Cục Dược “câu giờ” để doanh nghiệp “xả” hàng?
Việc Cục quản lý dược (Bộ Y tế) ra văn bản gia hạn thêm 7 tháng trước khi cấm sản phẩm lưu thông hoàn toàn khiến dư luận nghi ngờ Cục này đang tiếp tay cho các doanh nghiệp tiêu thụ hết các sản phẩm mỹ phẩm có chứa chất gây mẫn cảm tới tay người tiêu dùng.
Quyết định gia hạn của Cục Dược đã cho các doanh nghiệp mỹ phẩm 7 tháng “vàng ngọc”?
|
Những động thái “lạ” của Cục Dược
Sau khi Báo PLVN có bài phản ánh tình trạng mỹ phẩm gây hại tràn lan nhưng doanh nghiệp “chây ỳ” không chịu thu hồi, dư luận, đặc biệt là người tiêu dùng hết sức ủng hộ.
Theo tìm hiểu của PLVN, việc điều chỉnh hàm lượng MIT và MCT có trong mỹ phẩm là để kiểm soát nguy cơ có thể gây nhạy cảm da. Theo Liên minh Châu Âu, nguy cơ của việc gây nhạy cảm da đến từ các sản phẩm lưu lại trên da thay vì các sản phẩm rửa sạch, chính vì thế các thành phần này đã bị cấm sử dụng trên các sản phẩm trên da.
Đây là vấn đề liên quan đến sức khỏe người tiêu dùng, bởi thế ngày 13/4/2015, Cục quản lý Dược đã ra văn bản cập nhật và quy định lại hàm lượng một số chất sử dụng trong mỹ phẩm, trong đó có các chất MIT và MCT.
Theo văn bản này, thời hạn công bố đối với các sản phẩm mới sản xuất trong nước, nhập khẩu sẽ được tính đến hết ngày 1/7/2015. Còn đối với các sản phẩm chưa đáp ứng quy định mới, chỉ được phép lưu thông trên thị trường đến hết ngày 30/4/2016.
Tuy nhiên, tới cận ngày cấm lưu thông, Cục Quản lý Dược bất ngờ có văn bản kéo dài thời hạn thêm 7 tháng, cho phép tiêu thụ trên thị trường các sản phẩm chưa đạt tiêu chuẩn đến hết tháng 11/2016.
Nhiều người tiêu dùng cảm thấy bức xúc và cho rằng động thái gia hạn này của Cục quản lý Dược nhằm mục đích “tạo điều kiện” cho các doanh nghiệp tiêu thụ hết các sản phẩm mỹ phẩm chứa chất gây nhạy cảm tới tay người tiêu dùng, thậm chí “mở cửa” để nhập khẩu, sản xuất thêm sản phẩm trước khi lệnh cấm đến hạn.
Để bảo vệ sức khỏe, quyền lợi người tiêu dùng, là cơ quan tham mưu cho Bộ trưởng Bộ Y tế trong việc quản lý chất lượng mỹ phẩm trong cả nước, đáng lẽ Cục quản lý Dược hơn ai hết cần phải có biện pháp mạnh tay đối với doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh mỹ phẩm; thay vì thái độ nước đôi, thiếu kiên quyết như đã nêu.
Sau khi Báo PLVN phản ánh sự việc như trên, phóng viên đã nhận được email của một người xưng danh là cán bộ truyền thông của Cục Quản lý Dược đòi yêu cầu báo đính chính, cho rằng nội dung báo nêu là “cá nhân, suy luận”…
Thậm chí email này còn “đòi” báo đăng tải theo ý kiến của cá nhân người này mặc dù cán bộ đó không phải là người phát ngôn của Bộ Y tế hay của Cục quản lý Dược.
Hiệp hội Mỹ phẩm “vỗ tay”
Trước vấn đề đang thu hút sự quan tâm của dư luận, Hiệp hội tinh dầu hương liệu Mỹ phẩm Việt Nam (gọi tắt là Hiệp hội mỹ phẩm) cũng phát đi văn bản được cho rằng là đại diện tiếng nói cho các doanh nghiệp là thành viên của Hiệp hội này đang làm ăn, buôn bán trong lĩnh vực mỹ phẩm tại Việt Nam.
Theo đó, văn bản này giải thích lý do điều chỉnh hàm lượng chất bảo quản trong mỹ phẩm, cho rằng chưa có báo cáo xác thực nào về việc các chất bảo quản này có thể gây mất an toàn… “Việc thay đổi quy định chỉ nhằm điều chỉnh hàm lượng cho phép sử dụng của hai thành phần nói trên, chứ không “cấm” sử dụng các thành phần này, do đây là hai chất bảo quản đang được sử dụng rộng rãi trên thế giới, và chưa có bằng chứng về sự mất an toàn”, văn bản gửi báo viết.
Cũng theo Hiệp hội này, do chưa có cơ sở khoa học về sự mất an toàn của 2 chất bảo quản nêu trên khi sử dụng với hàm lượng cao như quy định trước đây, Cơ quan chức năng Châu Âu cũng đã đưa ra một lộ trình 20 tháng để doanh nghiệp có thể chuyển đổi và điều chỉnh hàm lượng trong công thức.
Hiệp hội này cho rằng việc Cục Quản lý Dược quyết định lùi thời hạn áp dụng là “phù hợp với lộ trình Châu Âu cũng như các nước thành viên trong khu vực Asean”.
Việc ra văn bản gia hạn thêm 7 tháng của Cục quản lý Dược và văn bản “vỗ tay” của Hiệp hội Mỹ phẩm trong câu chuyện này có gì liên quan đến nhau? PLVN sẽ thông tin trong các số báo tiếp theo.
Phi Hùng
pháp luật việt nam
|