Thứ Bảy, 28/05/2016 11:45

ĐH Công nghệ Đồng Nai yêu cầu giảng viên vay tiền cho trường

Theo phản ảnh của một số giảng viên Trường ĐH Công nghệ Đồng Nai (TP Biên Hòa), lãnh đạo trường này đã gửi thông báo yêu cầu giảng viên và nhân viên của trường ký tên đồng ý cho trường sử dụng hợp đồng lao động để trường vay tiền ngân hàng.

 

Trường ĐH Công nghệ Đồng Nai - Ảnh: A Lộc

Số tiền vay là từ 50-100 triệu đồng trên mỗi hợp đồng lao động, nhằm phục vụ việc xây dựng và phát triển trường. Mặc dù thông báo “trên tinh thần tự nguyện”, nhưng nhiều giảng viên không khỏi lo lắng nếu không đồng ý với yêu cầu trên.

Đây là hình thức huy động sức mạnh tập thể... Vậy sao chúng tôi không làm?

Ông PHAN NGỌC SƠN (hiệu trưởng Trường ĐH Công nghệ Đồng Nai)

Lo ngại về “tự nguyện”

Trước đó, ngày 16-5, ban giám hiệu trường có cuộc họp với lãnh đạo các khoa về việc vay tín chấp để hỗ trợ nhà trường. Sau đó, các trưởng khoa gửi email nội bộ đến các giảng viên trong khoa, với nội dung thông tin việc nhà trường sẽ tìm ngân hàng đối tác để soạn thảo hợp đồng, khoản vay và giấy tờ liên quan.

Giảng viên và nhân viên toàn trường sẽ làm hợp đồng vay tiền ngân hàng trong 2 năm. Nhà trường sẽ ký khế ước nhận và trả khoản vay cho ngân hàng đối với từng trường hợp.

Khoản vay này nhà trường dùng để thanh toán chi phí xây dựng trung tâm tích hợp, và đầu tư mua đất để phát triển trường. Ngoài ra, những thầy cô nào có tiền mặt gửi cho trường mượn sẽ được tính lãi suất 9%/năm.

Cũng theo thông báo trên, các khoa kêu gọi toàn bộ giảng viên tham gia trên “tinh thần tự nguyện”, chung tay giúp đỡ nhà trường. Các thầy cô đồng ý thì photo CMND và sổ hộ khẩu nộp cho khoa; còn thầy cô nào không tham gia cũng phải phản hồi về khoa đến hết ngày 18-5 để khoa lập kế hoạch báo cáo ban giám hiệu trường.

Theo một giảng viên của trường, sự việc trên có vẻ như trường muốn đội ngũ giảng viên tự nguyện giúp đỡ trường để vay ngân hàng, trường sẽ trả lãi suất hằng tháng; nhưng thực tế nhiều người không muốn “tự nguyện” vẫn phải ký tên đồng ý, do lo sợ nhiều vấn đề phát sinh nếu không cho trường sử dụng hợp đồng lao động của mình để đi vay.

Giảng viên này thắc mắc: Nhà trường sử dụng hợp đồng lao động của giảng viên, nhờ mỗi giảng viên đứng tên vay ngân hàng có đúng với pháp luật hiện hành? Có đảm bảo quyền lợi của người lao động? Sau khi vay tiền, nếu giảng viên nghỉ làm trong lúc nhà trường còn đang nợ tiền thì sẽ thế nào? Và trường hợp xấu nhất là nhà trường không có khả năng chi trả, thì phần nợ đó sẽ do giảng viên gánh?

Trước đó, trong tháng 10-2015, gần 100 giảng viên bị hạ bậc thi đua và trừ lương khoảng 1.500.000 đồng/người vì vấn đề chậm hoặc không phản hồi email lấy ý kiến tín nhiệm cán bộ lãnh đạo khoa theo chỉ đạo của hiệu trưởng. Nhiều giảng viên bức xúc, vì trong thông báo không ghi rõ là bắt buộc phản hồi và chế tài giảng viên không thực hiện. Hiệu trưởng hạ bậc thi đua và trừ lương của giảng viên vì lý do trên có đúng không?

Đây là hình thức tự nguyện, không áp đặt

Trả lời Tuổi Trẻ về vấn đề này, ông Phan Ngọc Sơn - hiệu trưởng Trường ĐH Công nghệ Đồng Nai - thừa nhận có vụ việc nêu trên.

Theo ông Sơn, vừa qua trường đầu tư xây dựng hết khoảng 70 tỉ đồng, nên giai đoạn này trường đang cần tiền để trả nhà thầu. Nguồn thu chính của trường là từ sinh viên, không đủ chi, trong khi ngân hàng rất khó vay, còn vay nóng bên ngoài thì lãi suất quá cao...

Nếu phải vay nóng, nhà trường và toàn bộ nhân viên của trường sẽ bị tác động về vấn đề tài chính. Trong trường hợp này, rất nhiều trường mời cổ đông để giải quyết vấn đề, nhưng trường không mời cổ đông vì lo ngại phát sinh những khó khăn cho giảng viên khi trường chia năm xẻ bảy...

Vì vậy, trường đề nghị toàn bộ giảng viên, cán bộ nhân viên cho trường mượn hợp đồng lao động để trường vay tiền ngân hàng, hoặc nếu có tiền nhàn rỗi có thể cho trường vay với lãi suất cao nhưng thấp hơn vay nóng bên ngoài. Việc này sẽ giúp trường tiết kiệm được rất nhiều tiền để trả lãi từ các khoản vay (hiện mỗi năm trường phải trả lãi hơn 10 tỉ đồng).

“Tiền tiết kiệm sẽ được đầu tư vào cơ sở hạ tầng của trường, hỗ trợ cho cán bộ giảng viên, nhân viên tốt hơn. Đây là hình thức huy động sức mạnh tập thể đã từng thực hiện thành công ở Trường Nguyễn Khuyến (tiền thân của ĐH Công nghệ Đồng Nai). Vậy sao chúng tôi không làm?” - ông Sơn nói.

Cũng theo ông Sơn, quan điểm của trường là tự nguyện, không áp đặt. Những ai đồng ý, trường sẽ làm khế ước ghi rõ nội dung giảng viên giúp nhà trường vay vốn, nhà trường sẽ đảm bảo quyền lợi cho họ. Cụ thể, giảng viên chỉ cho trường mượn hợp đồng lao động, photo CMND và sổ hộ khẩu, trường sẽ đứng ra vay và trả lãi hằng tháng, thông báo bằng tin nhắn điện thoại đến từng người.

Đến nay, đã có khoảng 80% giảng viên ký cam kết đồng ý cho trường sử dụng hợp đồng lao động để vay tiền. Trường đang làm việc với ngân hàng, thỏa thuận lãi suất phù hợp, sẽ thực hiện việc vay.

Trường hợp giảng viên nào cần vay tiền trong thời gian cho trường mượn hợp đồng lao động thì trường sẽ giải chấp ngay; thậm chí nếu có giảng viên cần tiền giải quyết việc riêng, nhà trường vẫn đứng ra đảm bảo để giảng viên vay tiền.

Về việc trường hạ bậc thi đua khi giảng viên chậm hoặc không phản hồi email lấy ý kiến tín nhiệm, ông Sơn cho biết: theo đúng quy định của trường thì giảng viên phải thực thi hiệu lệnh của hiệu trưởng, nhưng các giảng viên trên đã không thực thi.

Cụ thể, theo ông Sơn: “Tôi gửi email cho 200 giảng viên, đề nghị trả lời ngay cho tôi trong thời gian từ ngày này đến giờ này. Có những giảng viên nhận nhiều email nhưng không trả lời. Như thế, các anh đã không tuân thủ quy định của trường. Trường đã hạ bậc thi đua các giảng viên không thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo trường, để siết chặt nội quy của trường”.

A LỘC

Tuổi trẻ

Các tin tức khác

>   Nhiều rủi ro xuất khẩu đồ gỗ trong TPP và EVFTA (28/05/2016)

>   Giá dầu thế giới tăng: Kẻ mừng, người lo (28/05/2016)

>   Sẽ có cơ quan “quản” DNNN thay SCIC? (28/05/2016)

>   ​Đề nghị bỏ một quy định kiểm tra formaldehyt (27/05/2016)

>   Hơn 10 tỷ USD vốn FDI rót vào Việt Nam (27/05/2016)

>   Sản phẩm cá tra là hàng hóa rủi ro về giấy phép? (27/05/2016)

>   G7 nhất trí phối hợp ngăn chặn nguy cơ khủng hoảng kinh tế toàn cầu (27/05/2016)

>   Cạnh tranh điện ảnh nhìn từ vụ việc CGV (27/05/2016)

>   Bị kiểm tra quá 1 lần/năm, DN có thể "kêu" lên Thủ tướng (27/05/2016)

>   Một mẫu vải mất 2 triệu đồng kiểm định (27/05/2016)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật