Doanh nghiệp “kêu trời” vì Thông tư 37
Mục đích của Thông tư 37/2015/TT-BCT là bảo vệ người tiêu dùng Việt trước sự tấn công của hàng dệt may ngoại giá rẻ và chất lượng có vấn đề! Đó là thứ sản phẩm vừa ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân vừa “tiêu diệt” ngành Dệt may trong nước.
Thông tư 37 quy định và hướng dẫn kiểm tra hàm lượng formaldehit và amin thơm chuyển hóa từ thuốc nhuộm azo trong sản phẩm dệt may.
Sau một thời gian thực hiện, những tưởng Thông tư 37 thay thế Thông tư 32 sẽ gỡ khó cho doanh nghiệp (DN), nhưng gỡ đâu thì chưa thấy mà lại làm cho DN bức xúc do nhiều bất cập trong các quy định: Tốn nhiều thời gian cho một lô hàng nhập (chờ kiểm tra để thông quan), phí giám định cao… Trung bình mỗi năm, mỗi DN dệt may phải chi 1 tỷ đồng, trong khi có hàng nghìn DN cho nên phải tốn hàng nghìn tỷ chi phí kiểm định và các dịch vụ khác.
DN đã khốn khổ, ngành Hải quan cũng “kêu” bị vạ lây do áp lực công việc tăng.
Vừa qua, hội thảo trao đổi tình hình thực hiện Thông tư 37 đã được Bộ Công thương tổ chức. Nhiều “ông lớn” dệt may như Công ty May Nhà Bè, Công ty May 10… bức xúc vì họ đã có nhiều văn bản đóng góp cho Dự thảo Thông tư 37, nhưng đáng tiếc Bộ Công thương không tiếp thu và dẫn đến hệ lụy buồn.
Nhiều chuyên gia kinh tế thẳng thắn nêu quan điểm: Nên đình chỉ thực hiện Thông tư 37 bởi không đáp ứng yêu cầu và thậm chí “tréo ngoe” với Nghị quyết 19 về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cho DN, cụ thể: “Cải cách toàn diện các quy định về môi trường kinh doanh, về quản lý chuyên ngành đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu phù hợp với thông lệ quốc tế chuyển căn bản sang hậu kiểm”.
Đại diện Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam chia sẻ: Vừa qua, tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4/2016 (ngày 5/5) Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu các thành viên Chính phủ tập trung thảo luận về các giải pháp đảm bảo mục tiêu tăng trưởng 6,7%, lạm phát ở mức 5% trong năm nay. Mục tiêu là vậy nhưng DN nói chung cũng như ngành Dệt may nói riêng đang gặp khó bởi DN đang chịu mức thuế và phí quá cao (chiếm tới 40% lợi nhuận của DN). Mức thuế và phí này cao hơn rất nhiều so với các nước trong khu vực và thế giới. Do vậy, DN Việt sẽ giảm sức cạnh tranh. Bởi vậy, điều chỉnh kịp thời Thông tư 37 cũng là 1 giải pháp san sẻ bớt gánh nặng của DN.
Đại diện Viện Dệt may Việt Nam cho rằng: Vướng mắc ở Việt Nam là do nhiều DN chưa yêu cầu được các nhà cung cấp chuẩn bị được hồ sơ chứng nhận về hệ thống an toàn. Vì vậy, ngay cả các cơ quan Việt Nam cũng rất khó để biết lô hàng đã đáp ứng yêu cầu hay chưa, thực hiện các bước tốn thời gian làm ảnh hưởng đến quá trình giải phóng hàng hóa.
Lãnh đạo Tập đoàn Dệt may Việt Nam cho rằng, mong muốn lớn nhất của các DN là sửa đổi thế nào để chi phí thời gian kiểm tra ngắn nhất và thủ tục đơn giản nhất. Mong muốn là vậy nhưng vẫn có cái khó bởi có sự tham gia liên ngành giữa Hải quan và cơ quan chuyên ngành. Do vậy, cần tăng cường sự phối hợp chặt chẽ và hiệu quả thì mới giải quyết được vấn đề thời gian và thủ tục.
Trước sự phản ứng dồn dập của cộng đồng DN dệt may, Bộ Công thương cho biết sẽ tiến hành rà soát đánh giá lại quá trình thực hiện Thông tư 37, từ đó xem xét và điều chỉnh, sửa đổi Thông tư này.
Thế Lữ
Thanh tra
|