Nhà nước có cần giữ cổ phần chi phối một hãng phim?
Vài ngày trước, phiên bán cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) của Hãng phim hoạt hình Việt Nam (HPHoatHinhVN) đã bán hết 11% số cổ phần, thu về 6 tỉ đồng. Vấn đề ở đây là liệu Nhà nước có cần dè dặt bán ra và giữ cổ phần chi phối ở một hãng phim hoạt hình?
* IPO Hoạt hình Việt Nam: Thu về hơn 6 tỷ đồng
Phiên IPO hãng phim hoạt hình Việt Nam. Ảnh: HNX
|
Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) hôm 27/4 đã thông báo về việc bán hết 589 ngàn cổ phần của Công ty TNHH MTV hãng phim hoạt hình Việt Nam với giá trúng đấu giá bình quân 10.300 đồng/cổ phần, cao hơn giá khởi điểm 300 đồng/cổ phần. Tổng giá trị thu về cho đợt đấu giá 11% vốn điều lệ này là hơn 6 tỉ đồng.
Như vậy, sau cổ phần hóa (CPH), nhà nước vẫn nắm giữ 51% vốn điều lệ tại đây, tương ứng với 2,7 triệu cổ phần; nhà đầu tư chiến lược giữ 36% vốn điều lệ và cán bộ nhân viên giữ 2%. Tổng vốn điều lệ của hãng phim sau CPH là 53,7 tỉ đồng, không thay đổi so với thời điểm trước đó.
Bán cổ phần ở một hãng phim nhà nước, tuy số tiền thu về không quá lớn nhưng là một bước đi thể hiện hành động cổ phần hóa các đơn vị sự nghiệp công lập nhà nước, đã được Chính phủ phê duyệt từ cuối năm 2015.
Các đơn vị sự nghiệp công lập, trong đó có các hãng phim nhà nước kiểu như Công ty TNHH MTV Hãng phim hoạt hình, sống bám vào “bầu sữa” ngân sách quá lâu. Hãng phim này được thành lập từ năm 1959, xuất thân từ Xưởng phim hoạt hình thuộc Cục điện ảnh Việt Nam. Hãng là đơn vị độc quyền duy nhất của Việt Nam phục vụ sản xuất hoạt hình phục vụ nhiệm vụ chính trị, giao dục; sản phẩm chủ yếu mà công ty sản xuất và phát hành là phim hoạt hình 2D,3D, cắt giấy và phim truyện thiếu nhi.
Tuy nhiên, cũng như các đơn vị sự nghiệp công lập khác, hãng này không sống được bằng ngành nghề kinh doanh chính, trước tốc độ xã hội hóa rất nhanh trong lĩnh vực sản xuất phim nói chung và tốc độ nhập khẩu phim hoạt hình nổi tiếng trên thế giới ở các rạp chiếu.
Do vậy, doanh thu chính của công ty từ bán tài trợ phim (70% đến 80% tổng doanh thu) và cũng như các DNNN khác, công ty này có đến khoảng 28% doanh thu từ việc cho thuê mặt bằng làm văn phòng và ki-ốt bán hàng (khoảng 2,4 tỉ đồng đến 3,4 tỉ đồng mỗi năm, trong khi doanh thu bình quân hàng năm của công ty giai đoạn 2012-2013 là 8,7 tỉ đồng). Năm 2016-2018, công ty đặt mục tiêu doanh thu từ 15,8 đến 16,8 tỉ đồng.
Với thực trạng sản xuất kinh doanh như trên, đáng lẽ việc IPO một hãng phim hoạt hình sẽ khó thu hút được nhà đầu tư bởi tốc độ xã hội hóa ngành kinh doanh này đã rất lớn. Vấn đề nằm ở chỗ công ty đang được quản lý và sử dụng một số khu đất đẹp tại quận Ba Đình (Hà Nội) nên 11% cổ phần bán ra dễ dàng thu hút nhà đầu tư.
Việc cổ phần hóa các đơn vị sự nghiệp công lập là một chủ trương đã được Chính phủ thông qua để dần chấm dứt tình trạng các bệnh viện, hãng phim, viện nghiên cứu…sống lay lắt dựa vào ngân sách nhà nước khiến nhà nước khó khăn mà sức ỳ của doanh nghiệp ngày càng lớn.
Việc IPO một hãng phim hoạt hình, nếu được tiến hành theo quy trình chặt chẽ, đúng luật và minh bạch thì Nhà nước không cần giữ lại đến 51% số cổ phần tại đây như phương án hiện hành mà có thể bán hết, để mở đường cho nhiều hãng phim, đơn vị sự nghiệp công lập sống lay lắt khác tự cứu lấy mình.
Lan Nhi
tbktsg
|