Những bí ẩn về đại gia BĐS Hải Phát?
Thị trường bất động sản Hà Nội với những “cơn sốt” lúc ở phía đông, lúc ở phía tây không còn là điều bất ngờ với khách hàng, vì ai cũng hiểu nguồn cơn của các “cơn sốt” ấy chủ yếu do chủ đầu tư muốn tạo sóng bán hàng, nhưng sự xuất hiện, trỗi dậy của những chủ đầu tư bất động sản (BĐS) có điểm xuất phát thấp, bỗng dưng sau vài năm trở thành đại gia “rũ bùn đứng dậy sáng lòa” như Hải Phát thì là môt hiện tượng lạ, khó hiểu mà ai cũng muốn biết.
Một góc Khu đô thị Tri Thức Trẻ HHB Tân Tây Đô.
|
Năm 2003: Vốn điều lệ 8 tỉ đồng
Theo giới thiệu trên website công ty, Hải Phát được thành lập vào cuối năm 2003 với vốn điều lệ vẻn vẹn 8 tỉ đồng. Bốn năm sau, vốn điều lệ của Hải Phát mới chỉ tăng lên 15 tỉ đồng, nhưng đến năm 2008, Hải Phát chính thức tăng vốn lên 300 tỉ đồng. Lúc này, Hải Phát cũng chính thức tuyên bố là chủ đầu tư triển khai một loạt các dự án lớn như Khu đô thị mới Văn Phú và Tổ hợp thương mại, dịch vụ và căn hộ The Pride thuộc Khu đô thị An Hưng (quận Hà Đông).
Năm 2011, Hải Phát tiếp tục tăng vốn lên 750 tỉ đồng, đồng thời, triển khai thực hiện nhiều dự án với tổng diện tích lên tới hàng trăm hécta như: Dự án Khu đô thị Tân Tây Đô (huyện Đan Phượng), Khu nhà ở đô thị Phú Lãm (quận Hà Đông), Khu đô thị mới Tây Nam An Khánh (huyện Hoài Đức)....
Mặc dù chỉ là nhà đầu tư thứ cấp tại Văn Phú, nhưng Hải Phát lại lời lớn vì trong lúc thị trường bất động sản sốt nóng. Với lợi nhuận thu được, Hải Phát đã tiếp tục đi mua dự án, và ít ai biết rằng, dự án Khu đô thị Đại Thanh hiện nay do Xí nghiệp xây dựng tư nhân số 1 Lai Châu của “đại gia điếu cày” Lê Thanh Thản làm chủ đầu tư trước đây thuộc về Hải Phát. Ban đầu, Hải Phát liên doanh, nhưng cuối cùng quyết định bán lại dự án, thu về hàng trăm tỉ đồng. Có tiền, Hải Phát tiếp tục tăng vốn và đi thâu tóm thêm nhiều dự án khác, trong đó có khu đất tại 36 Phạm Hùng.
Tuy nhiên cùng với sự đi xuống của thị trường đã kéo Hải Phát vào cơn bĩ cực. Khu đất 36 Phạm Hùng về tay Hải Phát chưa lâu thì đến năm 2014 lại được Hải Phát trao tay cho doanh nghiệp khác trong bối cảnh doanh nghiệp gặp khó khăn về tài chính và thị trường BĐS suy thoái. Khách hàng được Hải Phát chuyển nhượng không phải ai xa lạ mà chính là đại gia BĐS mới nổi thời điểm bấy giờ FLC.
Hai dự án trọng điểm của Hải Phát là khu căn hộ The Pride và Tân Tây Đô đều gặp khó khăn. Năm 2012, Hải Phát đã buộc phải hạ giá 20-30% giá bán của khu căn hộ CT2A Tân Tây Đô mới thu được tiền để tiếp tục hoàn thiện dự án này. Trong khi đó, Hải Phát đã mất một thời gian dài “chết chìm” ở dự án The Pride với vô số đơn kiện của khách hàng khi dự án liên tục chậm tiến độ trong nhiều năm.
Năm 2015: “Bất ngờ trở lại, lợi hại hơn xưa”
Tuy nhiên, từ năm 2015 trở lại đây người ta thấy Hải Phát đang rầm rộ trở lại thị trường. Đầu tiên phải kể đến sự kiện Công ty CP Đầu tư Hải Phát đã chi 165 tỉ đồng để mua 16,5 triệu cổ phiếu và chính thức nắm giữ 4,71% vốn của VietABank vào cuối năm 2015. Trước đó, CTCP Đầu tư Hải Phát chào mua công khai cả lô 77.366 cổ phần chào bán của CTCP Ôtô khách Hà Tây.
Chưa dừng lại ở đó, cùng thời điểm trên Hải Phát cũng tiếp tục chi hơn 200 tỉ để mua hơn 10 triệu cổ phần từ Cienco 5. Sau thương vụ này, Hải Phát đã giành quyền sở hữu 23% cổ phần Cienco 5. Câu chuyện Hải Phát - Cienco5 lại khiến giới đầu tư liên hệ đến sự kiện đang gây sốt hiện nay trong giới BĐS Hà Nội là việc Công ty cổ phần Tập đoàn Mường Thanh cho biết đã chính thức sở hữu dự án Thanh Hà (quận Hà Đông - Hà Nội) của Cienco5 Land, một thành viên của Cienco5.
* Chủ tịch Bạch Ngọc Du đang đưa Cienco 5 đi về đâu?
* Cienco 5 bác thông tin lo ngại “mất vốn nhà nước” sau CPH
Thời gian gần đây, dư luận cũng xôn xao với việc Hải Phát liên tục thâu tóm hàng loạt dự án có quy mô lớn khu vực Hà Đông. Từ cuối năm 2015, đầu năm 2016 đến nay, thông tin hàng loạt dự án có quy mô lớn đang dần về tay Hải Phát liên tục xuất hiện trên thị trường.
Đầu tiên là vào cuối năm ngoái, Sông Đà Thăng Long bất ngờ thông báo đã chuyển nhượng tòa nhà CT2 - 105 tại dự án Usilk City (Hà Đông) cho Hải Phát. Khi thương vụ này vừa lắng xuống thì đầu năm 2016, Sông Đà Thăng Long tiếp tục công bố chuyển nhượng tòa CT1 - 104 cho doanh nghiệp này. Và trong một động thái rõ ràng hơn, Tổng Giám đốc Sông Đà Thăng Long từng tiết lộ: “Các toà còn lại, Công ty Sông Đà Thăng Long cũng đã ký hợp đồng hợp tác toàn diện với Công ty Hải Phát để tiếp tục thi công dự án”.
Đến đầu tháng 4 năm nay, trong phiên đấu giá quyền sử dụng đất dự án đầu tư xây dựng cơ sở thương mại, dịch vụ tại làng nghề dệt lụa Vạn Phúc (phường Vạn Phúc), Hải Phát đã giành quyền mua 7.200m2 đất với giá 500 tỉ đồng.
Chưa dừng lại ở đó, mới đây theo thông tin chúng tôi được biết, doanh nghiệp này đã thâu tóm một phần dự án Khu đô thị Phú Lương, phường Phú Lương (quận Hà Đông) do Công ty cổ phần xây dựng Trung Việt làm chủ đầu tư. Theo đó, Hải Phát đã đầu tư vào dự án khoảng 700 tỉ đồng để mua lại quỹ đất 4,7ha đất thành phẩm (tương đương khoảng 35% quỹ đất của dự án).
Phan Nam
lao động
|