Chu kỳ - Yếu tố quan trọng bậc nhất đối với nhà đầu tư
Yếu tố chu kỳ xuất hiện không chỉ ở thị trường chứng khoán mà ở cả trong nông nghiệp, xây dựng... Theo thời gian, nhà đầu tư ngày càng nhận ra sự quan trọng của yếu tố này đối với quá trình đầu tư của mình.
Chu kỳ là gì?
Theo quan niệm thông thường, chu kỳ là khoảng thời gian giữa hai lần lặp lại liên tiếp của một sự việc, hay thời gian để kết thúc một vòng quay. Các nhà nghiên cứu đã nhận thấy thị trường luôn tăng rồi giảm theo chu kỳ. Trong một số trường hợp, nguồn gốc hay nguyên nhân của những chu kỳ không rõ ràng hoặc do quá nhiều yếu tố tác động.
Các nhà nghiên cứu đã quan sát vị trí của mặt trời và các hành tinh, lượng mưa tại thành phố New York, độ nghiêng của trái đất, các kỳ bầu cử… để đặt tên cho một trong những nguyên nhân đó. Tuy nhiên, việc nắm rõ sự biến động của chu kỳ không phải là dễ dàng.
Các lưu ý khi nghiên cứu Chu kỳ
Có một khoảng cách thời gian giữa chu kỳ của thị trường và chu kỳ của nền kinh tế thực. Thông thường, thị trường tài chính sẽ có xu hướng tăng trưởng và suy thoái sớm hơn nền kinh tế thực nên các nhà đầu tư cần lưu ý điều này để có thể phản ứng kịp thời.
Chu kỳ thường được xác định bởi khoảng cách giữa hai đáy. Vì vậy các công cụ đo đạc thường dựa trên đặc tính này để thiết lập các tính toán cho chu kỳ mới.
Ví dụ dưới đây của NLG - CTCP Đầu Tư Nam Long cho thấy chu kỳ tạo đáy của cổ phiếu này vào khoảng 5-6 tháng/lần trong những năm gần đây.
Các loại Chu kỳ
Kondratieff Waves. Nicolas D. Kondratieff, một nhà kinh tế người Nga, nghiên cứu giá cả hàng hóa trong thập niên 1920. Ông phân tích giá cả hàng hóa nông nghiệp châu Âu, giá kim loại đồng từ thế kỷ thứ mười tám và nhận thấy tồn tại một chu kỳ khoảng 50 năm. Sau đó ông đưa ra giả thuyết rằng có chu kỳ dài trong hoạt động kinh tế ở các nước tư bản.
Các chu kỳ dài 50-60 năm mà ông đo được gọi là sóng Kondratieff (hoặc “Sóng K"). Giáo sư kinh tế học ở ĐH Harvard, Joseph Alois Schumpeter ủng hộ ý tưởng của Kondratieff trong những năm 1930.
Chu kỳ 34 năm. Dữ liệu lịch sử cho thấy rằng có tồn tại chu kỳ 34 năm gồm: một thời kỳ 17 năm “giằng co, trầm lắng” liên tục và theo sau là một khoảng thời gian 17 năm bứt phá và tăng trưởng. Trong giai đoạn 17 năm sau thì việc nắm giữ cổ phiếu liên tục sẽ dễ mang đến thành công hơn là lướt sóng.
Trong giai đoạn 1982-2000, triết lý Buy & Hold thịnh hành và thu được nhiều lợi nhuận nhất. Warren Buffett, một trong những người giàu nhất thế giới, không biết các phương pháp phân tích kỹ thuật. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng ông đã sử dụng chu kỳ 17 năm trong kế hoạch đầu tư của mình.
Chu kỳ 10 năm. Trong cuốn sách Tides (1939), Edgar Lawrence Smith trình bày khái niệm về một chu kỳ thị trường chứng khoán 10 năm. Lý thuyết của Smith là kết quả từ lý thuyết chu kỳ 40 tháng Wesley Mitchell và lý thuyết mùa vụ. Ông giả thuyết rằng phải có 1 chu kỳ 10 năm hoặc 120 tháng tồn tại.
Lý thuyết Smith cho rằng những năm có số đuôi 3, 7 và 10 (và đôi khi 6) thường là năm đi xuống. Năm có số đuôi 5, 8, 9 hầu hết đều tăng. Smith đã không bắt đầu vào tháng 1 mà ông bắt đầu đầu năm từ tháng 11.
Ông cố gắng tìm lý giải bằng cách thống kê nghiên cứu mặt trời, lượng mưa trung bình, áp suất và thiên tai… Ông tin rằng thời tiết có thể thay đổi tâm lý con người. Sau đó, người ta cũng chấp nhận rằng thời tiết có ảnh hưởng nhất định đến sức khỏe và bệnh tật. Do đó, nó cũng sẽ khiến cho con người trở nên lạc quan hay bi quan. Điều này từng được đề cập bởi Hippocrates, ông tổ của ngành y.
Chu kỳ 4 năm. Wesley C. Mitchell (1874-1948), giáo sư kinh tế và là một trong những người sáng lập của Văn phòng Nghiên cứu Kinh tế Quốc gia (NBER), là người khởi của lý thuyết chu kỳ 40 tháng.
Ông thực nghiệm và phát hiện ra rằng nền kinh tế Mỹ trong giai đoạn 1796-1923 bị suy thoái trung bình 40 tháng/lần hoặc khoảng bốn năm/lần (không bao gồm bốn cuộc chiến tranh). Chu kỳ này cũng trùng với chu kỳ bầu cửa Tổng thống Mỹ nên còn được gọi là Presidential Election Cycle./.
|