Thứ Tư, 15/06/2016 13:37

“Vá lỗ hổng” về con số thống kê

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ khi còn là Trưởng ban Kinh tế Trung ương đã từng thốt lên: “GDP tỉnh nào cũng tăng cao mà chỉ tiêu cả nước chỉ 5,5%, thì không biết GDP chạy đi đâu?”. Nhận xét này cho thấy sự bất cập trong các con số thống kê.

GDP “chạy đi đâu”?

GDP là chỉ tiêu kinh tế vĩ mô được đa số các nước trên thế giới dùng để tính cho toàn bộ nền kinh tế, trên phạm vi cả nước. Tuy nhiên, có một số nước như Trung Quốc, Indonesia, Thái Lan và Việt Nam lại tính GDP cho phạm vi cấp tỉnh.

Một số nước tính GDP cho phạm vi cấp tỉnh đã dẫn đến những con số chênh lệch “dở khóc, dở cười”

Chính sự vận dụng “sáng tạo” này đã dẫn đến những con số chênh lệch “dở khóc, dở cười”.

Đơn cử, năm 2011, GDP của cả nước do Tổng cục Thống kê biên soạn và công bố, được các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong nước và quốc tế thống nhất sử dụng chỉ tăng 6,24% so với năm 2010. Trong khi đó, tốc độ tăng Tổng sản phẩm trong nước của địa phương (GRDP) hầu hết đều cao hơn tốc độ tăng chung của cả nước.

Trong số 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ 2 địa phương có tốc độ tăng GRDP thấp hơn cả nước; 61 địa phương khác cao hơn tốc độ tăng 6,24% do Tổng cục Thống kê công bố, trong đó 27 địa phương có tốc độ tăng trên 10%.

Nếu tính theo số liệu GRDP do địa phương tính toán và công bố thì tốc độ tăng GDP của cả nước năm 2011 lên tới 10,81%, gấp 1,73 lần tốc độ tăng chung do Tổng cục Thống kê biên soạn và công bố.

Tương tự, tốc độ tăng GDP của cả nước tính từ số liệu GRDP của các địa phương năm 2012 là 9,13%, gấp 1,74 lần so với tốc độ tăng 5,25% do Tổng cục Thống kê biên soạn. Đáng chú ý là mặc dù năm 2012 kinh tế thế giới và kinh tế nước ta tiếp tục gặp khó khăn, nhưng không có địa phương nào biên soạn và công bố tăng trưởng GRDP thấp hơn tốc độ tăng 5,25% của cả nước, thậm chí vẫn có 21 địa phương tăng GRDP trên 10%.

Tại một hội thảo về con số thống kê được tổ chức tháng 9/2013, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ khi đó là Trưởng ban Kinh tế Trung ương cũng tỏ ra băn khoăn: “GDP tỉnh nào cũng tăng cao mà chỉ tiêu cả nước chỉ 5,5%, thì không biết GDP chạy đi đâu?”.

Còn nguyên Phó thủ tướng Vũ Khoan chia sẻ: “Thú thật, tôi thấy các con số thống kê nó thế nào ấy, tôi không dám tin. Nợ xấu đố ai biết chính xác ra sao, tôi không dám tin con số nào vì hôm nay nói thế này mai lại nói thế khác… Nếu cứ căn cứ vào những con số này để phân tích thì đi đến đâu?”.

Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong, sự bất cập của các con số thống kê đang gây ra rất nhiều bức xúc và những hệ quả. Một là nó không cho phép so sánh và đánh giá chính xác thực trạng của các ngành kinh tế ngay cả những con số về nợ, con số liên quan đến hiệu quả và sự phát triển của nền kinh tế cũng như các vấn đề khác. Thứ hai, từ việc không nắm chắc được thực tế thì đưa ra những phân tích và kết luận không xác đáng, và từ đó nó gây hệ quả đến các đề xuất về chính sách quản lý của các cơ quan chức năng và kể cả từ Chính phủ… thậm chí gây ra sự lệch lạc của các quyết sách gắn với những con số không chính xác.

Nguyên nhân do đâu

Lý giải về tình trạng “vênh” giữa GDP và GRDP, ông Nguyễn Bích Lâm – Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho biết, việc có sự chênh lệch số liệu GDP của toàn bộ nền kinh tế và tổng GRDP của 63 tỉnh, thành phố là do thông tin đầu vào để biên soạn số liệu còn nhiều bất cập. Sự phát triển KT-XH ở nước ta diễn ra rất nhanh trong thời gian qua, doanh nghiệp hình thành và phát triển năng động, luôn luôn có xu hướng mở rộng sản xuất. Nhiều doanh nghiệp đăng ký kinh doanh tại một tỉnh, nhưng lại hoạt động ở nhiều tỉnh khác. Điều đó dẫn đến trường hợp các tỉnh đã tính trùng kết quả sản xuất của một đơn vị kinh tế trong số liệu đầu vào.

Các địa phương cũng còn gặp khó khăn trong thu thập thông tin của các đơn vị hạch toán toàn ngành như ngân hàng, bảo hiểm, hàng không, đường sắt, điện lực, bưu chính – viễn thông, thuế nhập khẩu chia theo tỉnh… Việc bóc tách riêng biệt cho từng địa phương đối với một số lĩnh vực kinh doanh có các chi nhánh trên địa bàn nhiều tỉnh, thành phố hoặc xác định kết quả sản xuất của những lĩnh vực hạch toán toàn ngành cho từng địa phương rất phức tạp, dẫn đến tình trạng tính trùng, bỏ sót giữa các địa phương và giữa địa phương và trung ương.

Mặt khác, sự hợp tác trong cung cấp thông tin của doanh nghiệp cho ngành thống kê còn bất cập, nhất là các doanh nghiệp có hoạt động sản xuất kinh doanh ở nhiều địa bàn, với nhiều lĩnh vực nhưng không bóc tách thông tin để cung cấp theo yêu cầu phiếu điều tra thống kê.

Ngoài ra, việc tính chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế của một số địa phương cũng chịu nhiều áp lực của mục tiêu phát triển KT-XH từng giai đoạn và kế hoạch phát triển hằng năm mà Đại hội Đảng bộ cấp tỉnh và Nghị quyết HĐND đề ra. Do mắc “bệnh thành tích” nên hầu hết Nghị quyết Đảng bộ cấp tỉnh đều đặt chỉ tiêu tăng trưởng GRDP của địa phương cao hơn nhiều so với nguồn lực và mục tiêu tăng trưởng GDP của toàn quốc.

Giải pháp “vá” lỗ hổng

Từ phân tích trên cho thấy, sự chênh lệch giữa GRDP so với GDP trong những năm qua chủ yếu là do việc thực hiện thu thập thông tin không đồng nhất giữa Tổng cục Thống kê và các Bộ, ngành, địa phương

Do vậy, ngày 22/5/2015, Thủ tướng chính phủ đã phê duyệt Đề án “Đổi mới quy trình biên soạn số liệu tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương” với kỳ vọng sẽ tạo ra những chuyển biến theo hướng tích cực,

Theo đó, Tổng cục Thống kê trực tiếp biên soạn và công bố số liệu GDP và GRDP theo nguyên tắc cùng một nguồn thông tin, cùng một phương pháp tính, cùng một cơ quan tính.

Lộ trình thực hiện, năm 2015, các địa phương tiếp tục tính toán, công bố và sử dụng số liệu GRDP theo quy trình hiện hành để đảm bảo tính thống nhất với các năm trước. Năm 2016, Tổng cục Thống kê chủ trì, phối hợp với các Cục Thống kê tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương biên soạn và công bố số liệu GRDP.

Từ năm 2017 trở đi, Tổng cục Thống kê biên soạn và công bố số liệu GRDP, các Cục Thống kê tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thu thập thông tin đầu vào trên địa bàn báo cáo Tổng cục Thống kê. Hy vọng với phương pháp tính mới này sẽ tạo nên bức tranh đồng nhất về GDP và GRDP, góp phần giúp các nhà hoạch định chính sách có cái nhìn sát với thực tế, đưa ra các quyết sách khả dụng để thúc đẩy kinh tế phát triển.

Tuấn Thành

diễn đàn doanh nghiệp

Các tin tức khác

>   Đổ nợ vì đua tiêu chí (14/06/2016)

>   Bỏ phiếu kín để bầu Thủ tướng nhiệm kỳ 2016-2021 (13/06/2016)

>   Nền kinh tế trước hai ngã rẽ (13/06/2016)

>   CPI tháng 6 tăng khoảng 0,32% (13/06/2016)

>   “Cắn răng” giữ giá (10/06/2016)

>   Danh sách 496 đại biểu Quốc hội khoá XIV (10/06/2016)

>   TPHCM “xây tổ” để thu hút các cánh chim đầu đàn (09/06/2016)

>   Quốc hội khoá mới: 496 đại biểu, một người là nông dân (09/06/2016)

>   Thủ tướng trúng cử Quốc hội với 99,48% phiếu thuận (09/06/2016)

>   Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5/2016 (09/06/2016)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật