TPHCM sẽ có chính sách riêng cho công nghiệp hỗ trợ
Xuất khẩu hàng hóa từ TPHCM sang một số thị trường châu Á tăng mạnh trong 5 tháng đầu năm 2016; Thị trường tiền tệ, hoạt động các ngân hàng trên địa bàn thành phố tiếp tục ổn định; Và đáng chú ý, trong tháng 6, thành phố sẽ ban hành quyết định về hỗ trợ kích cầu riêng cho lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ. Đó là ba nội dung chính trong cuộc họp về kinh tế-xã hội TPHCM 5 tháng đầu năm diễn ra sáng nay, 30-5.
Tính chung 5 tháng đầu năm 2016, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ trên địa bàn thành phố ước đạt 288.550 tỉ đồng, tăng 11,2% so với cùng kỳ năm ngoái.
Ông Sử Ngọc Anh, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TPHCM, phát biểu tại cuộc họp sáng nay. Ảnh: Văn Nam
|
Xuất khẩu sang châu Á tăng mạnh
Báo cáo tình hình kinh tế-xã hội, ông Sử Ngọc Anh, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, cho biết trong 5 tháng đầu năm kim ngạch xuất khẩu của thành phố đạt gần 12 tỉ đô la Mỹ, chỉ tăng 1,2% so với cùng kỳ. Nếu không tính giá trị dầu thô, kim ngạch đạt gần 11 tỉ đô la Mỹ, tăng 7,1% so cùng kỳ.
Tuy nhiên, xuất khẩu của thành phố đến một số thị trường tăng nhanh, như xuất khẩu sang Trung Quốc tăng 37,3%, Hàn Quốc tăng gần 16%, Hồng Kông tăng 16,6%, Indonesia tăng 163,7%, Hà Lan tăng 22,3%, Ấn Độ tăng 20,8%. Trong khi đó, hàng hóa xuất sang một số thị trường bị chậm lại như Nhật Bản, Malaysia, Úc, Singapore, Thái Lan.
TPHCM trong 5 tháng đầu năm nhập khẩu 14 tỉ đô la Mỹ hàng hóa, tăng 9,2% so cùng kỳ. Hàng hóa nhập khẩu chủ yếu là trang thiết bị, nguyên vật liệu cho sản xuất như dược phẩm, sản phẩm điện tử và linh kiện, ô tô nguyên chiếc các loại.
Thị trường tiền tệ và hoạt động ngân hàng tại thành phố trong 5 tháng đầu năm vẫn ổn định và tăng trưởng tốt, huy động vốn và dư nợ tín dụng đều tăng so cuối năm 2015 và tăng cao so cùng kỳ.
Cụ thể, tổng huy động vốn của các tổ chức tín dụng trên địa bàn đến cuối tháng 5 ước đạt 1.637.000 tỉ đồng, tăng 4,46% so cuối năm 2015 và tăng gần 20% so cùng kỳ. Tổng dư nợ tín dụng đến cuối tháng 5 đạt 1.297.000 tỉ đồng, tăng 5% so cuối năm 2015 và tăng 16,23% so cùng kỳ. Tỷ lệ nợ xấu đến cuối tháng 3-2016 tăng so đầu năm, chiếm 4,02% trong tổng dư nợ, tăng 0,12 điểm phần trăm so cuối năm 2015.
Theo ông Sử Ngọc Anh, trong tháng 6 thành phố tiếp tục thực hiện các giải pháp đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, cải thiện môi trường đầu tư để thu hút nguồn lực trong và ngoài nước.
Bên cạnh đó, thành phố sẽ đẩy mạnh xúc tiến thương mại, dịch vụ, mở rộng thị trường theo hướng tập trung thu hút đầu tư, phổ biến các nội dung, hỗ trợ hiệu quả cho doanh nghiệp tích cực, chủ động chuẩn bị thực hiện Hiệp định đối tác chiến lược kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP), Cộng đồng kinh tế ASEAN, các Hiệp định thương mại tự do (FTA).
Sớm cải thiện chất lượng phục vụ doanh nghiệp
Phát biểu tại cuộc họp, ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND thành phố, cho rằng tốc độ phát triển kinh tế trong 5 tháng đầu năm tiếp tục tăng trưởng khá, trong đó công nghiệp, thương mại, dịch vụ đều tăng khá. Chỉ số giá tiêu dùng bình bình quân 5 tháng so cùng kỳ tăng 0,86% (mức tăng cao hơn cùng kỳ năm ngoái là 0,63%).
Ông Phong cũng lưu ý các sở ngành xem xét kỹ tính cạnh tranh của thị trường bán lẻ tại thành phố hiện nay có bị chi phối lớn bởi các nhà đầu tư nước ngoài hay không vì điều này ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất của doanh nghiệp trong nước.
Nêu ý kiến về việc này, ông Võ Văn Hoan, Chánh văn phòng UBND thành phố, cho rằng thị trường bán lẻ đang bị “tấn công” rất tinh vi, tấn công từ bên trong, các doanh nghiệp nước ngoài hình thành nên mạng lưới, họ làm cả một chuỗi sản phẩm để đưa ra thị trường.
Ông Hoan đề xuất trong tháng 6 tới cần nhóm lại các lĩnh vực cần hỗ trợ theo từng ngành cụ thể. Hình thành kế hoạch riêng để hỗ trợ doanh nghiệp về vốn, thị trường, sản phẩm cụ thể… không chỉ cho năm 2016 mà cho cả những năm tiếp theo.
Ngoài ra, Chủ tịch Nguyễn Thành Phong yêu cầu các sở, ngành có giải pháp khắc phục các chỉ số tụt hạng gồm chỉ số công khai minh bạch và chỉ số chi phí không chính thức. Còn một số chỉ số khác “đứng yên tại chỗ” như chỉ số cạnh tranh bình đẳng và chỉ số hỗ trợ doanh nghiệp cũng cần phải có giải pháp ngay bởi trên thực tế các chỉ số này là sự cảnh báo quan trọng cho các cơ quan chức năng thành phố cải thiện chất lượng phục vụ.
Cũng theo ông Phong, hiện thành phố đang triển khai 7 chương trình đột phá đi kèm với các giải pháp lớn như vấn đề giao thông, chống ngập, cướp giật, an toàn vệ sinh thực phẩm, môi trường...
Sẽ có chính sách riêng cho công nghiệp hỗ trợ
Theo ông Nguyễn Phương Đông, Phó giám đốc Sở Công Thương, các ngành công nghiệp của thành phố có sự tăng trưởng khá như dệt may, sản xuất sản phẩm nhựa, chế biến thực phẩm đồ uống, điện tử... Sản xuất tăng do tiêu thụ, doanh nghiệp bán được hàng thúc đẩy sản xuất tăng.
Để hỗ trợ doanh nghiệp, và để thúc đẩy hơn nữa công nghiệp hỗ trợ, thành phố đang ráo riết chuẩn bị sẵn hạ tầng nhà xưởng cho các doanh nghiệp FDI về công nghiệp hỗ trợ. Đặc biệt, trong tháng 6 tới, Sở Công Thương sẽ trình UBND thành phố một quyết định về chương trình kích cầu riêng cho công nghiệp hỗ trợ (bên cạnh Quyết định 50/2015 được UBND thành phố ban hành tháng 10-2015).
Về hoạt động của thị trường bán lẻ, ông Nguyễn Phương Đông khẳng định hiện tại vẫn chưa có cơ sở để nói các nhà đầu tư nước ngoài đang thâu tóm ngành bán lẻ. Sở Công Thương sắp tới cũng sẽ trình UBND thành phố phê duyệt quy hoạch phát triển ngành công nghiệp bán lẻ của thành phố để làm cơ sở quản lý tốt hơn.
Văn Nam
tbktsg
|