưởng. Trả lời về sức cạnh tranh của than Việt Nam so với thế giới, ông Nguyễn Văn Biên khẳng định than nội địa hiện chiếm tỉ trọng lớn quyết định cho tất cả các hộ sử dụng trong nước trong ngắn hạn, và về lâu dài vẫn chiếm tỉ trọng lớn.

“Hiện tuy có một số nguồn than khác, nhưng với khối lượng ổn định, lớn, dài hạn thì chắc chắn than của TKV vẫn là sự lựa chọn số 1 hiện nay của các khách hàng”. Tuy nhiên, để nâng cao sức cạnh tranh, giảm chi phí, TKV cho biết hiện đang tập trung vào hoàn thiện tổ chức sản xuất, đặc biệt có giải pháp tăng năng suất, giảm lao động khâu phụ trợ, phục vụ, cơ giới hóa… TKV đã cơ giới hóa lò chợ của mỏ Hà Lầm đạt công suất cao nhất hiện nay nay (600.000 tấn/năm, so với trước đây các lò chợ chỉ đạt 150.000 - 200.000 tấn/năm).

Các lò chợ tiếp theo được cơ giới hoá khác của Công ty Than Khe Chàm, Dương Huy, Hồng Thái, Quang Hanh cũng đã được đưa vào hoạt động, góp phần tăng năng suất, cải thiện điều kiện làm việc cho thợ lò. TKV cũng phấn đấu tiếp tục đảm bảo việc làm và đời sống cho người lao động không giảm so với năm ngoái, đặc biệt là đời sống của thợ lò./.

lao động

Các tin tức khác

>   Sớm hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển công nghiệp hỗ trợ (22/06/2016)

>   Phá đường dây cá độ bóng đá 3.000 tỉ trên internet (22/06/2016)

>   Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ: Đẩy nhanh tiến độ giải ngân và nâng cao hiệu quả đầu tư công (22/06/2016)

>   Thị trường FMCG đang lấy lại đà tăng trưởng ở thành thị (22/06/2016)

>   Thuế chống bán phá giá cá tra hiện nay sẽ không bị ảnh hưởng bởi phán quyết của US CIT (22/06/2016)

>   Cần Thơ phát hiện cơ sở sản xuất phân bón không phép   (22/06/2016)

>   Thay đổi để thích nghi (22/06/2016)

>   Công ty của con giám đốc sở làm giả hồ sơ (22/06/2016)

>   DN Việt Nam khó kiện chống bán phá giá vì thiếu liên kết (22/06/2016)

>   Gỡ “nút thắt” nào để hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp? (22/06/2016)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật