Thứ Sáu, 10/06/2016 14:35

Chống ngập: nâng hay hạ?

Cùng với các giải pháp khác, TP.HCM cần phải thay đổi tư duy chống ngập. Và có lẽ đến lúc cần nghiêm túc nghĩ đến một hệ thống chứa nước dưới lòng đất như của Toky, không lớn bằng thì cũng cỡ 1/2, 1/3. 

* TPHCM: 437 triệu đô la Mỹ giảm rủi ro ngập nước

* Giải pháp mới cho chống ngập nước ở TP.HCM

Lâu nay, TP.HCM chú trọng chống ngập bằng cách tạo độ chênh giữa các code để nước thoát đi từ nơi cao xuống nơi thấp. Cung cách phổ biến nhất là ngập đâu nâng đó. Nâng đường trục, nâng đường nhánh, nâng hẻm, được một vài năm tạm ổn thì sau đó nước mưa kết hợp với triều cường dâng cao hơn, từ 1.5m năm 2000 nay đã là 1.72m.

Vậy là cuộc đua nâng đường, hẻm, nhà không bao giờ có hồi kết, nâng rồi lại nâng, có cung đường nâng đến 4-5 lần rốt cuộc vẫn ngập và một kết cục bi thảm khác là nhà lại thành hầm. Nếu tiếp tục đổ tiền vào nâng nữa thì e rằng đi vào ngõ cụt.

Nên biết trước năm 1990, Tokyo cũng bị ngập liên miên nhưng khác với chúng ta, thay vì nâng cao thì họ lại tiến hành hạ xuống. Năm 1992, thành phố Tokyo quyết định xây một tổ hợp chứa nước mưa, nước lũ cực kỳ lớn và sâu dưới vùng Saitama, ngoại ô Tokyo.

Toàn bộ nước mưa, nước lũ được dồn vào trong một hầm chứa khổng lồ rộng hơn một sân bóng đá (dài 177m, rộng 78m, cao khoảng 25m) và được liên thông với một hệ thống đường hầm thoát dài 6.4km chuyển nước ra sông Edogawa.

Tổ hợp những đường hầm khổng lồ này được xây dựng từ năm 1992 đến 2006, tiêu tốn khoản tiền gần 3 tỉ USD. Quả là tốn kém, nhưng đổi lại công trình kiến trúc này đã bảo vệ được cuộc sống của 20 triệu cư dân và hệ thống các công trình ngầm. Chính nhờ nó mà hệ thống tàu điện ngầm nhiều lớp với hàng trăm ga được vận hành an toàn.

Việc chống ngập bằng cách thu gom nước đưa vào hầm chìm hoặc hở được rất nhiều thành phố sử dụng ở các quy mô khác nhau như ở Hà Lan, Indonesia, Malaysia.

Cùng với các giải pháp khác đang triển khai như thay hệ thống cống có tiết diện lớn hơn, làm đê bao, làm các van hai chiều, lập các trạm bơm di động thì TP.HCM cần phải thay đổi tư duy chống ngập, thay vì nâng lên thì nay phải hạ xuống.

Tất nhiên chúng ta không có nhiều tiền như Nhật Bản để làm ra những hầm khủng, nhưng hoàn toàn có thể đưa nước xuống các hồ tương đối lớn ở trên mặt và dưới lòng đất.

Ở những nơi ngập sâu và rộng như Bàu Cát, Phú Lâm, Hiệp Bình Chánh, Khánh Hội có thể làm hầm chứa nước kín được thiết kế bên dưới công viên, vườn hoa, bãi đậu xe, hoặc các hồ sinh thái có nước mặt hở.

Việc làm hồ điều tiết tốt không chỉ giải quyết được bài toán ngập nước, mà còn góp phần trả nước về bổ sung cho lượng nước ngầm hiện đang bị thiếu hụt trầm trọng, phần khác dùng để tưới cây (hiện nay tưới cây, thảm cỏ bằng nước từ thủy cục rất lãng phí) và hơn nữa, chúng còn góp phần làm mát vào mùa nóng, tạo cảnh quan cây xanh.

Bên cạnh việc tạo ra các hồ chứa trữ nước tạm, bằng mọi giá TP.HCM phải khơi thông lại hệ thống kênh rạch, các kênh xuyên tâm và kênh trục như kênh Tham Lương - Bến Cát, rạch Bà Tiếng, Thủ Đào, Ông Bé và Thầy Tiên.

Việc khôi phục dòng kênh Tân Hóa - Lò Gốm thành công hay tái sinh kênh Hàng Bàng là một trong những thành quả đáng ghi nhận của TP.HCM.

Có lẽ đến lúc chúng ta cần nghiêm túc nghĩ đến một hệ thống chứa nước dưới lòng đất như của Tokyo, có thể không lớn bằng thì cũng cỡ 1/2 hay 1/3.

Việc chống ngập lẻ mẻ, manh mún như nông dân đắp bờ như hiện nay vừa tốn kém tiền bạc, gây phiền phức cho đời sống cư dân mà hiệu quả quá thấp, chẳng thà tốn một lần cho đáng nhưng mang lại tương lai tốt đẹp cho con cháu mai sau.

TS  Nguyễn Minh Hòa

Tuổi trẻ

Các tin tức khác

>   Bất động sản trung tâm và “kinh thánh” đầu tư của Warren Buffett (10/06/2016)

>   Lộ diện chủ mới của khách sạn Tổng thống Obama lưu trú tại TP. HCM (10/06/2016)

>   Giải quyết thoát nước tại sân bay Tân Sơn Nhất (10/06/2016)

>   Xây dựng ngưỡng an toàn về nợ vay ODA giai đoạn 2016-2020 (10/06/2016)

>   Thanh tra toàn diện Khu vui chơi giải trí Park City (10/06/2016)

>   HUDLAND: Thâu tóm Hà Thành, "ôm gọn" dự án tại Bắc Ninh (10/06/2016)

>   Vì sao tiền sử dụng đất lại là ...ẩn số khó đoán? (10/06/2016)

>   Hà Nội công bố 10 dự án được “bán nhà trên giấy” (10/06/2016)

>   Thành phố Hà Nội kêu gọi các dự án xã hội hóa bãi đỗ xe (09/06/2016)

>   TPHCM tiếp tục triển khai Dự án Khu tái định cư quận Bình Thạnh (10/06/2016)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật