Vì sao người nắm giữ “Hồ sơ Panama” quyết định tiết lộ toàn bộ sự thật?
Người đứng sau Hồ sơ Panamas hôm thứ Sáu vừa qua đã cho biết chính mối lo ngại về sự bất bình đẳng trên toàn cầu đã khiến anh tiết lộ hơn 11 triệu tài liệu cho giới truyền thông, CNNMoney đưa tin.
* Ông Nguyễn Duy Hưng có tên trong hồ sơ Panama, SSI nói gì?
* 189 cá nhân và tổ chức tại Việt Nam trong hồ sơ Panama
Sự rò rỉ của Hồ sơ Panama hồi tháng trước đã làm “dậy sóng” cả thế giới. Những bản tin dựa trên các tài liệu được lấy trộm từ một công ty luật quốc tế đã cáo buộc nhiều quan chức hàng đầu trên thế giới từng giấu tài sản tại các công ty bí mật ở nước ngoài. Và những người có tên trong số hồ sơ ấy dĩ nhiên là phản đối dữ dội.
Người tiết lộ Hồ sơ Panama, trong một lá thư dài 1,800 từ mới đây, vẫn giấu tên và không tiết lộ bất kì thông tin cá nhân nào, kể cả giới tính, dù rằng tài liệu này được ký tên là “John Doe.” Anh cũng phủ nhận các cáo buộc cho rằng mình là gián điệp.
“Hiện tôi không làm việc trực tiếp hay theo hợp đồng cho bất kì Chính phủ hay cơ quan tình báo nào, và cũng không bao giờ làm thế”, anh nói.
Trong dòng mở đầu, anh viết: “Sự bất bình đẳng về thu nhập là một trong những vấn đề hạn chế của thời đại chúng ta”.
“Quan điểm này là hoàn toàn của riêng tôi, và chính là quyết định khiến tôi chia sẻ các tài liệu đó... không phải vì bất kì mục đích chính trị cụ thể nào, mà chỉ là vì tôi đã hiểu đủ về những nội dung trong đó để nhận thấy được mức độ bất công mà chúng mô tả”.
“Người bí ẩn” xin được dành các tài liệu đó cho các Chính phủ và những nhà điều tra tùy nghi sử dụng kèm theo một số điều kiện. Anh cho rằng các Chính phủ trên khắp thế giới phải bảo vệ “những người thổi còi” nhiều hơn nữa, vì họ “xứng đáng được miễn sự trừng phạt từ Chính phủ”.
“John Doe” cho biết vụ rò rỉ này đã khởi đầu cho “một cuộc tranh luận toàn cầu mới, có tính khích lệ cao”.
Người thổi còi này đã công bố bức thư trên cho Hiệp hội Các nhà báo Điều tra Quốc tế (ICIJ). Tạp chí Suddeutsche Zeitung của Đức nói rằng họ đã xác minh được những lời trên đúng là từ người đã tiết lộ Hồ sơ Panama.
Toàn bộ bộ hồ sơ trên, kể cả các email, tài liệu, và những dữ liệu về khách hàng được cho là bị lấy trộm từ Công ty Mossack Fonseca, một công ty luật ở Panama. Công ty này nói rằng họ đã không hề làm điều gì sai trái và thậm chí còn phủ nhận một số cá nhân được nêu tên trong đó không phải là khách hàng của họ./.
|