Thứ Tư, 22/06/2016 10:12

Lương tối thiểu vùng 2017: Tranh luận đến bao giờ ?

Dự kiến tháng 7 tới, Hội đồng tiền lương quốc gia sẽ có cuộc họp bàn chính thức về vấn đề tăng lương tối thiểu vùng 2017, trong đó mức tăng và căn cứ tính tăng tối thiểu đang là một bài toán khó gây nhiều tranh cãi.

Theo kinh nghiệm của Tổ chức lao động Quốc tế (ILO) cho thấy, thông thường mức tiền lương tối thiểu chỉ nên bằng khoảng 40 – 60% tiền lương bình quân là phù hợp. Bởi, nếu để mức lương tối thiểu quá cao thì về bản chất, lương tối thiểu đã trở thành mức lương thực trả cho người lao động. Trong khi đó, mức lương tối thiểu của VN đã đáp ứng được khoảng từ 75 – 80% tiền lương bình quân. Mức lương này đang được giới chuyên gia đánh giá là cao so với mức lương bình quân trên thị trường của các nước trong khu vực.

Giãn lộ trình tăng lương

Kết quả điều tra dành cho đối tượng doanh nghiệp Nhật Bản hoạt động tại Châu Á, Châu Đại Dương cho thấy, 77,9% doanh nghiệp Nhật Bản tại VN cho rằng, việc tăng lương gây ảnh hưởng đến nền kinh tế, mức lương cao chỉ sau Trung Quốc và Indonesia đang được coi là thách thức kinh doanh lớn nhất của doanh nghiệp Nhật Bản tại VN. Trong khi đó, chi phí mà chủ sử dụng lao động phải trả cộng với chi phí bảo hiểm xã hội và phí công đoàn trên mức lương tối thiểu đã vượt Philippines và tiến tới đuổi kịp Thái Lan.

Dù không phủ nhận giá trị mục tiêu của lộ trình điều chỉnh mức lương tối thiểu hướng đến công nghiệp hóa vào năm 2020 của Chính phủ VN, nhưng đại diện Tiểu ban lao động Hiệp hội doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam (JBAV) vẫn khảng khái cho rằng, nên hoãn thời gian thực hiện lộ trình tăng lương vào năm 2017 và tập trung vào việc nâng cấp nền móng công nghiệp nhằm duy trì năng lực cạnh tranh xuất khẩu, thu hút đầu tư nước ngoài.

Còn với cách nhìn nhận và phân tích của TS Trương Văn Cẩm – Chủ tịch Hiệp hội Dệt may VN, lương tối thiểu vùng tăng đương nhiên các khoản nộp kinh phí công đoàn 2%, đoàn phí công đoàn 1%, tiền làm thêm giờ (ngành dệt may khoảng 300 giờ/năm), làm việc vào ban đêm tăng theo.

Tính sơ bộ, cứ mỗi đồng lương tối thiểu vùng tăng, doanh nghiệp phải tăng chi phí nhân công ít nhất lên gấp đôi. Riêng ngành dệt may VN, với khoảng 2,5 triệu lao động, lấy vùng 2 là vùng chuẩn để tính, khi tăng lương tối thiểu lên 300.000 đồng, chi phí nhân công cả ngành sẽ tăng thêm trên 20.000 tỉ đồng, đồng nghĩa với việc giảm lợi nhuận của doanh nghiệp.

Mặt khác, cũng theo ông Cẩm, mỗi lần tăng lương, doanh nghiệp lại phải tốn rất nhiều công sức để tính toán lại, điều chỉnh các mức phí, mức trích nộp cho người lao động. Do vậy, thay vì tăng mỗi năm một lần, thì nhà nước nên giãn thời gian tăng lương tối thiểu từ 2-3 năm/lần như hiện tại.

Quan điểm của đại diện JBAV và Hiệp hội dệt may VN đồng thời cũng là quan điểm chung của đại diện các Hiệp hội trong ngành công nghiệp chế biến thủy sản, da giày, may mặc… khi phần lớn họ đều cho rằng, nên giãn lộ trình tăng lương để tạo sức sống cho doanh nghiệp.

Trong bối cảnh doanh nghiệp đang gặp rất nhiều khó khăn, để người lao động có thu nhập ổn định điều đầu tiên là phải duy trì được hoạt động sản xuất bình thường. Doanh nghiệp có ổn định thì người lao động mới ổn định, doanh nghiệp có phát triển thì người lao động mới có cơ hội tăng thu nhập. Nói như Giám đốc Cty tư nhân Quỳnh Nga, ông Trần Phát Đạt “không nên đặt ra những quy định từ ngọn vì “gốc” đã không bền vững thì chỉ một cơn gió nhẹ cũng dễ bị đỗ.

Dưới góc độ là chủ doanh nghiệp, Giám đốc Cty tư nhân Quỳnh Nga, ông Trần Phát Đạt nhìn nhận: nếu năm tới tăng trưởng của Cty không đạt 10% thì không những không có tiền tăng lương định kỳ cho nhân viên mà doanh nghiệp buộc phải cắt giảm nhân sự để duy trì hoạt động.

Với góc nhìn của chuyên gia kinh tế lao động TS Nguyễn Lê Minh, tăng lương tối thiểu sẽ cân bằng và điều hòa các bên khi tính đến lợi ích của người lao động lẫn sự chịu đựng của doanh nghiệp. Trong khi, người sử dụng lao động của VN bị đánh giá thấp, đứng “hạng bét” của châu Á, Đông Nam Á, tăng lương sẽ không kích thích đổi mới sáng tạo và tăng NSLĐ của người lao động mà vô tình là bước đệm để tăng chi phí, gia tăng lạm phát và khiến người lao động vất vả hơn. “Với mức tăng mức lương tối thiểu như hiện nay, VN đang dần soán “ngôi vị” về tiền lương bình quân trên thị trường, còn DN sẽ dần phải co cụm, cạnh tranh yếu ớt” – TS Minh chia sẻ.

Phải quay trở lại tiêu chí tiền lương và doanh nghiệp

Thứ trưởng Bộ LĐ – TBXH, ông Phạm Minh Huân cho rằng, việc tăng lương tối thiểu năm 2017 phát sinh nhiều thách thức phải tìm ra phương án hài hòa cho hai bên. Người lao động luôn cần được đáp ứng nhu cầu sống tốt hơn, làm việc với thu nhập cao hơn. Còn với người sử dụng lao động, đây là bài toán lớn với áp lực cạnh tranh lớn.

Tiềm lực tài chính và công nghệ hạn chế, năng suất lao động cũng chưa cao, tay nghề công nhân hạn chế, nếu chúng ta dồn lực quá nhiều cho việc tăng lương tối thiểu năm 2017 mà quên đi các vấn đề khác như năng lực của doanh nghiệp, năng suất lao động của người lao động thì sẽ rất khó tính tới bài toán trong việc cạnh tranh.

Trong khi đó, năng suất lao động và hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp VN mới chỉ bằng 40-50% năng suất các nước trong khu vực. Và theo dự kiến của ông Huân, mức tăng lương tối thiểu vùng năm 2017 sẽ thấp hơn 12,4 % năm 2016 và có thể sẽ phải nghiên cứu để điều chỉnh giãn lộ trình mức tăng nhằm tạo sức khỏe ổn định sản xuất cho doanh nghiệp – ông Huân chia sẻ.

Theo các chuyên gia, tăng lương tối thiểu là vấn đề lớn không chỉ đối với VN mà với tất cả các nước trong khu vực vì nó gắn liền với năng lực cạnh tranh quốc gia. Đặc biệt, khi lương tăng đòi hỏi năng suất lao động cũng phải tăng tương xứng. Do vậy, ngoài việc đảm bảo mức sống tối thiểu cho người lao động thì rất cần có những chính sách quan tâm đặc biệt đến phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, nâng cao trình độ, tay nghề cho người lao động để tăng năng suất lao động. Đây chính là đòn bẩy tăng thu nhập, tăng tiền lương cho người lao động.

Ông Bùi Sỹ Lợi – Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội:Cách tính lương tối thiểu chưa khách quan

 

Vấn đề tiền lương tối thiểu cần phải quay trở lại tiêu chí tiền lương. Tiền lương và tiền doanh nghiệp, chủ sử dụng lao động căn cứ vào số lượng và chất lượng công việc người lao động đảm nhiệm. Tiền lương tăng lên phải căn cứ vào tốc độ tăng năng suất lao động và trong nguyên tắc, bao giờ tốc độ tăng tiền lương cũng chậm hơn tăng năng suất lao động.

Do vậy, việc công bố mức tiền lương tối thiểu phải do một cơ quan Nhà nước là Tổng cục Thống kê – Bộ KHĐT xác định căn cứ vào nhu cầu lương thực, thực phẩm, nhu cầu về đời sống văn hóa tinh thần, nhà ở, nước, điện sinh hoạt… Phải có một bộ tiêu chí đánh giá rằng, trong một ngày tôi sử dụng hết bao nhiêu calo và số calo đó phải tương ứng với bao nhiêu tiền khi mua sản phẩm hàng hóa trên thị trường, lúc này sẽ không có sự tranh luận giữa các bên. Còn như hiện nay, ba bên với ba tiêu chí khác nhau cộng vào và chia bình quân là không khách quan.

Lê Phạm Thanh Tâm – Giám đốc Công ty TNHH MTV Quốc tế Letas:Tốc độ tăng lương cần bám sát tốc độ tăng năng suất lao động

 

Theo các số liệu thống kê, tốc độ tăng lương tối thiểu tại Việt Nam trong thời gian qua là tương đối cao. Cụ thể, nếu tính từ mốc năm 2005 thì tiền lương tối thiểu đã tăng từ mức 350.000 đồng/tháng lên mức 2.150.000 đồng/tháng vào năm 2015 (đối với vùng IV). Tổng mức tăng chung trong cả giai đoạn là 6,14 lần; tương đương mức tăng trung bình khoảng 20%/năm.

Trong khi đó, mức tăng năng suất lao động kể từ năm 2005 đến nay trung bình chỉ khoảng 3%/năm và theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới, chất lượng nguồn nhân lực của Việt Nam đạt mức 3,79 điểm (trong thang điểm 10), xếp hạng thứ 11 trong số 12 quốc gia được khảo sát tại châu Á.

Do đó, nếu cộng thêm tốc độ trượt giá của tiền đồng trong giai đoạn 2005-2015 ở mức gần 10%/năm, khoảng cách giữa tốc độ tăng lương và tốc độ tăng năng suất lao động vẫn là một con số rất lớn. Vậy nên, theo tôi, tốc độ tăng lương cần bám sát tốc độ tăng năng suất lao động cộng với tốc độ mất giá của đồng tiền. Nếu tốc độ tăng lương vượt quá xa so với tổng của hai biến số này, doanh nghiệp sẽ rơi vào tình trạng thua lỗ, thậm chí phá sản, tăng trưởng kinh tế sẽ chậm lại và thất nghiệp sẽ gia tăng.

Mai Thanh - Phan Nam

Diễn đàn doanh nghiệp

Các tin tức khác

>   Tổng sản phẩm nội địa trên địa bàn TP Hồ Chí Minh tăng 7,47% (21/06/2016)

>   Trong 5 tháng đầu năm đã tạo việc làm cho hơn 613,000 lao động (20/06/2016)

>   Việt Nam cần xây ba trụ cột để phát triển bền vững (16/06/2016)

>   Sếp doanh nghiệp Nhà nước có thể nhận lương từ 36 triệu đồng/tháng (16/06/2016)

>   Hà Nội phấn đấu tăng trưởng GRDP 2016-2020 đạt 9%/năm (15/06/2016)

>   “Vá lỗ hổng” về con số thống kê (15/06/2016)

>   Đổ nợ vì đua tiêu chí (14/06/2016)

>   Bỏ phiếu kín để bầu Thủ tướng nhiệm kỳ 2016-2021 (13/06/2016)

>   Nền kinh tế trước hai ngã rẽ (13/06/2016)

>   CPI tháng 6 tăng khoảng 0,32% (13/06/2016)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật