Ngành tài chính chịu sức ép lớn
“Ngành tài chính chịu sức ép lớn” đây là nhận định của ông Trần Thanh Tân, Phó Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Quản lý Quỹ đầu tư Việt Nam (VFM) với Doanh Nhân.
– Theo đánh giá của VFM, lĩnh vực tài chính – ngân hàng, chứng khoán của Việt Nam sẽ chịu tác động như thế nào khi gia nhập TPP thưa ông?
Quy định về mở cửa cho các lĩnh vực này được thể hiện tại Chương 11 của TPP và phụ lục 1 và 2 của hiệp ước nêu rõ các hạn chế của Việt Nam là mở cửa cho ngành tài chính ngân hàng từ khi tham gia WTO, song vẫn có sự phân biệt đối xử giữa nhà đầu tư nước ngoài và nhà đầu tư trong nước. Các điều khoản quy định trong TPP sẽ bắt buộc đối xử công bằng. Trong bốn nguyên tắc chung áp dụng cho các nhà cung cấp dịch vụ tới từ các nước tham gia TPP, nguyên tắc thứ 4 cho phép họ mở ra các hình thức kinh doanh mới cạnh tranh trực tiếp với các ngân hàng, công ty bảo hiểm và các đơn vị kinh doanh các dịch vụ tài chính khác đang hoạt động tại Viêt Nam.
Đối với các ngân hàng nước ngoài có xuất xứ từ các nước như Mỹ, Úc, Nhật Bản hiện đang hoạt động tại Việt Nam sẽ có nhiều cơ hội phát triển hơn khi có sân chơi tương tự như các ngân hàng trong nước. Họ cũng có cơ hội mở rộng hoạt động cho vay và cung cấp dịch vụ nhờ tác động của TPP.
Tuy nhiên chúng tôi cho rằng, điều đáng quan tâm hơn là hệ thống ngân hàng nội địa sẽ phải chịu áp lực lớn trước ngân hàng nước ngoài, do yếu hơn đáng kể về khả năng quản trị rủi ro, khả năng huy động vốn dài hạn và tính đa dạng của dịch vụ cung cấp. Hiện tại tỷ lệ doanh thu từ lãi suất của các ngân hàng Việt Nam rất cao, khoảng 70%, nhưng xu hướng bắt buộc là phải tăng tỷ lệ doanh thu từ dịch vụ và giảm doanh thu từ lãi suất. Dù vậy, có thể nhận thấy các ngân hàng nội địa cũng đang tích cực mở rộng mạng lưới, số chi nhánh để giành lợi thế trước thời điểm các ngân hàng nước ngoài được mở cửa hoàn toàn.
Về quản trị rủi ro, các ngân hàng Việt Nam đang hướng tới việc áp dụng Basel II, song hiện mới chỉ có một số ngân hàng hoạt động tốt được lựa chọn áp dụng từ đầu năm 2017, trong khi các ngân hàng tại các nước có nền tài chính phát triển đã áp dụng Basel III và đang hướng tới sử dụng Basel IV. Cần chú ý là trong 12 nước tham gia TPP có 6 nước có nền dịch vụ tài chính phát triển và rất phát triển. Việc gia nhập TPP cũng sẽ làm phát sinh các yêu cầu tuân thủ khác đối với hệ thống ngân hàng, ví dụ như việc áp dụng các biện pháp chống rửa tiền. Ngành bảo hiểm cũng là ngành thu hút sự quan tâm rất lớn và sẽ tạo sự cạnh tranh lớn khi có các tổ chức cung cấp dịch vụ từ nước ngoài có thể cung cấp dịch vụ mà không cần phải mở doanh nghiệp tại Việt Nam.
– Còn đối với ngành quản lý quỹ, lĩnh vực hoạt động của VFM?
Ngành quản lý quỹ cũng là ngành sẽ phải tuân thủ toàn bộ các điều khoản của TPP và chúng tôi cho rằng, sức ép là đáng kể. Xu hướng đầu tư vào lĩnh vực sản xuất để hưởng lợi từ nguồn gốc xuất xứ theo quy định tại TPP đã xuất hiện rất rõ từ nửa sau năm 2015 và đặc biệt tăng trưởng trong quý 1-2016. Điều này có thể nhận thấy khi quan sát giá trị vốn FDI đăng ký, vốn giải ngân và cơ cấu ngành nghề đăng ký đầu tư.
Năm 2015 đã ghi nhận mức tăng trưởng cao về vốn FDI so với năm 2014. Năm ngoái, vốn đầu tư nước ngoài đăng ký 22,76 tỷ USD (tăng 12,5% so với năm 2014) và giải ngân đạt 14,5 tỷ USD (tăng 17,5% so với năm 2014). Trong quý I/2016, số vốn FDI đăng ký mới và đăng ký tăng vốn đạt 4,02 tỷ USD, tăng 119%; trong khi vốn FDI giải ngân đạt 3,5 tỷ USD, tăng 14,8% so với cùng kỳ năm trước. Cả trong năm 2015 và quý 1 năm nay, vốn FDI đăng ký tập trung vào các ngành chế biến, chế tạo nhiều hơn cả; cho thấy sự hấp dẫn của các hiệp định thương mại tự do đối với hoạt động sản xuất.
– Chân thành cảm ơn ông!
Lê Dung (thực hiện)
diễn đàn doanh nghiệp
|