Thứ Sáu, 06/05/2016 20:10

Khởi đầu mùa BCTC ngân hàng quý 1/2016: Dự phòng rủi ro thay đổi cục diện

Những thông tin về kết quả kinh doanh của các ngân hàng trong những tháng đầu năm 2016 đã dần hé mở, điểm nhấn là chi phí dự phòng rủi ro tín dụng tiếp tục trở thành nỗi ám ảnh cho một số ngân hàng, không thể không nói đến những cái tên như Eximbank, SHB hay BIDV.

Ngay từ đầu năm, các ý kiến từ một số chuyên gia đều đưa ra góc nhìn không mấy khả quan về viễn cảnh hoạt động kinh doanh của ngành ngân hàng trong năm 2016, trong đó tựu trung lại là đánh giá về khả năng chi phí dự phòng của các ngân hàng sẽ tăng đột biến. Theo báo cáo đánh giá triển vọng ngành ngân hàng của CTCK Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (VCBS) công bố đầu tháng 4/2016, áp lực trích lập dự phòng cho trái phiếu đặc biệt VAMC có thể sẽ tăng mạnh trong hệ thống năm 2016 sau khi lượng trái phiếu VAMC phát hành lũy kế tăng gần gấp đôi trong năm 2015 (VCBS ước tăng khoảng 50-80% so với 2015, do một phần trái phiếu được phép giãn trích lập dự phòng lên 10 năm).

Hoạt động của VAMC trong những năm gần đây

Những thông tin mới nhất về kết quả kinh doanh quý 1/2016 đã được một số ngân hàng công bố đang thể hiện những điều đó. Tính đến hiện tại, Eximbank (HOSE: EIB) có lẽ là ngân hàng chịu ảnh hưởng nặng nề nhất liên quan đến chi phí dự phòng rủi ro trong những tháng đầu tiên của năm 2016. Theo BCTC hợp nhất quý 1/2016, Eximbank ghi nhận khoản chi phí dự phòng rủi ro tín dụng tăng đột biến lên hơn 337 tỷ đồng (cùng kỳ không có khoản chi phí này), khiến lãi trước thuế chỉ còn hơn 30 tỷ đồng trong khi cùng kỳ là 538 tỷ đồng.

Eximbank cho biết, từ năm 2016, theo định kỳ hàng quý, Eximbank phải thực hiện trích lập dự phòng rủi ro tín dụng và dự phòng rủi ro cho trái phiếu đặc biệt do VAMC phát hành trên cơ sở dồn tích. Được biết, theo BCTC hợp nhất kiểm toán năm 2015, mệnh giá trái phiếu đặc biệt do VAMC phát hành cho Eximbank tính tời 31/12/2015 là hơn 6,230 tỷ đồng, tăng hơn 30% so với năm 2014. Trong khi, phần dự phòng trái phiếu đặc biệt đột biến từ gần 184 tỷ đồng tại thời điểm kết thúc năm 2014 lên 979 tỷ đồng thời điểm kết thúc năm tài chính 2015.

Sau trường hợp của Eximbank, BIDV (HOSE: BID) là ngân hàng tiếp theo báo danh chi phí dự phòng rủi ro tín dụng tăng đột biến trong quý 1/2016. Mức trích lập dự phòng rủi ro tín dụng trong 3 tháng đầu năm 2016 của BIDV lên tới gần 2,000 tỷ đồng, gấp hơn 2 lần cùng kỳ và hiện đang là ngân hàng giữa vị trí dẫn đầu trong việc trích lập này (trong khi theo danh sách tính đến hiện tại, năm 2015 BIDV chỉ xếp vị trí thứ 3). Với kết quả này, mặc dù hoạt động kinh doanh trước trích lập dự phòng của BIDV đạt hơn 4,068 tỷ đồng, tăng hơn 25% so với quý 1/2015 (gần 3,252 tỷ đồng), nhưng lãi trước thuế giảm gần 9% chỉ còn 2,077 tỷ đồng.

Theo BCTC hợp nhất kiểm toán năm 2015 của BIDV, mệnh giá trái phiếu đặc biệt do VAMC phát hành để mua lại nợ xấu của BIDV tại thời điểm kết thúc năm tài chính 2015 tăng đột biến so với năm 2014 lên hơn 20,836 tỷ đồng, gấp gần 3 lần. Trong khi đó, phần dự phòng trái phiếu cũng tăng lên gần 2,000 tỷ đồng (dự phòng VAMC nhận từ việc sáp nhập với MHB chỉ hơn 210 tỷ đồng).

Nguồn: BCTC hợp nhất kiểm toán năm 2015 của BIDV.

Nếu BIDV là ngân hàng giữ Top đầu về mức tăng tính theo số tuyệt đối tính tới hiện tại thì Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (HNX: SHB) đang là “người dẫn đầu” nếu tính về tốc độ tăng của chi phí dự phòng. Chi phí dự phòng rủi ro tín dụng trong kỳ của SHB tăng đột biến lên 168 tỷ đồng, gấp 20 lần cùng kỳ 2015. Điều này khiến lãi trước thuế của SHB trong quý 1/2016 chỉ tăng 46% lên gần 305 tỷ đồng, mặc dù lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh trước trích lập tăng hơn 118%.

Và cũng tương tự như 2 ngân hàng đã nói trên, mệnh giá trái phiếu đặc biệt do VAMC phát hành cho SHB tính tới thời điểm 31/12/2015 cũng tăng mạnh lên gần 7,000 tỷ đồng, tăng 54% so với kết thúc năm 2014, với tổng dự phòng hơn 464 tỷ đồng.

Một số chỉ tiêu kết quả kinh doanh của ngân hàng quý 1/2016 (Đvt: Tỷ đồng)

Trái ngược với những trường hợp chi phí dự phòng tăng đột biến “ăn mòn” lợi nhuận thì VietinBank, Vietcombank và MB đang là những “điểm sáng”. Với mức chi phí dự phòng rủi ro trong kỳ giảm nhẹ từ 1,510 tỷ xuống 1,441 tỷ đồng, lãi trước thuế của cổ đông VietinBank (HOSE: CTG) ghi nhận tới 2,405 tỷ đồng, tăng trưởng 54% so với quý 1/2016. Tương tự VietinBank, chí phí dự phòng rủi ro tín dụng trong kỳ của Vietcombank (HOSE: VCB) chỉ hơn 1,305 tỷ, giảm gần 14% giúp Ngân hàng đạt gần 2,299 tỷ đồng lãi trước thuế, tăng 58% cùng kỳ 2015.

Trong khi đó, nhờ giảm chi phí dự phòng gần 69%, Ngân hàng TMCP Quân Đội – MB (HOSE: MBB) lật ngược tình thế từ giảm 28% lãi thuần trước trích lập, thành tăng gần 11% về lợi nhuận trước thuế./.

Các tin tức khác

>   Lãi suất liên ngân hàng giảm mạnh (06/05/2016)

>   Có nhất thiết phải chuyển đổi thẻ ATM? (06/05/2016)

>   Vàng SJC tiếp tục giảm, tỷ giá trung tâm tiếp tục tăng (06/05/2016)

>   Ngân hàng phải có lãi mới được thành lập chi nhánh, phòng giao dịch mới (06/05/2016)

>   Sẽ xử lý nghiêm vi phạm "lách" trần lãi suất tiền gửi bằng USD (05/05/2016)

>   Techcombank: Nợ có khả năng mất vốn tăng 26% trong quý 1 (05/05/2016)

>   Mô hình ngân hàng hai cấp: Một cuộc cách mạng (05/05/2016)

>   HSBC: FDI giúp phục hồi tăng trưởng xuất khẩu hơn 10%, lãi suất OMO sẽ không đổi (05/05/2016)

>   ACB: Lãi ròng quý 1 hơn 310 tỷ, nợ có khả năng mất vốn 1,315 tỷ đồng (05/05/2016)

>   Sacombank hợp tác với Tập đoàn tài chính lớn thứ 4 của Nhật Bản (05/05/2016)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật