Cổ phần hóa quý 1/2016: Đầu xuôi, đuôi sẽ lọt?
Theo thống kê của Vietstock, trong quý 1/2016, có 38 doanh nghiệp nhà nước thực hiện bán đấu giá gần 380 triệu cổ phần ra công chúng, trong đó gần 240 triệu cổ phần trúng giá, tương ứng tỷ lệ hơn 63%. Đáng chú ý là có nhiều phiên cổ phần hóa diễn ra hết sức sôi động khi có nhiều nhà đầu tư lớn tham gia đấu giá.
IPO nóng nhờ ông lớn
Cụ thể, tại Sở GDCK TPHCM (HOSE) có 23 doanh nghiệp thực hiện đấu giá, trong đó 17 đơn vị thực hiện chào bán cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO). Tổng khối lượng cổ phần được đưa ra đấu giá là gần 291 triệu đơn vị và tỷ lệ bán được chiếm 61%, tương ứng hơn 177 triệu cổ phần. Tổng giá trị bán đấu giá cổ phần trong 3 tháng đầu năm đạt hơn 3,156 tỷ đồng.
Đây là những con số đột biến bởi trong cùng kỳ quý 1/2015 chỉ có 2 doanh nghiệp thực hiện đấu giá và kết quả cũng chỉ hơn 1.2 triệu đơn vị được mua, tương ứng giá trị 65 tỷ đồng.
Tuy nhiên, trong 23 doanh nghiệp đấu giá cũng chỉ có 12 doanh nghiệp thành công 100%, tập trung vào những đơn vị có quy mô lớn. Đáng chú ý hơn, những phiên IPO sôi động thường tập trung vào doanh nghiệp có các nhà đầu tư tên tuổi tham gia.
Đầu tiên phải kể đế Công ty TNHH MTV Kỹ nghệ Súc Sản (VISSAN) với giá trị IPO lớn nhất kể từ đầu năm đến nay. 100% cổ phần đấu giá hết vèo, giá trúng thầu cổ phần Vissan được đẩy lên gấp 4.7 lần giá khởi điểm, đạt 80,053 đồng/cp, tương ứng giá trị thu về gần 907 tỷ đồng. Phiên IPO của Vissan đã trở nên nóng hơn khi trước đó, 3 nhà đầu tư lớn là Tập đoàn CJ, Proconco và ANCO đều quyết tâm trở thành nhà đầu tư chiến lược. Theo thông tin từ báo chí, nhà đầu tư trúng giá cao nhất trong phiên IPO chính là một công ty con của Tập đoàn CJ Hàn Quốc đã bỏ ra 336.6 tỷ đồng để mua 4.18% cổ phần Vissan tại mức giá cao nhất (102,000 đồng/cổ phần, cao hơn 36% so với nhà đầu tư trả giá cao thứ 2).
Sau phiên IPO này, Vissan thực hiện chào bán công khai hơn 11 triệu cp cho nhà đầu tư chiến lược và CTCP Dinh dưỡng Nông nghiệp Quốc tế (Anco) – thuộc Tập đoàn Masan (MSN) đã vượt qua hai đối thủ còn lại khi đưa ra mức giá cao nhất là 126,000 đồng/cp, giá trị thương vụ lên đến gần 1,428 tỷ đồng.
Đấu giá thành công hơn 78 triệu cổ phần, CT TNHH MTV Phát triển và Kinh doanh Nhà (RESCONHA) trở thành đơn vị có khối lượng đấu giá thành công cao nhất từ đầu năm 2016. Tại mức giá 10,000 đồng/cp, RESCONHA đã thu về hơn 782 tỷ đồng khi bán cho 1 tổ chức và 26 cá nhân. Ngoài ra, đơn vị này còn công bố nhà đầu tư chiến lược duy nhất là Công ty TNHH Thương mại – Quảng cáo – Xây dựng – Địa ốc Việt Hân (vốn điều lệ 1,600 tỷ đồng) đăng ký mua hết 34.79% vốn sau khi IPO xong.
Bên cạnh đó, còn có nhiều doanh nghiệp lớn khác cũng thực hiện đấu giá thành công trên HOSE như CTCP Việt Pháp Sản Xuất Thức Ăn Gia Súc PROCONCO, CTCP Đô thị Du lịch Cần Giờ hay Công ty TNHH Một thành viên Dệt May Gia Định…
Kết quả đấu giá cổ phần các doanh nghiệp trên HOSE trong quý 1/2016
Còn trên HNX, có 15 doanh nghiệp thực hiện chào bán cổ phần trong quý 1, trong đó có 10 doanh nghiệp đấu giá thành công 100%. Tổng khối lượng cổ phần bán đạt hơn 62 triệu đơn vị trên tổng số 87.8 triệu cổ phần chào bán, tương ứng tổng giá trị thu về đạt 769.3 tỷ đồng, bằng 13% tổng giá trị đạt được trong cả năm 2015.
Kết quả đấu giá cổ phần các doanh nghiệp trên HNX trong quý 1/2016
Tương tự như trên HOSE, các phiên đấu giá diễn ra trên HNX cũng trở nên sôi động hơn hẳn nhờ có sự tham của các ông lớn. Theo đó, đợt IPO của Công ty TNHH MTV Sách Việt Nam (Savina) đã diễn ra thành công với 100% cổ phần được bán hết cho 74 nhà đầu tư tại mức giá đấu thành công bình quân là 13,072 đồng/cp, tương ứng giá trị thu về gần 220 tỷ đồng.
Phiên IPO của Savina trở nên nóng một phần nhờ thông tin Vingroup (VIC) sẽ là nhà đầu tư chiến lược trong đợt chào bán hơn 44 triệu cp (tương đương 65% vốn điều lệ). Và ngay sau khi phiên IPO diễn ra thì VIC thông báo đã góp 441 tỷ đồng vào Savina để nắm quyền chi phối.
Một đơn vị khác là Đầu tư Việt Hà cũng IPO thành công gầ 19 triệu cp với mức giá 10,100 đồng/cp để thu về 190 tỷ đồng.
Còn xét về mức độ thành công giá đấu thầu thì Công ty Bến xe – Bến tàu Quảng Ninh đứng đầu khi đạt mức giá trúng thầu cao nhất 46,570 đồng/cp, so với giá khởi điểm đưa ra thì gấp 4.6 lần.
Vì sao thất bại?
Mặc dù tỷ lệ thành công trong các phiên đấu giá trong quý 1 vẫn cao nhưng không phủ nhận rằng trong kỳ cũng có rất nhiều đơn vị “ế ấm” khi đưa cổ phần ra chào bán. Chẳng hạn như Công ty TNHH Một thành viên Xuất nhập khẩu và Đầu tư Chợ Lớn (Cholimex), mặc dù được kỳ vọng là sẽ tạo ra nhiều đột biến nhưng trong phiên IPO cũng chỉ có 64% cổ phần trúng giá, tương ứng 13,837,600 cp với mức giá trung bình 10,000 đồng/cp trên HOSE.
Hay như Công ty TNHH MTV Vật liệu và Xây dựng Bình Dương, mang đấu giá hơn 22 triệu cp nhưng chỉ có 5.7 triệu cp được mua với giá bằng giá khởi điểm là 10,000 đồng/cp. Đáng chú ý đây là lần thứ 2 đơn vị này bị “ế” bởi lần đầu tiên đấu giá diễn ra vào cuối năm 2015 cũng chỉ 12% (tương ứng 3 triệu cp trong số 25 triệu chào bán) được mua.
Còn trên HNX phải kể đến Công ty TNHH MTV Đầu tư phát triển nhà và hạ tầng – Vinacomin, hơn 99% cổ phần chào bán bị làm ngơ trong phiên chào bán 11.5 triệu cổ phần diễn ra ngày 29/03 vừa qua.
Có thể thấy tốc độ cổ phần hóa đang được đẩy mạnh trong quý 1/2016 mặc dù vẫn còn nhiều doanh nghiệp thất bại khi đấu giá. Khi trao đổi với một vị Chủ tịch tại một doanh nghiệp Nhà nước tiến hành IPO về vấn đề thành bại trong bán vốn Nhà nước, ông khẳng định “cuộc chơi” cần công bằng, nhà đầu tư tham gia cần có một tỷ lệ sở hữu hoặc ngang bằng hoặc hơn tỷ lệ Nhà nước nắm giữ sau IPO. Điều này tiếp tục khẳng định một trong những rào cản lớn nhất trong việc cổ phần hóa hiện nay chính là Nhà nước vẫn chiếm tỷ lệ hơn 51% sau khi chào bán đấu giá.
Kết thúc năm 2015 vừa qua, mục tiêu cổ phần hóa 425 doanh nghiệp đã không đạt được. Trong năm 2016, vấn đề này tiếp tục là trọng tâm khi một trong những chỉ đạo của Bí thư Thành ủy TP.HCM Đinh La Thăng là cần nghiên cứu, đề xuất rút ngắn các thủ tục, quy trình trong quá trình cổ phần hóa (CPH), tiếp tục quán triệt trong lãnh đạo các đơn vị CPH, kiên quyết điều chuyển công tác ngay đối với những trường hợp cố tình làm chậm tiến độ CPH. Đồng thời, khẩn trương hoàn thiện báo cáo chi tiết về phương án sắp xếp, đổi mới DN 100% vốn nhà nước thuộc thành phố giai đoạn 2016-2018./.
|