Đầu tư bệnh viện tư nhân đang "nóng" trở lại
Tổng chi tiêu y tế của hơn 90 triệu dân Việt Nam hiện chiếm đến 5,8% GDP, cao nhất ASEAN.
Sau một thời gian khá im ắng, làn sóng đầu tư vào các bệnh viện dường như nóng trở lại. Bên cạnh việc cổ phần hóa một số bệnh viện nhà nước được giới đầu tư quan tâm, xu thế đầu tư vào các bệnh viện tư nhân cũng nở rộ. Điển hình là thương vụ thâu tóm Bệnh viện Quốc tế Vinh (Nghệ An) của Tập đoàn Y khoa Hoàn Mỹ mới đây, đưa tổng số bệnh viện mà Hoàn Mỹ sở hữu lên con số 7. Vào năm 2015, Hoàn Mỹ cũng thâu tóm 70% cổ phần của Bệnh viện Quốc tế Đồng Nai và cho biết đang ngắm nghía một số bệnh viện nhà nước ở Đà Nẵng và TP.HCM.
Tập đoàn xây dựng, bất động sản là Cotec Group (CTD) đã thành lập thành viên Cotec Healthcare Holdings để đầu tư vào các bệnh viện. Cuối năm 2015, dự án mở rộng của Bệnh viện Đa khoa Bình Định trị giá 1.300 tỉ đồng do Cotec Healthcare Holdings làm chủ đầu tư đã được khởi công theo hình thức hợp tác công tư. Trong tương lại, tập đoàn này cũng không giấu ý định phát triển chuỗi bệnh viện đa khoa khắp cả nước.
Lẽ dĩ nhiên, khi nhắc đến khu vực tư nhân thì không thể không nhắc đến hệ thống Vinmec của Tập đoàn Vingroup. Trong khi đó, nhiều nhà đầu tư nước ngoài như Tập đoàn Bumrungrad Hospital (Thái Lan) hay Lippo Group (Indonesia) cũng đã bày tỏ ý định sẽ phát triển chuỗi bệnh viện của họ tại Việt Nam.
Mới nhất, một thương vụ đầu tư đáng chú ý khác vừa diễn ra là việc quỹ đầu tư VOF (do VinaCapital quản lý) đã thâu tóm 75% cổ phần của Bệnh viện Quốc tế Thái Hòa tại tỉnh Đồng Tháp. Số tiền mà VOF đầu tư vào đây là khoảng 10 triệu USD.
Thái Hòa được thành lập vào năm 2008. Tổng Giám đốc bệnh viện này là một vị bác sĩ có gần 20 năm kinh nghiệm từ Bệnh viện Phụ sản Từ Dũ (TP.HCM) và được đánh giá có tay nghề khá cao. Hiện Bệnh viện Thái Hòa có 200 giường bệnh và 30 bác sĩ phục vụ khoảng 300.000 lượt khám chữa bệnh mỗi năm.
Theo bà Đặng Phạm Minh Loan, Giám đốc Ðầu tư danh mục cổ phần tư nhân của VOF, thời gian đầu tư vào Thái Hòa dự kiến sẽ kéo dài 3-5 năm với số vốn có thể tăng thêm để hỗ trợ bệnh viện này mở rộng. VOF cho rằng tiềm năng của Thái Hòa vẫn còn khả quan nhờ Chính phủ đã ban hành chính sách hợp tác công tư trong hệ thống bệnh viện để giảm tải cho khu vực công, cũng như các chính sách bảo hiểm y tế được nới lỏng từ năm 2016 sẽ mang lại nguồn thu lớn hơn cho các bệnh viện tư nhân. “Quỹ sẽ tiếp tục tìm kiếm cơ hội đầu tư vào y tế, kể cả cơ hội đầu tư vào các bệnh viện công cổ phần hóa trong thời gian tới nếu cảm thấy đủ độ hấp dẫn”, bà Loan nói.
Có vẻ như VOF rất tự tin vào thương vụ đầu tư lần này nhờ thương vụ đầu tư trong quá khứ với Hoàn Mỹ. Vào năm 2009, cùng với Quỹ DWS Vietnam Fund của Deustche Bank, VOF đã đầu tư 10 triệu USD vào chuỗi Bệnh viện Hoàn Mỹ. 3 năm sau, quỹ này thoái vốn hoàn toàn với số tiền thu về lên đến 25 triệu USD.
Có thể thấy, bên cạnh dược phẩm thì tiềm năng của mô hình kinh doanh bệnh viện cũng rất hấp dẫn các nhà đầu tư. Theo hãng nghiên cứu thị trường Business International Monitor, tổng chi tiêu y tế của hơn 90 triệu dân Việt Nam hiện chiếm đến 5,8% GDP, cao nhất ASEAN và sẽ đạt đến con số 24 tỉ USD vào năm 2020 nhờ lộ trình xã hội hóa y tế mà Chính phủ đang tiến hành.
Mặc dù vậy, thách thức cho các bệnh viện tư vẫn còn rất lớn bởi khu vực công vẫn chiếm tỉ trọng đáng kể trong nền y tế. Tính đến năm 2014, con số bệnh viện công là 1.090, trong khi chỉ có 175 bệnh viện tư nhân. Số bệnh viện tư hoạt động thực tế còn lẽ còn thấp hơn nhiều.
Ðầu tư vào bệnh viện còn đòi hỏi vốn đầu tư lớn và lợi nhuận khá thấp trong những năm đầu tiên. Bất chấp quy mô thị trường khá lớn, mức chi tiêu bình quân dành cho y tế theo đầu người của Việt Nam vẫn còn kém xa so với Thái Lan, Malaysia hay Singapore. Ðiều này ảnh hưởng đến nguồn thu của các bệnh viện tư, đặc biệt khi chi phí khám chữa bệnh tại đây cao hơn khá nhiều so với bệnh viện công.
Đó là chưa kể các bệnh viện tư cần tốn thêm nhiều chi phí marketing, quảng bá để giới thiệu rộng rãi đến khách hàng. Chăm sóc sức khỏe là lĩnh vực đặc thù, nơi mà người dân không muốn đặt cược rủi ro sức khỏe của mình vào các bệnh viện mới, ít tên tuổi. Niềm tin vào chất lượng của các bệnh viện trong nước (kể cả công và tư) vẫn còn rất thấp, góp phần giải thích con số 1-2 tỉ USD chảy ra nước ngoài mỗi năm khi người Việt xuất ngoại chữa bệnh. Điều này sẽ khó thay đổi một sớm một chiều.
Cũng vì lẽ đó, trong hơn một thập niên qua, con số bệnh viện tư tuy gia tăng gấp 3 lần, nhưng các chuyên gia trong ngành cho rằng khoảng một nửa trong số đó đã dừng hoạt động hoặc đang ngoắc ngoải. Vì vậy, thương vụ VOF - Thái Hòa sẽ cần thêm thời gian để kiểm chứng.
Bên cạnh Thái Hòa, đại diện VOF cho biết trong năm nay, quỹ này sẽ ưu tiên đầu tư vào các công ty tư nhân với giá trị góp vốn từ 10-40 triệu USD. Quỹ này cũng vừa mới chuyển sàn niêm yết từ AIM lên Main Market tại thị trường chứng khoán London, tạo cơ hội thu hút thêm nguồn lực đầu tư từ nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam.
Sơn Nguyễn
nhịp cầu đầu tư
|